Wednesday 8 May 2013

Ngày của Mẹ

Người Việt gọi Mother’s Day bằng nhiều tên.
Nhưng có lẽ cái tên nôm na “Ngày của Mẹ” gần với ‎ ‎nghĩa nguyên thủy nhất.
Ngày của Mẹ do Anna Marie Jarvis, người Hoa Kỳ, khởi xướng vào năm 1907 để nhớ mẹ của mình.
Bảy năm sau, nước Mỹ chọn Chủ Nhật thứ nhì trong tháng Năm để con cái tỏ lòng tri ân mẹ với mẹ mình. 
Ngày của Mẹ lan đến Úc và năm 1924 và bà Janet Heyden ở Leichhardt Sydney tổ chức quyên góp quà để tặng cho các bà mẹ già sống cô độc.
Ngày nay, Ngày của Mẹ bị thương mãi hóa
và người ta chú‎ ý đến quà hơn là nói lên một lời ghi ơn với mẹ.
Cô Anna Marie Jarvis từng nói “Chả có ‎ ý nghĩa gì khi gởi một tấm thiệp in sẵn cho người đã làm ơn cho bạn nhiều hơn hết bất cứ ai trên thế giới này. Ngoại trừ tấm thiệp đó cho thấy bạn quá lười biếng đến độ không viết được một chữ.” 
Nhân ngày của mẹ, blog Việt Luận mới bạn viết một chữ nói với mẹ vào phần Comments nghen.
Ben Trần :: 
(hình http://danlambaovn.blogspot.com.au/)

Hôm nay ngày của mẹ. Tôi có dịp viết cho mẹ, cũng là lần đầu tiên mình viết về mẹ. Tôi không biết bắt đầu từ đâu. Nếu bắt đầu từ lúc mẹ gặp ba hay ba gặp mẹ thì truyện nầy chắc dài như truyện kiếm hiệp Kim Dung.

Nhớ mãi lần mang thai đầu tiên của mẹ. Mẹ kể, theo chồng về quê sống tuốt vùng biển mặn Bạc Liêu. Vùng biển xa chợ, không có bán một thứ gì. Lúc đó bào thai đã năm tháng và càng ngày càng lớn, mẹ thèm ngọt vô cùng. Mẹ dặn ba đi làm về nhớ mua cho mẹ chuối ép phơi khô. Mẹ liên tưởng ăn chuối ép khô uống ngụm nước trà vào là khoái khẩu làm sao. Ba tôi có chiếc đò máy đưa khách từ xã Vĩnh Trạch ra Bạc Liêu. Buổi chiều, khi nghe tiếng đò máy ở bờ sông, mẹ tôi đi ra hy vọng đón nhận món quà “xa xỉ” đó. Nhưng không, ba quên mua rồi. Mẹ bật khóc, khóc như đứa trẻ lên năm. Khóc như đứa trẻ không có quà khi mẹ đi chợ về… Khóc mà không hề mắc cỡ là đàn bà đã có chồng. Ông nội tôi thấy vậy, ngay chiều hôm đó đi tìm mua chuối về ép, làm chuối nướng thoa mỡ hành ăn ngon nhớ đời.

