Sunday 16 June 2013

Nhân ngày Quân Lực 19/6 nhớ về một anh hùng quân đội


:: Ben Trần

Mỗi quốc gia   đều dành ra một ngày lễ để tuyên dương các vị anh hùng vị quốc vong thân.Trong tháng 6 hàng năm Việt Nam Cộng Hòa tổ chức ngày quân lực nhằm tuyên dương quân đội, một tập thể góp công rất lớn trong việc bảo vệ đất nước. cũng như ở Úc có Anzac Day để tưởng nhớ những chiến sĩ vị quốc vong thân.

Nhân ngày quân lực năm nay người viết xin có một bài ngắn tưởng niệm một anh hùng vị quốc vong thân.


Cố Đại Tá Nguyễn Quốc
(Hình chụp năm 31 tuổi)


Đại Tá Nguyễn Quốc, người suốt đời vì dân vì nước, nhưng ít người biết đến vì ông ta không phục vụ trong các sư đoàn nổi danh như Thủy Quân Lục Chiến, Dù hay Biệt Động Quân…
Theo các người thân và thuộc cấp từng làm việc với ông cho biết, từ thuở còn ở Hà Nội trước khi đất nước bị chia đôi, ông đã là hiệu trưởng trường tiểu học Bắc Ninh.
Ông di cư vào Nam cuối năm 1953 và bắt đầu đời binh nghiệp tại trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Khi ra trường ông được bổ nhiệm vào ngành Công Binh Chiến Đấu. Rất nhiều người có cảm nghĩ binh chủng Công Binh là lính kiểng, lính lè phè, lính xăng dầu, nhưng thật ra, người lính Công Binh đã âm thầm hy sinh cho cuộc chiến mà không mấy ai được biết. Thử hỏi nếu không có lính Công Binh thì những đoạn cầu gẫy sao có thể nối liền nhanh chóng cho đoàn lính Bộ Binh đi qua dẹp giặc thù?
Xin phụ chú thêm đôi dòng về ngành Công Binh:
Liên đoàn Công Binh VNCH được chia làm 4 ngành chính:
1/ Liên đoàn Công Binh Chiến Đấu: Trang bị nhẹ, di động, hỗ trợ trực tiếp cho mặt trận. Bảo đảm an toàn cho giao thông của quân dân trong vùng trách nhiệm. Giúp tái tạo, xây dựng cầu đường hay hạ tầng cơ sở.
2/Liên đoàn Công Binh Kiến Tạo: trang bị cơ giới hạng nặng, chịu sự điều động chính của cục Công Binh. Rất nhiều vị tốt nghiệp đại học Kiến Trúc được chọn vào đây để được tận dụng vốn kiến thức. Họ phác họa những đồ án từ lớn tới nhỏ cho các công trình về cầu đường, cơ sở quân sự, khu gia binh, trường học…
3/Công Binh Sư đoàn: được trang bị nhẹ, chỉ ở tầm vóc tiểu đoàn, do sư đoàn điều động để yểm trợ mọi công tác tái thiết trong vùng trách nhiệm.
4/ Sở Tạo Tác: không sở hữu quân lính và cơ giới. Sở Tạo Tác có nhiệm vụ thiết kế và kiểm soát các chương trình xây dựng trong quân khu.
Người sĩ quan trẻ Nguyễn Quốc, khi tốt nghiệp trường SQ Thủ Đức là được bổ sung ngay vào ngành Công Binh Chiến Đấu. Đại đội của ông sát cánh với các đơn vị chiến đấu từ vùng III đến vùng IV. Từ việc xây cầu thật thụ cho đến cầu nổi trong trường hợp khẩn cấp để các đoàn quân ta kéo vũ khí nặng qua sông… Có rất nhiều trường hợp phải thực hiện công tác làm cầu nổi trong cơn mưa pháo của Cộng Sản. Nhưng những viên đạn pháo của địch quân không làm chùn bước chiến sĩ Công Binh. Pháo trúng ai nấy lãnh, làm là phải làm, phải hoàn tất công việc, phải lập cho xong cầu nổi để quân ta chuyển bại thành thắng… Thế nên có khi người sĩ quan nầy đã bị thương đến ba lần trong một năm.

Năm 1963, lúc còn mang cấp bậc Đại Úy, trong một lần hành quân ông bị thương nặng, sau lần đó ông được thuyên chuyển về làm việc tại Sài Gòn. Cuối năm đó, sau lần thi Sinh Ngữ dành cho cấp Tá ông đậu tối ưu và được gởi sang Hoa Kỳ học khóa tham mưu trung cấp. Khi về nước ông được đưa vào làm Chánh Sự Vụ văn phòng Cục Công Binh (đặt ở đường Trần Quốc Toản, Sài gòn).

