Monday 4 February 2013

Trường tôi



Kim Nguyễn
Trong cuộc đời chúng ta ai ai cũng có quá nhiều kỷ niệm: vui có, buồn có. Kỷ niệm là chiếc gối êm cho tuổi già. Thí dụ như những buổi chiều mưa lạnh, những buổi sáng đìu hiu, bên tách trà nóng mà nghe giọng hát Thái Thanh với nhạc phẩm Kỷ Niệm của Phạm Duy sẽ thấy lòng chùng xuống hắt hiu.


Hai nữ sinh Trưng Vương
cưỡi voi diễn hành trong ngày lễ Hai Bà Trưng tại Sài Gòn
Tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng còn cắp sách đến trường nữ trung học Trưng Vương. Ngôi trường cổ kính nằm cuối con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thuở ấy, bất cứ cô nữ sinh áo trắng nào có đeo phù hiệu Trưng Vương đều thấy thật hãnh diện. Hãnh diện bởi muốn vào học ở trường này thì phải vượt qua kỳ thi tuyển vào đệ thất (lớp 7). Cuộc thi rất khó vì phải vượt qua mấy ngàn sĩ tử. Qua được kỳ thi khó khăn đó để có tên trên bảng vàng thì ai mà không tự hào là nữ sinh của trường trung học Trưng Vương cơ chứ?

Nơi đây đối với tôi có quá nhiều những điều không thể quên được gồm có bạn bè và thầy cô. Quên được làm sao hình ảnh thầy Hoàng dạy môn Anh Văn, là môn mà tôi chúa ghét (vì tôi quá dở). Trong năm đệ nhị (lớp 11 bây giờ) Thầy đã điểm mặt tôi, "Học như em thì làm sao mà thi đậu năm nay? Em mà đậu năm nay tôi sẽ không dạy nữa".
Năm ấy tôi thi đậu. Vào đầu năm lớp 12 gặp thầy tôi nhoẻn miệng cười: "Thưa thầy, em đậu rồi ạ", tuyệt nhiên không nhắc đến lời thầy đã nói trước.

Trường tôi nằm cuối con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bên phải của trường là cuối đường và được chận lại bằng một hàng rào kẽm gai dày đặc. Bên kia hàng rào là căn cứ Hải Quân. Bên trái là trường Võ Trường Toản. Chúng tôi thường chọc ghẹo là "Vỏ Trứng Thối". Còn các bạn nam sinh thì phản pháo lại: "Trứng Vịt".

Hai ngôi trường một nam một nữ chỉ cách nhau một bức tường. Mỗi thứ Hai chào cờ chúng tôi đều được bà Tổng Giám Thị nhắc nhở những kỷ luật của trường bằng micro phone:
- Con gái phải đứng đắn đoan trang. Mặc áo dài phải mặc áo lót. Áo đầm phải dài quá gối. Không được nói chuyện với bạn trai trước cổng trường vv...vv....
Còn nhiều,nhiều lắm. Và những điều này các nam sinh VTT đã nghe rõ mồn một.
Các anh VTT gặp chúng tôi thường cười đểu:
- Nhớ mặc áo lót nghen mấy em. Kẻo gió vào đau bụng!

Tan học, trước cổng trường nào là phụ huynh đến đón, nào là bồ của các cô lớp 11,12 thuộc đủ mọi binh chủng, nào là các nam sinh của các trường Chu Văn An, Petrus Ký, Cao Thắng, Nguyễn Trường Tộ kéo đến đứng đầy trước cổng trường. Như một ngày chẫy hội.

***
Một điều như luật bất thành văn là các nam sinh của Cao Thắng và Nguyễn Trường Tộ đều không thích nhau. Họ luôn gườm nhau chỉ chờ có dịp là "đấu võ".

Có một kỷ niệm không bao giờ quên trong năm học 11 của tôi. Hôm ấy sau khi tan học, chúng tôi ngồi lại tán gẫu, ăn bò bía, uống đậu đỏ bánh lọt nước dừa cùng bạn bè chán chê rồi mới lên xe đi về. Năm ấy tôi được ba mua cho chiếc PC, oai nhất trong đám bạn bè, vì đứa nào cũng đạp xe đạp đi học. Bạn bè có đãi tôi ăn bò bía cũng để chỉ được leo lên xe chạy một vòng.