Tôi nghe mẹ kể chuyện nầy tôi thương mẹ vô cùng. Và cũng thương cho các bà mẹ Việt Nam, ở vùng quê khi mang thai đâu được chăm sóc đúng mức. Đến lúc có vợ rồi tôi mới biết, từ khi bắt đầu mang thai là sản phụ phải đến bệnh viện khám thường kỳ để bác sĩ theo dõi sức khỏe. Gần ngày sanh phải đến bệnh viện hai tuần, rồi một tuần một lần. Bác sĩ sẽ thử máu xem thai phụ đang thiếu loại sinh tố gì trong người và cho uống thuốc thêm. Hay phải ăn thêm loại rau trái nào. Mẹ tôi sống vùng quê ven biển, cá tép tôm cua thừa mứa; nhưng rau xanh rất hiếm, trái cây thì tùy theo mùa. Khi bào thai phát triển nó sẽ tiêu thụ rất nhiều chất bổ dưỡng từ người mẹ, làm cho người mẹ cảm thấy thèm món nầy món kia. “Thèm” tức là cơ quan thần kinh đánh tín hiệu cho người sản phụ biết đang thiếu vài loại sinh tố nào đó. Những bà mẹ sống ở nông thôn không hiểu điều nầy chỉ biết thèm món nầy, món kia…
Đến ngày tôi lớn đi học xa nhà, nhớ lại tôi càng thương mẹ tôi hơn. Ba năm rưỡi lên học Cần Thơ là thời vàng son của tôi. Tạm gọi là vàng son vì cuộc đời sinh viên trước 75, vừa học vừa chơi; ít lo lắng gì kể cả tiền bạc. Hầu như cứ mỗi hai tuần là mẹ lên thăm. Mẹ tôi lên thăm là mẹ xét ví, hết tiền mẹ để vô thêm. Mẹ dặn, hai ngăn ví rõ rệt: ngăn nầy tiền để xài, ngăn trong phải để dành khi bệnh đi bác sĩ hãy dùng đến. Vậy mà lần sau mẹ lên thăm hai ngăn ví đều cạn láng. Trước khi về mẹ thường làm một nồi thịt kho trứng để dành cho con trai cưng ăn ba bốn ngày mới hết.

Rồi ngày 30/4/75 mọi sự đầu tư cho con trai của mẹ tan thành mây khói. Một ngày tháng 6 năm 79 mẹ ráng bậm môi ngăn nước mắt để nhìn con trai mẹ xuống thuyền ra đi… Tiếp theo là những tháng ngày hồi hộp, chờ mong. Chờ hơn sáu tháng để biết tin con sống chết ra sao. Thì ra thằng hiệu trưởng khốn nạn đã ra lệnh cho ông phát thư ém nhẹm những thư từ con gởi về. Thử nghĩ nếu con cháu bạn đi xa ba bốn tuần bạn không nhận được tin tức gì, bạn lo lắng biết chừng nào? Mẹ tôi phải sống trong nỗi sợ hãi trông đợi suốt hơn sáu tháng trời. Người đi không biết sống hay chết, người ở lại lo âu, chờ tin tức. Nếu chết không biết chết ra sao, nếu còn sống không biết sống nơi nào? Làm sao lập bàn thờ. Thỉnh thoảng mẹ thường lai vãng những vùng quê ven biển, hứa sẽ trả tiền cho ai đó lượm được giấy chứng minh nhân dân của con bà; vì nghe đồn xác các người vượt biên trôi dạt vào bờ biển khá nhiều… Rồi cuối cùng mẹ cũng đã nhận được thư. Gần một ký lô thư từ Úc gởi về được bưu điện tỉnh cho phép nhận. Mẹ như hoàn hồn sống lại.
***
Rồi một đêm cuối năm 1984 mẹ cùng gia đình quyết định bỏ phiếu bằng chân đi tìm tự do. Các chị em mẹ can ngăn vì nghĩ đến nguy hiểm trên đường đi. Nhưng mẹ quyết định: “Con tôi sống đâu, tôi phải sống ở đó. ” Đi vượt biên đường bộ, thập phần nguy hiểm. Có nhiều lần phải giả câm giả điếc ,chỉ để người dẫn đường nói chuyện. Có nhiều nỗi sợ hãi chất chồng… Sợ gặp phải Khmer Đỏ, gặp bộ đội Việt Nam, gặp cướp, gặp mìn… Nhóm người đi chung với ba mẹ dùng đến nhiều phương tiện di chuyển: xe đò, tàu đò, xe đạp chở mướn… phải qua hàng chục nút chận, trạm xét… Còn lại sáu cây số cuối cùng gần biên giới Thái Miên, sáu cây số đường rừng sinh tử. Mẹ không đạp mìn, không gặp cướp, không gặp Khmer Đỏ mà gặp lực lượng Para. Lực lượng nầy do cựu thủ tướng Son San lãnh đạo (họ tự nhận là Khmer tự do). Phe nầy vừa đối đầu với Cộng Sản Việt Nam, vừa chống chọi lại Khmer Đỏ. Nhóm nầy có khoảng 5% người Việt gốc Miên tham gia. Nhờ vậy mà khá nhiều người Việt tỵ nạn đường bộ được lực lượng nầy tha thứ và thoát nạn. Nhóm người của mẹ tôi chỉ bị bắt lại khoảng hơn tám giờ mà tưởng chừng như tám ngày dài đăng đẳng. Mẹ tôi sắp chết trong rừng nhiệt đới vì khát nước, vì bị nhóm lính ô hợp nầy lục soát lấy hết nước! Họ không chú trọng vàng hay tiền mà chú trọng nước và thực phẩm. Mười giờ đêm nhóm lính nầy được lệnh lên đường đi hành quân. Tên trưởng nhóm tha cho mọi người. Đúng là “ lời cầu kinh đã có Người nghe …”. Họ khuyên nên ngủ lại trong rừng, sáng hôm sau hãy theo đường mòn mà đi về hướng biên giới. Ngày hôm sau nhóm người tỵ nạn chọn đúng những căn liều của Cao Ủy có sơn hình chữ thập đỏ trên nóc mà xin vô.