Năm 1973, trong lúc đi thanh tra ở Vùng III chiến thuật, trên đường trở về Sài Gòn qua đèo Hải Vân xe ông bị tai nạn. Sau nầy qua sự điều tra của An Ninh Quân Đội cho biết: tên tài xế của ông đã bị Cộng sản mua chuộc và âm mưu ám sát ông. Tên tài xế phản bội đã nhảy ra khỏi xe, cho xe lao xuống đèo… Ông bị thương nặng nơi cột sống và được đưa vào Tổng Y viện Cộng Hòa. Trong một ngày vào thăm anh em binh sĩ tại đây tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cảm phục cho lòng can đảm, tận tụy hy sinh cho đất nước đã vinh thăng cấp bậc Đại Tá ngay nơi giường bệnh.

Con người yêu nước đa tài giờ bị giới hạn rất nhiều trong việc đi đứng. Mang nặng nỗi buồn cho thân phận, cho đất nước…
Rồi ngày 30/4/75 ập đến ông lại phải làm chứng nhân thêm cho cảnh đời đen bạc, cảnh “người khôn đi học, người ngu làm thầy”. Chế độ bao cấp được thực thi. Làm sao ông có thể có thuốc men để chữa trị đúng mức. Bệnh càng ngày càng tăng, ông thấy con đường tối đen không lối thoát trước mặt; cộng thêm những uất ức cho vận nước, cho thân phận mình ông tuyệt thực mặc cho tất cả các con cái can ngăn. Ông từ chối mọi sự chữa trị và mất vào tháng 5 năm 1976…

Những chiến sĩ của Mỹ sau khi đền nợ nước được an nghỉ nơi nghĩa trang quốc gia Arlington. Ngay cả những chiến sĩ đối nghịch nhau trong cuộc chiến tranh Nam Bắc vẫn được có một chỗ trang trọng trong nghĩa trang Arlington. Sau cuộc chiến, chiến sĩ VNCH không còn được một nơi để tạm gọi là mồ yên mả đẹp. Và bất hạnh hơn nữa cho chiến sĩ Nguyễn Quốc trong tang lễ đã không có cờ vàng phủ kín hồn anh. Và hài cốt ông cũng không được an táng ở nơi trang trọng dành cho những chiến sĩ vị quốc vong thân.

Người viết xin ngả nón cúi đầu trước các anh linh chiến sĩ đã xả thân vì nước, nhờ các vị mà tôi có được 25 năm lớn lên trong phần đất tự do.

Ben Trần
Sydney 14/6/2013

(Cám ơn Cô Kim Nguyễn, con gái cố Đại tá N.Q., đã cho biết thêm những năm tháng chính xác mà các bạn tôi không nhớ rõ.)

2 comments :

  1. Xin chân thành cảm ơn anh Ben Trần đã ưu ái dành cho thân phụ tôi một bài viết quá hay nhân ngày QLVNCH. Sự ra đi của thân phụ tôi chỉ là một phần rất nhỏ trong những hy sinh mà tất cã những binh lính VNCH đã ra đi,Cha tôi bị thương vì công vụ nhưng ông ra đi trong bịnh tật, buồn phiền, có những vị tướng tá chỉ huy đã đền nợ nước rất anh dũng và hào hùng, họ đã đem xương máu trải dài trên đất nước cho đàn con cháu chúng ta đi qua trong bình yên và hạnh phúc. Tôi cũng xin cảm ơn bằng hữu xa gần xưa và nay đã cùng nhau đốt nén hương lòng cho cha tôi và cho tất cả những vị anh hùng đã vị quốc vong thân. Một điều quý báu là chúng ta mãi mãi vẫn không quên những người lính âm thầm hy sinh vì chúng ta và con cháu chúng ta. Xin cảm tạ

    ReplyDelete
  2. Đây là một vị Sĩ Quan rất đáng kính. Tôi đã có dịp gặp ông và chuyện trò cùng ông . Ông khiêm tốn, hòa đồng, nếu ông không đeo lon trên ve áo tôi không nghĩ ông là một sĩ quan cao cấp trong quân đội. Tất cả những ai đã làm việc với ông đều kính nể và thương mến ông. Dù không chung ngành , nhưng nhờ cơ duyên, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp ông và học hỏi nơi ông rất nhiều điều tuyệt vời. Xin chân thành cúi đầu tưởng niệm đến ông trong ngày QLVNCH. Ông luôn mãi mãi trong lòng mọi người quen biết ông

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.