Đột nhiên, hôm ấy chiếc xe dở chứng không chịu nổ máy. Chúng tôi thay nhau cố sức leo lên xe đạp đến đổ mồ hôi mà xe vẫn không nổ máy. Một anh bên Cao Thắng đang đứng tán gẫu cùng vài người bạn VTT bên kia đường thấy vậy chạy qua hỏi:
- Các em có cần giúp gì không?
A tên này giỏi lắm cũng chỉ là 11,12 mà dám gọi bọn này là em. Nhưng không sao mình đang cần mà:
- Xe không nổ máy, anh bạn có thể giúp gì không?
- À, nghề của chàng mà! Dân cơ khí không biết thì ai biết?
Thế là hắn loay hoay với chiếc xe. Một chàng Nguyễn Trường Tộ trong bộ đồ xanh chạy đến:
- Có cần giúp một tay không?
- Không cần. Tôi nghĩ Cao Thắng dư sức rồi.
Loay hoay cả tiếng đồng hồ, chiều đã tắt nắng, mọi người đã từ từ về nhà, cửa trường vắng ngắt, tôi lo lắng không ít, vì ruột gan phèo phổi của chiếc xe đã được gã Cao Thắng moi ra để đầy trên mặt đường. Anh chàng Nguyễn Trường Tộ vỗ vai hắn:
- Ráng lấy điểm với người đẹp đi nha. Tui dìa. Chúc may mắn.
Sau một hồi loay hoay, chàng Cao Thắng tuyên bố:
- Không kiếm được bịnh. Cô ở đây tui chạy đi kiếm người giúp nghen.

Chẳng còn cách nào hơn, tôi đành gật đầu.
Nhưng chờ mãi gần 7 giờ tối cũng không thấy hắn trở lại. Tôi vô cùng lo lắng đẩy xe vào trường gặp ông Hoàng Tử Chột (biệt danh của ông gác dan), gởi chiếc xe ở trường và gọi điện thoại cho ba đến đón về.

Sáng hôm sau tôi kể lại cho bạn bè nghe, đứa nào cũng nói gã Cao Thắng đó họ Sở. Hắn không gạt tình nhưng hắn lại đánh bài chuồn thì có khác gì. Từ đó chúng tôi ai cũng ghét các chàng Cao Thắng. ú mất hẳn niềm tin và thề nếu không rửa mối hận này thì không phải là con cháu Hai Bà.

***
Thời gian trôi qua, thù vẫn còn trong bụng nhưng chưa có dịp để trả. Thế nhưng ngày ấy cũng tới. 
Một hôm tan học, một nhóm nam sinh trong đồng phục Cao Thắng, một xe một chàng hoặc một xe hai chàng chạy đến cuối trường đứng đó. Họ chỉ chỏ nói cười. Chúng tôi rủ nhau mỗi đứa leo lên xe của mình giăng thành hàng ngang hiên ngang ngồi trên xe ăn bò bía. Lát sau các chàng ra về nhưng gặp phải chướng ngại vật là chúng tôi. Các chàng năn nỉ:
- Cho tụi anh qua được không mấy em?
Một cô bạn nhanh nhẩu:
- Gọi bằng chị thì may ra.
Các anh nhìn nhau:
- Xin các chị, cho tụi này qua.
- Phải xưng em mới đúng chữ nghĩa chớ.
- Xin các chị, cho chúng em qua.
- Mỗi em muốn qua phải mua một ly đá nhận cho các chị mới được qua.
Thế là hôm đó hàng bán đá nhận trúng mối nhờ món quà mãi lộ đó.
Chúng tôi được một dịp cười bò lăng bò càng và mỗi lần thấy bóng dáng Cao Thắng là cả bọn lại nhao nhao:
- Chị Hai nè em. Lại đây chị bảo. Cho vài cái khăn hỷ mũi nè.