Một năm sau ba mẹ tôi được đặt chân đến Úc đoàn tụ. Nghĩ lại cuộc đời mẹ tôi buồn nhiều hơn vui. Phải nhận nhiều khổ não hơn là hạnh phúc. Giờ đây mẹ đã trên tám mươi tuổi. Tôi thường tự hứa với lòng, sau nầy cố gắng không để mẹ phải sống những ngày buồn bã trong viện dưỡng lão. Lạy Chúa, lạy Phật xin cho tôi đủ sức mạnh để tôi giữ được lời hứa với chính mình.
Tôi chợt nhớ lời kinh Phật in trên bìa lịch cũ năm xưa:
“Tần tảo sớm hôm, mẹ nuôi con khôn lớn.
Mang cả tấm thân gầy, cha che chở đời con.
Ai còn mẹ,
Xin đừng làm mẹ khóc.
Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không.”
Ben Trần.

10 comments :

  1. Có những câu ca dao về mẹ thật buồn não nuột, có những câu ví mẹ như những món ngon nhất trên đời, riêng tôi, mẹ thì không có gì so sánh cho được, phải không các bạn ?

    Mẹ già như chuối chín cây
    Gió lay chuối rụng con thời mồ côi
    Mồ côi khổ lắm ai ơi
    Đói cơm khát nước biết nhờ cậy ai ?

    Mẹ già như chuối Ba Hương
    Như xôi nếp mật như đường mía lau

    ReplyDelete
  2. Chú Ben ơi,chú có nhiều kỷ niệm buồn quá vậy ,chú kể hay. theo lời chú kể,chắc chú là con trai một. Con một được cưng là phải rồi.
    Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc.... Cháu không dám làm mẹ khóc; cháu chỉ làm ba khóc thôi ,được không chú ???

    ReplyDelete
  3. Ông Già Ba Tri10 May 2013 at 17:25

    Nghe lời anh Ben tôi định tâm viết vào hàng về mẹ của tôi. Tôi có mẹ đã mấy chục năm mà chắc là nói lời cám ơn với mẹ ít hơn cái tuổi đời. Tôi coi mẹ như là lẽ đương nhiên. Mà đúng vậy, lẽ đương nhiên thì ai ai mà chẳng có mẹ. Chừng nào không còn mẹ nữa thì chắc là tôi mới thấy không còn đương nhiên nữa?
    Tôi phải cố gắng nói lời cám ơn với mẹ khi mẹ còn sống. Chẳng lẽ mình dành dụm hoài lời mượt mà này cho đến khi mẹ nhắm mắt xuôi tay sao?
    Nếu tôi nghĩ phải nói gì trong phút đưa chân mẹ thì tôi phải rỉ rả nói với mẹ tôi ngay bây giờ.
    Og3t

    ReplyDelete
  4. Tôn Nử Đông Ba12 May 2013 at 15:23

    Tôi chỉ thấy : Tết mẹ nấu nướng các con về ăn , Sinh nhật Mẹ, Mẹ nấu các con về mừng xong rồi ăn . Mother'day , Mẹ làm mấy món con cái thích rồi xúm xít nhau ăn .Father'day Mẹ nấu các món Cha hay ăn , các con đến chúc mừng Cha xong rồi ăn. Thường ngày , Cha đưa, rước cháu, Mẹ nấu cơm cho cả nhà ; Cha Mẹ ăn, các con hết giờ làm đến rước con cái và rước cả bửa cơm chiều ;về nhà ăn cho khỏi cực .Hahaha . Chỉ thấy , dịp nào Mẹ củng là người ...phải làm , phải nấu nướng Huhuhu.

