Tuesday 5 November 2013

Hãng đóng cửa




Lan Huỳnh ::

V ừa bước vào quán ăn Phú Linh, ở trên lầu shop Springvale, tôi nhìn thấy gia đình một người quen đang ăn trưa. Tôi định lại bàn đó để chào họ, thì người đàn bà đang ăn chợt ngó lên, kêu to:

- Chị Tư, hãng đóng cửa rồi!




Bảng hiệu của hãng Pele Curtains
Quán ăn nhỏ nên nhiều người đã hướng mắt về phía người đàn bà, nhưng chỉ vài giây thôi... vì cái chuyện "hãng đóng cửa" hiện nay không còn là tin sốt dẻo, giật gân nữa! 
 Cứ ít hôm thì nghe hãng này đóng cửa, hãng kia bớt người. Với lại, ở shop Springvale này, còn gọi là "chợ Việt" thì các quán ăn không phải như những quán ăn sang trọng kiểu Tây, mọi người không cần ăn uống, nói chuyện nhỏ nhẹ.Do đó, chuyện một người kêu to, hay chuyện tất cả mọi người rôm rả, ồn ào là chuyện bình thường, không ai thắc mắc chi. Tôi đến bên bàn đó, cúi chào gia đình người đàn bà và trả lời:

- Biết rồi, tui nghe chị Muối nói hổm rày.

Sáu năm nay tuy tôi làm việc ở hãng khác, nhưng vẫn thường gặp gỡ người hãng cũ. Chị Sương, chị dâu của tôi vẫn còn làm việc ở đó. Thỉnh thoảng tôi hẹn chị Trinh, chị Diễm ra tỉ tê đôi chuyện. Cuối tuần đi chợ tôi hay gặp vài người. Khi thì tôi gặp chị Nga, khi thì gặp vài người Lào cùng làm chung lúc trước.Thường gặp nhất chính là Mỵ, người trong quán ăn đã gọi tôi. Vì vậy, chuyện gì xảy ra ở hãng đó, tôi cũng biết. Tôi đã làm việc trong cái hãng vừa đóng cửa này suốt mười lăm năm, từ hồi mới tới Melbourne. Hãng này, chủ người Úc nhưng đa số trong hãng lại là người châu Á. Ngược lại, hiện nay, nơi tôi làm việc chỉ có một người Việt là tôi cùng với hai người Phi, một người Nhật. Lúc tôi làm việc ở hãng cũ, ngoài gia đình chủ, vài người trong văn phòng và... một ít thợ "người Tây”, tổng cộng chừng mười người. Số còn lại gồm một người Ấn, một người Campuchia, vài người Phi... cùng vài người Tàu thật sự, và không biết nói tiếng Việt. Nhiều hơn thì có người Lào. Đông đảo nhất là nhóm người Việt chung với người Tàu... Chợ Lớn vì cùng nguyên quán ở Việt Nam nên nhóm Tàu Chợ Lớn nầy biết cả tiếng Tàu lẫn tiếng Việt.

Lúc đông nhất, hãng có hơn năm chục người thợ chính thức, không tính số người làm tạm thời. Sau này còn khoảng hai mươi người. Bước chân vô hãng như bước vào chợ trời quốc tế. Ở một dãy máy, người này người kia ồn ào tiếng Tàu "ngộ,nị...". Đằng kia thì nghe sang sảng tiếng Lào. Người Việt gọi nhau, ơi ới... Mọi người vừa làm việc vừa chuyện trò bằng ngôn ngữ nước mình, chỉ khi nào bà chủ đến gần, họ mới...mần thinh. Bà chủ đi khỏi, mọi người lại tha hồ... tán tiếp câu chuyện. Chân đạp máy, tay vuốt vải, ai cũng tài tình đến độ vừa làm vừa kể chuyện phim hoặc chỉ nhau cách nấu một món ăn. Phải công nhận người Việt mình khéo tay, may đẹp lại thường có tính "tự ái cao”. Người ta may nhiều, mình may ít... coi sao được! Thế là dù vừa làm vừa nói, nhưng số lượng thành phăm vẫn cao hơn cả. Vì vậy, khi cần thêm người thì bà chủ lại ưu tiên cho nhóm người Việt dẫn người quen vô, nên "dân số Việt" trong hãng ngày càng đông.