***
Thời gian trôi qua thấm thoát mà đã mấy chục năm. Bạn bè mỗi người mỗi ngã. Tôi thường tìm kiếm những người bạn đã cùng tôi lớn lên trong ngôi trường yêu dấu đó. Trớ trêu sao! Một cô bạn thân của tôi, sau 75 lại là người bạn đồng hành với tên họ Sở ngày nào. Chúng tôi gặp nhau tay bắt mặt mừng, hàn huyên thăm hỏi, tôi hỏi Thức (chồng cô bạn):
- Sao hôm ấy anh đi tìm người giúp rồi mất tiêu luôn vậy?
Thức cười:
- Có gì đâu. Chạy kiếm người tới kéo xe cho cô không được mà thấy tối quá rồi nên....lặn luôn. Hì hì hì.
Thật không có nụ cười nào....nham nhở hơn nụ cười của Thức lúc ấy. Nhưng nhờ vậy tôi có thêm một chiếc gối êm ả trong những ngày cuối đời hạnh phúc này.

Kim Nguyễn

22 comments :

  1. Kỷ niệm lúc nào cũng là người bạn thân thiết nhất của chúng ta trên mỗi ngày mỗi tháng mỗi năm,Một cô bạn vừa email nhắc đến một kỷ niệm với thầy Hoàng dạy anh văn năm đệ nhị, trước ngày thi Thầy ôn tồn nhắc nhở :" các em cố gắng cho xong đoạn đường chông gai này, qua kỳ thi này sẽ quyết định con đường các em phải đi , rẽ sang trái hay rẽ sang phải cũng do chính mình định đoạt" một cô bạn vọt miệng " Sang ngang thầy ạ " cả bọn nhao nhao cười đùa, năm đệ nhị đúng là năm quyết định, thi đậu thì học tiếp để giật cho xong mảnh bằng tú tài , thi rớt thì hoặc ra trường tư học nếu muốn học tiếp( trường Trưng Vương nếu thi rớt là phải ra khỏi trường), hoặc đi làm, hoặc lấy chồng ,cuộc đời quả thật thay đổi hẳn nếu thi rớt.Tôi đã sống thật trọn ven cho quãng đời học sinh , sinh viên của mình , chỉ mong sao đồng hồ đứng lại để mãi mãi được cắp sách đến trường , Nhớ thay và buồn thay

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cô Kim kể về những kỷ niệm từ trường Trưng Vương...mà chưa kể hết đó nhe. Kể tiếp cho bà con nghe đi...cái năm học mà cô Kim thường ngâm nga :
      Hôm nay trời đẹp lên cao
      Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn...

      Delete
    2. anh Ben ơi kỷ niệm thời cắp sách đến trường thì kể đến bao giờ mới hết, chỉ là có chút ân oán giang hồ với Cao Thắng nên mới tố khổ các anh ấy thôi. Anh kể một chuyện vui thời đi học cho thiên hạ nghe đi,nhiều người mỗi người một chuyện mới phong phú chứ , đúng không anh ????

      Delete
  2. Văn cô nữ sinh này mượt mà nhưng nhí nhảnh. OG đọc riết như thủa nghễnh cổ đọc bích báo ở trường trung học . Nhưng thấy có một chữ OG không rõ có phải là typo hay không? Đó là "chẩy hội" hay "trẫy hội". OG tra tự điển của Lê Văn Đức (Lê Ngọc Trụ) nhưng mắt mủi kèm nhèm nên chưa tìm thấy. Xin các bạn chỉ giúp cho già này nghen.
    OG3T

    ReplyDelete
  3. LỄ HỘI VÀ VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG
    Giới thiệu - Tuesday, 29-01-2013
    Từ xưa cho đến nay du khách trẩy hội Chùa Hương đã biết đến một quần thể hang động mang đậm đà màu sắc tín ngưỡng dân gian – đạo Phật với nền văn hoá nông nghiệp (ao bèo, con trâu, đàn lợn, nong tằm, né kén…) và phảng phất cả văn hoá phồn thực (bầu sữa mẹ, núi cô, núi cậu...) du khách đến Chùa Hương cầu mong mọi sự tốt lành (cầu của, cầu con, cầu bình an...)...