    ReplyDelete
  5. Chị Tôn Nữ ĐB ơi chắc là phần số người mẹ VN gắn liền với phần số con cò rồi...
    Con cò lặn lội bờ sông.Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.
    Thôi Tôn Nữ đừng có huhuhu nhe...

    ReplyDelete
  6. Chị TNĐB ơi, nước mắt chảy xuôi mà, chỉ vì thương con quá, thấy con ăn ngon lòng người mẹ như chia xẻ niềm hạnh phúc đó, vì vậy mà người mẹ lúc nào cũng đem cả tấm lòng trải đầy vào những bửa cơm gia đình, tình yêu là vậy đó chị , không nói được bằng lời mà chỉ nhìn thấy qua cách thể hiện mà thôi

    ReplyDelete
  7. Tôn Nử Đông Ba14 May 2013 at 12:23

    Thưa ABen và CKim,biết rằng nước mắt bao giờ cũng chảy xuóng ,người mẹ VN gắn liền với số phận cánh cò . Nhưng có lẻ những bà mẹ ở trong hòan cảnh tôi nêu ra mới hiểu được và thấm thía ." Vui thì vui gượng kẻo là..." huhuhu hay hahaha củng phải làm vậy thôi . Giáo dục củng có 2 mặt : tiêu cực và tích cực . Nêu ra thực tế khg phải để kể lể mà để thức tỉnh các con , cháu nghỉ lại , nếu chúng ở vào trường hợp đó . Cám ơn các AC đã am ủi và chia xẻ.

    ReplyDelete
  8. Đông Ba ơi, tôi cũng làm mẹ của ba đứa con, và tôi cũng ở vào trường hợp như Đông Ba, nghĩa là ngày gì mình cũng là người đứng bếp, các con đi làm gửi con cho mình, chiều đón về với dinner take away, nhưng tôi không buồn bởi tôi nghĩ qua một chiều hướng khác, Dông Ba nghĩ coi, nếu chuyện gì cũng buồn cũng tủi thân thì cuộc đời này có bao giờ mình hết buồn hết tủi hả Đông Ba ? sao không đem sự không công bằng đó đổi ngược lại thành tình yêu con , chồng và tha thứ cho họ khi họ không nghĩ tới mình. một ngày nào đó các cháu của DB lớn lên, rồi các con của ĐB sẽ giống như ĐB bây giờ vậy, nhưng các con ĐB sẽ noi gương ĐB mà biến nỗi buồn thành niềm vui, cuộc đời của chúng sẽ luôn có nụ cười và tình yêu gia đình ấm áp, vui lên ĐB à, ĐB thử đi đâu một khoảng thời gian mà xem, bạn sẽ nhớ lắm những bữa cơm gia đình do bạn đích thân chăm sóc, bạn sẽ tự hỏi " không biết hôm nay không có mình thì chồng con ăn uống ra sao ? " bạn sẽ thấy trong lòng mọi người bạn quan trọng như thế nào . Chúc bạn vui nhiều nha và đừng tủi thân nữa

    ReplyDelete
  9. Hay quá cô Kim ơi,10/10, cô có đầu óc lạc quan. Các bà thử đi đâu một thời gian ngắn là các ông ăn mì gói dài dài... Bởi vậy tụi Anh nói :" đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm " quả không sai !

    ReplyDelete
  10. Tôn Nử Đông Ba15 May 2013 at 12:25

    Huhuhu, Hahaha, sau nổi buồn là niềm vui vì có các bạn gìa sẳn lòng chia xẽ , an ủi ... ĐB sẻ tập lạc quan như CKim vì đời mình còn mấy ngày nửa đâu phải không các AC . Làlála ... Làla...

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.