Bà chủ hãng làm việc suốt ngày. Bà đến sớm mở cửa cho công nhân vào làm việc. Chiều mọi người về, thì bà ở lại đến 10 giờ tối. Phần đông là thợ ngồi máy, bà chủ và một vài người phụ trách đứng cắt vải. Bà chủ cũng có lúc làm việc trên máy computer. Rồi bà kiêm luôn chức Supervise, đi vòng vòng kiểm tra. Ai có gì cần hỏi, cứ kiếm bà chủ. Hãng sản xuất màn cửa. Những tấm màn đứng, gọi là curtain. Vải cắt xong, đưa qua thợ overlock, kế tiếp hem, rồi chuyển sang khâu khác. Ở đây, từng tấm màn được kẹp phần base hem, để đo lấy bề drop cái màn và cắt theo worksheet. Sau đó, qua khâu may phía trên tấm màn, rồi tới khâu ủi. Cuối cùng thì xếp từng cái màn vô bao. Có hai người đàn ông làm Pelmet, cũng dân châu Á, một Việt, Lào. Còn có một số thợ sản xuất loại màn ngang, gọi là Roman blind. Loại màn này, ở hãng cũng chia ra người cắt vải, người làm lớp lining, người làm lớp Roman và người may base hem. Hãng còn may bao gối, loại gối nhỏ để trên ghế sofa. Ai không rành tiếng Anh thì cứ ngồi máy hay ở khâu ủi. Ai đọc được tiếng Anh thì đứng cắt hay làm Roman blind. Người nào làm được nhiều thứ, thì bà chủ cho học hầu hết các khâu, để chỗ nào cần thì làm khâu đó. Đa số công nhân trong hãng chỉ làm ở một vài khâu nên dù mang tiếng là thợ may màn nhiều năm, nhưng có người không thể tự cắt may cái màn nào.

Thập niên 80-90, do công việc phát triển nên thợ thường làm thêm giờ, được trả tiền overtime.Từ giữa tháng 11 đến giữa tháng 12 mỗi năm, bà chủ còn trưng dụng thêm con cháu của thợ, mấy cô bé vừa thi lớp 12 xong, vô hãng phụ làm. Nhiều việc quá, từ một ca, hãng mở thêm ca chiều, và nhận nhiều thợ mới. Việc huấn nghệ cho thợ mới được bà chủ sắp xếp theo sự phân chủng, người Việt dạy nghề cho người Việt, người Tàu dạy người Tàu v.v… Lúc đó, không cần biết tiếng Anh cũng có job làm. Có thể nói, từ chủ đến thợ của hãng này đã kiếm được bộn tiền trong những năm đó!

Vì ăn nên làm ra mà bà chủ đối xử dễ dãi với cách sinh hoạt của thợ, miễn hàng kịp giao là được. Ngoài ra bà thuộc loại người tốt bụng, nhưng nóng tính. Khi thợ làm sai, bà cằn nhằn dữ lắm. Người nào hiểu nhiều tiếng Anh, mới biết bị mắng nặng nề, lòng tổn thương không nhẹ nên lần lượt bỏ job, bỏ hãng. Những người ở lại, đa số không rành tiếng Anh, khi bà chủ mắng, xem như ru ngủ. Họ bảo nhau: "Kệ, bả chửi... bả nghe, chừng nào bả đuổi thì mình mới đi”. Lúc đó, đang cần người nên hãng không đuổi ai. Người nào ra đi, trống chỗ thì bà chủ lại kêu thợ đang làm giới thiệu người quen.
Ripped off:
Long-serving Vietnamese workers were sacked from Pele Curtains in Mitcham without receiving redundancy packages.
Photo: Justin Mcmanus

Bóc lột:
Công nhân người Việt Nam làm việc lâu năm bị hãng Pele Curtains tại Mitcham đuổi mà không được bồi thường.
Hình: Justin Manus
(The Age, 29.6.2007)