    ReplyDelete
  4. Đang rình bài của bà chị để còn rinh về trang Liên Trường Kỹ Thuật. Nào dè đọc xong thấy xấu hổ che mặt không kịp. Bài này mà đem về đăng chắc mấy ông anh Cao Thắng không dám giận cá Trưng Vương mà lại đi chém thớt cậu em này thì chết.

    @OG3T: trẩy hội đúng
    http://www.vietdictionary.com/?x=0&y=0&q=tr%E1%BA%A9y&db=vv&ft=all

    ReplyDelete
    Replies
    1. haha, không sao " quýt làm cam chịu" mà, chỉ là kỷ niệm vui thời còn đi học,oán thù nên cởi không nên buộc, giờ anh họ Sở đã là phe ta, hiện đang ở Canada , và là chủ một garage sửa xe rất lớn, cho dù ở Úc cũng không dám đem xe lại sửa vì sợ " chạy làng", anh ấy nói rằng cũng nhờ chạy làng một lần mà quyết chí học cho xong nghề cơ khí mới có được ngày nay ,thinh thoảng gặp nhau nhắc lại vẫn còn thấy vui. HC cứ đem về trình làng đi cho Cao Thắng biết tay, giá để cho Nguyễn Trường Tộ giúp có lẽ đã xong rồi phải không ?

      Delete
    2. Thùy Dung ( QLD)4 February 2013 at 19:37

      Chị Kim ơi, em lại là nữ sinh Gia Long xưa kia, cũng giống như CT va NTT hai trường nữ sinh nổi tiếng một thời này cũng ghìm nhau lắm phải không chị ? tuy nhiên riêng em thì lại rất nể nang trường của chị, xưa kia mỗi năm đến ngày lễ Hai Bà em thường rủ bạn bè qua trường chị xem làm lễ, cho đến bây giờ em vẫn còn ngưỡng mộ và khâm phục các chị,trong mọi lãnh vực, ca hát , nấu nướng , thêu thùa đều tuyệt vời. Em còn nhớ có một năm đến trường chị xem lễ hội, các gian hàng đều có các cô bán hàng mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ để tóc đuôi gà rất là Bắc Kỳ, các chị ai nấy đều xinh đẹp, em đứng hàng giờ bên một gian hàng trưng bày một tuyệt phẩm được làm bằng đường , bánh và jelly, là một bức tranh đồng quê với ao cá được làm bằng jelly với đàn cá tung tăng bơi lội, hàng rào làm bằng bánh quế,cỏ bằng dừa nhuộm mầu xanh. căn nhà lá lam bằng bánh quy, cây dừa, cây chuối bằng đường,con chó con mèo bằng đường, các cô gái giã gạo cũng làm bằng đường, quả là một kỳ công, cho đến bây giờ bức tranh sống động ấy vẫn trong lòng em với sự cảm phục vô cùng, nghe chị bán hàng nói để hoàn thành kiệt tác đó cả lớp 11 gần 20 người làm ròng rã nửa tháng mới xong . Và năm ấy em còn nhớ tác phẩm làng tôi đó được đứng nhất và được một vị phu nhân vợ của một ông tướng nào đó em quên mất rồi mua với giá rất cao, phải không chị ?

      Delete
    3. Thùy Dung ơi! em nói đúng lắm, tác phẩm Làng Tôi do lớp 11 ban C của trường năm đó được hạng nhất và được phu nhân của Đại tướng Cao Văn Viên mua về với giá khá cao, vừa mua vừa quyên tặng tiền cho trường, sở dĩ hôm a7y1 bà ấy đến tham dự lễ hội vì con gái của bà học tại trường và chung lớp với chị, cô ấy học cũng rất giỏi,

