Sunday 3 November 2013

Biết người biết ta



Việt Luận ::

Ta thường nghe cha ông mình nói "Biết người biết ta, đánh trăm trận thắng trăm trận". Câu này rút ra từ binh pháp Tôn Tử "Biết người biết ta, đánh trăm trận mà không bị nguy. Không biết người mà chỉ biết ta, có trận thắng có trận trận thua. Không biết người mà cũng không biết ta, đánh trận nào thua trận đó".



Nghe lén điện thoại của ngài thủ tướng này là ... hấp dẫn nhất
(Hình Zimbio.com)
Vin vào điều này, người ta tìm cách để "biết người khác"Nếu tìm cách hợp pháp thì gọi là học hỏi, đối thoại, tìm hiểu, thăm viếng, vân vân. Ngoài ra, còn nhiều cách để "biết người khác" bằng thứ nghề được coi là cũ xưa thứ nhì trên thế giới. Các cách sau này thường bị gọi là nghe lén, do thám hay gián điệp.

Trong tuần qua, nổi bật lên các tin tức Hoa Kỳ không những tìm cách biết quân thù để "đánh trận nào thắng trận nấy" mà còn dùng những phương tiện bất hợp pháp để "tìm hiểu bạn đồng minh" của mình.

Bắt đầu là tin điện thoại của bà thủ tướng Đức Angela Merkel bị Hoa Kỳ nghe lén.
Bà Angela Merkel công khai tức giận với người bạn lông lá Hoa kỳ vì cho rằng Hoa Kỳ không còn tin đồng minh Đức nữa. Hơn nữa, là một người lớn lên dưới chế độ độc tài hà khắc của Đông Đức, bà thủ tướng Angela Merkel nhớ lại cảnh người dân bị công an Stasi rình mò.

Tiếp theo là tin tức cho biết: không những thủ tướng Đức bị nghe lén mà người ta cho rằng lên đến 35 lãnh tụ đồng minh của Hoa Kỳ khi mở một lời qua hơn 200 số điện thoại khác nhau thì bị cơ quan An Ninh Quốc Gia (National Security Agency, thường gọi tắt thành NSA) của Hoa Kỳ nghe tuốt. Lãnh tụ các nước từ Brasil, Trung Quốc, Ý, Ả Rập Saudi cho đến toà thánh Vatican bị coi nằm trong danh sách bị Hoa kỳ theo dõi. Trong tuần qua, Tây Ban Nha đã triệu đại sứ Mỹ ở Madrid để xin giải thích chuyện không những điện thoại của nhân viên cao cấp trong chính phủ bị Mỹ nghe lén mà có thể mỗi tháng Mỹ còn nghe hơn 60 triệu điện thoại của người dân Tây Ban Nha bình thường.

Ngoài nghe lén điện thoại, NSA của Mỹ còn thu thập chi tiết cá nhân của người dân sống trên thế giới khi người ta dùng Internet, email hay các mạng xã hội như Facebook hay Twitter.
Giám đốc tình báo James Clapper của Hoa Kỳ không chối nước mình nghe lén điện thoại lãnh tụ trên thế giới. Ông cho biết: Theo dõi các lãnh tụ trên thế giới còn là bài học đầu tiên dành cho lính mới khi bước chân vào ngành tình báo. Nằm trong hệ thống theo dõi này, Hoa kỳ đã nhờ Úc tiếp tay qua các máy móc và nhân viên nghe lén tại các toà đại sứ Úc ở Jakarta, Kuala Lumpur, Phnom Penh, Bangkok, Yangon, Manila, Hong Kong, Taipei, Beijing và cả ở Hà Nội. Tại các toà đại sứ này thường được gắn thêm ăn-ten giấu dưới mái nhà.
Úc không những nghe lén các tin tức chính trị, ngoại giao mà còn theo dõi các tin liên quan đến kinh tế. Thí dụ khi đảo quốc nhỏ bé Đông Timor thương thuyết với Úc về khai thác dầu khí tại eo biển giữa hai nước. Tình báo Úc đã nghe lén gần hết các buổi bàn luận của phía bên kia. Nhờ "đi guốc trong bụng Đông Timor", Úc đã đạt rất nhiều lợi thế và cho đến nay Đông Timor vẫn phàn nàn về hiệp ước "bất công" này.