Thời hoàng kim của ngành may tại Úc chấm dứt sau năm 2000. Hãng ít hàng dần dần, số giờ làm của thợ cũng bớt theo công việc nhiều hay ít. Chính vì thế mà hãng bắt đầu sa thải nhân viên, những người mất việc được hãng trả tiền sòng phẳng, đúng luật. Ai cũng có tiền "redundancy", cứ mỗi năm đã mần tại đây thì lãnh 2 tuần lương... Tất nhiên mấy người mới làm vài năm sẽ là đối tượng bị sa thải vì hãng trả ít đỡ tốn tiền. Mấy năm sau, kinh tế càng khủng hoảng, hãng sa thải càng nhiều và những người làm thâm niên từ 5 đến 20 năm cũng không được hãng trả tiền "redundancy". Vì vậy, sau đó Công đoàn mời phóng viên nhà báo, đài truyền hình đến hãng. Bà chủ liền tuyên bố phá sản. Hãng vẫn hoạt động, nhưng lại đổi tên hãng. Rồi Công đoàn hướng dẫn mấy người bị đuổi thưa hãng ra tòa. Lấy lý do lúc đưa thư cho công nhân nghỉ, hãng không nói lý do phá sản, sau đó mới nói. Chuyện ra tòa lần này, rùm beng hơn vì có đăng báo, có lên truyền hình.

Chị em làm chung cũng đôi lúc gây gỗ rầy rà nhưng do công việc làm theo dây chuyền, và mỗi người làm một khâu, cho nên dù có giận hờn cũng thoáng qua thôi để giúp chủ nâng cao sản lượng. Chủ có cơm thì thợ có cháo. Thật ra, mọi người rất quan tâm, chia sẻ với nhau. Họ hỏi thăm các Cha Mẹ già đang bịnh ở nhà và an ủi nếu người thợ nào có chuyện không vui. Tới mùa thi Đại học, chẳng những bà mẹ đang làm việc hồi hộp chờ kết quả thi của con mình mà mọi người làm chung cũng chờ đợi. Rồi họ cùng chúc mừng khi con trai cô Ánh, con gái cô Duyên đậu điểm cao. Con của người nào học không khá, thì mọi người khuyên người thợ mẹ đừng buồn, lo cho con học nghề, sau này cũng giàu có, danh vì "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" mà! Trong hãng thường góp tiền một cách tự nguyện. Chỉ cần chuyền cái túi vải có ghi lý do, tới tay ai thì người đó bỏ tiền vô túi. Khi có người về hưu, tiền góp sẽ mua quà kỷ niệm và tổ chức tiệc chia tay. Thợ nghỉ đẻ thì được phần quà, đem về để dành cho baby. Nhà ai có đám ma, mọi người làm chung góp tiền mua hoa phúng điếu. Và... ngay chính vài người thợ từng làm trong hãng, chẳng may sau đó... bị bịnh qua đời, nhiều người làm chung cũng góp tiền và đến chia buồn với gia đình.

Hãng PELE CURTAIN... ở Mitcham, Melbourne do chính bà chủ thành lập năm 1984. Gia đình bà chủ và gia đình nhiều người thợ đã cùng làm việc với nhau hai thế hệ, đời mẹ tới đời con. Trong hãng, có gia đình làm chung tới sáu người, hoặc ít hơn thì hai mẹ con hoặc hai chị em hay hai vợ chồng. Suốt 29 năm, người vào kẻ ra... nhưng dù với lý do gì chia tay nhau vẫn nhớ những năm tháng làm chung. Vì vậy, họ vẫn thường liên lạc với nhau không phân biệt màu da hay chủng tộc.

Sáu năm trước, hãng khai phá sản, nhưng vẫn mở cửa làm việc. Bây giờ, lại phá sản... nhưng lần này thật sự đóng cửa rồi, và những người thợ đang lâm vào cảnh thất nghiệp sẽ không có tiền "Redundancy". Đời là thế đó! Sự thiệt thòi bao giờ cũng dành chỗ cho giai cấp công nhân ”tay làm hàm nhai”.

Lan Huỳnh

Muốn gởi bài này cho bạn bè, 
xin bấm mouse chọn 
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




1 comment :

  1. Hi em Lan Huỳnh,
    Cám ơn em viết bài rõ ràng dùm cho các chị. Em kiếm tấm hình này ở đâu mà hay quá vậy. Em gởi cho chị với.
    Chị Hai

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.