      Delete
  5. Chảy hội Xuân - qhttc1683 - SànNhạc.com
    beta.sannhac.com/.../Chay-hoi-Xuan-qhttc... - Vietnam - Translate this page
    Nghe, download bản mp3 Chảy hội Xuân theo phong cách Bá Quý - Nguyệt Ca do thành viên qhttc1683 trình bầy.
    Another spell, I think they all the same

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tracey ơi, kiểm tra từ vựng bằng các bài trên mạng thì không biết đâu mà lần.
      Nhớ xưa còn làm trong nhà in thấy các thầy cò (correcteur) chuyên ngồi sửa bản in mà cũng phải có cuốn tự điển Việt Nam bên cạnh để kiểm tra cho chắc chắn. OG kỹ nên muốn tìm Tự điển Lê Ngọc Trụ còn tôi đã tra 3 chỗ khác nhau có cùng kết quả (không biết dựa trên tự điển nào)
      http://www.vietdictionary.com/
      http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/
      http://tratu.soha.vn/

      trẩy
      đg. 1. Kéo quân đi: Quân trẩy qua làng. 2. Đến một nơi danh lam thắng cảnh ở xa nhân ngày hội hàng năm.

      Delete
    2. Thưa chú Hoàng Chu, Tracey thật sự không biết thế nào là đúng thế nào là sai, chỉ thấy chỗ này thì nói Trẩy chõ khác thì nói Chẩy, như vậy có nghĩa là có nhiều người xử dụng cả hai, Tracey chỉ tìm giúp tài liệu cho OG nghiên cứu mà thôi, bản thân Tracey cố gắng tìm hiểu vì Tracey qua đây chỉ mới có 5 năm để đi học và mới học xong hiện đang làm việc ở Tasmania, thời gian để nói tiếng Việt và viết tiếng Việt rất ít Tracey cố gắng giữ gìn để không quên tiếng Việt của mình vì sợ thời gian ở đây sẽ bị bào mòn TV lắm, do vậy mà những điều gì liên quan đến tiếng mình là Tracey rất thích, chú có thấy là Tracey không bao giờ xen kẽ tiếng anh vào trong tiếng việt không ? sợ quên đó mà.Đến bây giờ cũng không biết Chẫy hay Trẫy là đúng nữa thưa chú .Tracey nghe bài hát Chẫy hội mùa xuân, thấy họ dùng Chẫy nguyên một bài hát nên thắc mắc lắm

      Delete
    3. Cám ơn chú Hoàng Chu đã giúp Tracey đọc và suy nghĩ về số vốn tiếng Việt nghèo nàn của mình, năm nay Tracey chưa tới 30 nên tuy nói giỏi nhưng viết thì dở lắm vì dù sao cũng học biết bao năm thứ ngôn ngữ sau 75 này. Mẹ và Dì là cô giáo dạy môn văn nên tuyệt đối Tracey không được dùng ngôn ngữ lạ lùng này trong nhà. Nếu Tracey nói " Mẹ ơi, giúp con xử lý bài toán này với " là ngay lập tức mẹ cho một cái Ký lên đầu "người ta nói Giải toán chứ không ai nói xử lý toán cả " Thế là chữ xử lý bị cấm .Mẹ thường nói " chữ được dùng đúng nơi đúng chỗ sẽ tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ, dùng sai chỗ là đang đào mồ chôn tiếng việt hiểu chưa ? Vì thế mà anh em của cháu khi xử dụng tiếng Việt phải thật cẩn thận nếu không là đầu sẽ bị sưng với mẹ .

      Delete
    4. Vậy thì cháu nên " dùng" tiếng Việt yêu dấu của mình, cố gắng không " xử dụng" tiếng Hán trong tiếng Việt kẻo lại bị mẹ ký đầu nhá, xử lý hay xử dụng đều lấy ra từ tiếng Hán cả cháu ạ. Thân mến

      Delete
    5. Cám ơn cô Kim, thật ra có những từ mình dùng đã quá quen thuộc rất khó để loại bỏ, tuy nhiên cháu sẽ cố để ý đến khi viết, vì nói thì có thể nghe được những viết đôi khi lại là điều không thể tha thứ , đúng không cô ?