Úc là một trong năm quốc gia được giới tình báo gọi là 'Five Eyes, năm mắt". Năm nước Hoa Kỳ, Anh Quốc, Canada, New Zealand và Úc họp lại làm thành năm con mắt. Năm con mắt không theo dõi nhau mà còn cùng nhau theo dõi các nước khác rồi chia sẻ tin tình báo cho nhau. Tuy nhiên, chưa chắc Úc thoát khỏi mạng lưới gián điệp của Hoa Kỳ. Có lần nguyên thủ tướng Úc Julia Gillard cho hay bà không ngại nếu Hoa Kỳ nghe lén điện thoại của bà.

Rõ ràng sau khi tin tức này lộ ra, Hoa Kỳ cho biết sẽ chấn chỉnh lại ngành tình báo; nhưng không ai nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ không ngưng do thám các nước khác. Người ta nói không những Hoa Kỳ mà nhiều nước trên thế giới cũng vẫn tiếp tục do thám nhau. Trong giới ngoại giao người ta nói khi một máy điện thoại nhắc lên thì có ít nhất 10 cơ quan tình báo lắng nghe. Nếu đó là điện thoại của tổng thống hay thủ tướng thì 10 cơ quan tình bào kia còn nghe chăm chú hơn nữa.

Để phá tan bầu không khí căng thẳng khi tin tình báo này lộ ra, người ta ra câu đố: "Tình báo quốc tế thích nghe lén điện thoại của thủ tướng nào nhất?" Câu trả lời có thể là Silvio Berlusconi. Đặc biệt khi ngài thủ tướng Ý dùng điện thoại tổ chức những đêm Bunga! Bunga! nóng bỏng.

Việt Luận
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.



5 comments :

  1. Úc bị Indonesia tố cáo dùng đảo Cocos để nghe lén điện thoại. Jakarta đã triệu đại sứ Úc Greg Moriarty xin giải thích. Cùng một lúc báo The Guardian loan tin Edward Snowden xì tin Úc và Mỹ nghe lén điện thoại của các lãnh tụ khi họp về thay đổi thời tiết tại Bali hồi năm 2007.

    ReplyDelete
  2. Mã Lai đã triệu đại sứ Úc và Mỹ tại Kuala Lumpur để phản đối hai toà đại sứ này hoạt động gián điệp. Ngoại trưởng Mã Lai Anifah Aman đang có mặt tại Perth, Tây Úc, đã gặp bà ngoại Úc Julie Bishop để báo cho Úc hay dân chúng Mã Lai rất tức giận trước tin Úc rình mò dân chúng Mã.

    ReplyDelete
  3. Trung Quốc lên tiếng đói Úc giải thích lời tố cáo nhân viên ngoại giao Úc tại Bắc Kinh hoạt động gián điệp. Trong khi đó Thái lan, Cambodia và Miến Điện tìm cách tảng lờ lời tố cáo này. Hà Nội cũng bị Edward Snowden kể tên trong danh sách các nơi Mỹ và Úc hoạt động gián điệp. Cho đến nay Hà Nội còn im tiếng.

    ReplyDelete
  4. Tờ Sydney Morning Herald (3.11.13) loan tin hắc cơ Indonesia cho biết đã đột nhập vào 200 trang web của Úc dường như để trả thù tin Úc do thám người dân Indonesia.
    Nhóm Anonymous Indonesia nhắn với người Úc: Hãy bảo chính phủ các bạn ngưng nghe lén người dân Indonesia. Bắng không, chúng tôi sẽ làm tê liệt toàn bộ hệ thống Internet tại Úc.
    Tuy nhiên, nhóm Anonymous Indonesia chỉ mới hắc vào các trang web tép riu của Úc mà thôi.

    ReplyDelete
  5. Chuyện này coi bộ nổ lớn rồi. Nam Dương không nhận thuyền nhân do Úc cứu trên biển nữa. Đông Timor bé tí teo công khai lên tiếng chửi Úc . Phi và Mã phàn nàn. Còn Hà Nội thì sao... Xin blog cho biết.
    Tiến

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.