      Delete
  6. @OG3T: trẩy hội đúng
    MongHuyen

    ReplyDelete
  7. Tui là cô giáo trường làng , xưa kia dạy học trò ở quê vẫn thường đọc nhiều bài văn thấy chẫy hội nhiều hơn trẫy hội, theo tui nghĩ Chảy hội đúng hơn vì " người đi như nước chảy" còn trẫy thì không có nghĩa gì cả .

    ReplyDelete
  8. Tracey ơi!
    Khá khen cho cô bé lạc loài tuốt ở hải đảo mà có khi người Úc quên vẽ vào bản đồ nước mình. Khen hơn nữa tinh thần cầu học của Tracey. Viết sai một chữ có thể ... chết con gà! (Bút sa gà chết). Nhưng chắc là không làm trời sập đâu.
    Với tinh thần cầu học, có lẽ Tracey có nhiều chuyện vui có, buồn có khi sống năm năm tại Úc.
    Viết một bài ngắn về mấy chuyện đó nghen. Viết xong gởi về onggiabatri@gmail.com. Một già một trẻ sẽ cùng nhau "cò" cho bài mượt mà.
    OG3T

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn OG , nhưng Tracey rất busy, đi làm cả tuần lễ thỉnh thoảng mới nhẩy vô xem bài viết tiếng việt cho đỡ nhớ nhà thôi, tối về nhà nghe nhạc đôi chút là mắt nhắm nghiền lại rồi còn thời gian đâu mà viết , hơn nữa Tracey viết ngắn comments cho vui thì tạm tha thứ được chứ viết dài OG sẽ thấy Tracey dốt lắm.

      Delete
  9. Có những kỷ niệm nhớ hoài không muốn quên nhưng cũng có những kỷ niệm cần quên cho "muôn nhà thái bình ". Bạn thử nghĩ xem ở cái tuổi 60, 70 mà ai đó gặp lại vẫn cố tình nhắc chuyện năm xưa hòng vớt vát hay níu kéo thì thấy thật chướng,thật không vui chút nào.Mỗi một giai đoạn trong đời người ta ví như mỗi khúc sông,con nước trôi đi có bao giờ trở lại và càng xa xôi hơn khi trăm nhánh rẽ yên ả xuôi dòng? Huyền tôi đã phải chịu trận nghe cô bạn thân than trời vì sau hơn 30 năm gặp, lại người năm xưa không chịu quên quá khứ,cứ sống trong ảo tưởng nào đó và làm phiền lòng mọi người chung quanh thật nhiều, không hiểu người ta vì cố tình hay chủ ý ?Thật không may điều ấy phá vở tất cả tình cảm với bao hình ảnh đẹp được ấp ủ lâu nay để bây giờ khi nhắc đến chỉ còn là cái cau mày khó chịu! Như chị Kim nói kỷ niệm hãy là chiếc gối êm ả cho ta gối đầu khi bóng chiều đang dần phủ khuất , khi đoạn cuối con dốc đời dù muốn dù không chúng ta phải chu toàn với bao gắn kết tình cảm hệ lụy ta tạo ra,bấy nhiêu cũng mệt mõi lắm rồi sức đâu mà còn để đương đầu với sóng gió dưng không gieo tới !!
    Huyền Nguyễn

    ReplyDelete
  10. Già Ó Đâm /26 February 2013 at 21:14

    Chẩy hội đúng tui nghĩ vậy vì từ nhỏ tới già chỉ thấy toàn là chẩy hội không hà

    ReplyDelete
  11. Bạn hiền Kim Nguyễn có lối viết văn dí dỏm,dễ thương,và duyên dáng ghê.Cách xử xự của KN khiến CN tui rất thích thú,hoan hô KN,bạn đúng là con cháu hai bà
    khi đọc tới chữ chẩy hội là tui hơi khựng lại một chút,nhưng Cũng không băn khoăn lắm.Nhưng thấy ÔNG GIÀ BA TRI théc méc,và quý zi Cũng người thì chẩy ,người thì trẩy,CN tui thì TRẦY là đúng

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.