Sunday 27 January 2013

Nước Úc của chúng ta



26 tháng Giêng là Australia Day. Xin gọi là Quốc Khánh Úc. 26 tháng Giêng đánh dấu ngày đoàn tàu chở tù biệt xứ của người da trắng cặp vào Port Jackson (tức Sydney Harbour ngày nay). Lúc đó là năm 1788 và người Anh tuyên bố vùng đất "không người ở" ở phương Nam thuộc về chủ quyền của vương quốc Anh. 

Những người Úc đầu tiên
Thật ra, hơn 40,000 năm trước khi người da trắng đến Úc, vùng đất này đã từng có người ở. Ngày nay chúng ta gọi họ là dân bản địa Úc (Aboriginal Australians hay Indigenous Australians). Cho đến năm 1967, người da trắng vẫn không nhận có người bản địa sống tại Úc. Trong sổ thống kê, Úc chỉ tính người da trắng còn dân bản địa thì ghi vào cột "thú vật hoang dã".
Gần đây, những người Úc đầu tiên đòi lại quyền sở hữu vùng đất cháy nắng ở phương Nam của tổ tiên ngàn năm về trước. Năm 1992, tối cao pháp viện Úc nhìn nhận quyền này trong vụ xử Eddie Mabo. Hiện nay, trong một số lễ nghi chính thức tại quốc hội và nhiều đoàn thể khác, người Úc bắt đầu dành ra vài giây đồng hồ để ghi nhận nơi mình đang đứng đã có thời do dân bản địa làm chủ.

Người Úc da trắng 
Từ thủa người da trắng lập cư tại đây cho đến năm 1973, nước Úc theo chính sách hạn chế người da màu, gọi là White Australian Policy. Một trong nhiều lý do khiến Úc hạn chế người da màu nhập cư vì vào cuối thế kỷ 18 người ta tìm thấy vàng tại NSW. Thế là người Trung Hoa đổ xô đến Úc để tìm vàng. Lúc đó, dân số NSW ở mức 200,000 mà có gần 50,000 người Trung Hoa. Thế là người da trắng sợ bị da vàng tràn ngập. 

Cho đến năm 1973, phần lớn người Úc sinh sống tại đất nước phước đức này là người Anh và Ái nhĩ lan. Họ là con cháu của bọn "đầu trộm đuôi cướp" hay của cai tù và trốn chạy nạn đói nơi quê cha đất tổ của mình. Sau lớp người da trắng ấy là đợt nhập cư ào ạt khi thế chiến thứ nhì kết thúc. Người châu Âu -- đặc biệt từ Đông Âu -- mất hết nhà cửa rộng vườn vì bom đạn tìm sang Úc làm lại cuộc đời.

Họ là những chủ nhà hàng Ý, Hy Lạp mà chúng ta thấy ở gần nơi mình đang ở. Họ là thợ xây cất Croatian, nhân viên kế toán Ba lan. Ngày nay, con cái họ mang những họ Kostakidis (Mary), Haussegger (Virginia), Alberici (Emma) lên tivi hay đài phát thanh; Tumarkin (Maria), Sala (Michael), Totaro (Paolo), Alizadeh (Ali) lên văn đàn; Albanese (Anthony), Bandt (Adam), Entsch (Warren) vào diễn đàn quốc hội; Tomic (Bernard), Stosur (Samantha), Dokic (Jelena) lừng danh tại sân banh nỉ...Một số thay cả họ như cố dân biểu NSW John Newman (tên thiệt là Naumenko theo chân mẹ từ Áo và Croatian đến Úc) hay chủ xị bóng tròn Murray (Les, tên thiệt là László Ürge từ Hungary sang Úc)...

Người Úc da vàng
Sau năm 1975, lớp người da vàng từ Việt Nam, Lào và Cambodia thừa sống thiếu chết vượt biển. Vì trách nhiệm tham chiến tại Việt Nam, chính phủ Úc phải mở cửa đón người tị nạn. Nói thế nghĩa là Úc rất nhân đạo nhưng không phải không ngập ngừng trước "hoạ da vàng" tràn vào đất phương Nam này. Năm 1975, chính phủ Gough Whitlam ngập ngừng... May mắn, Úc thay đổi chính phủ nên người Việt tị nạn qua được nhiều cửa ải thủ tục mà vào đất Úc. Tuy nhiên, người Việt Nam tị nạn không phải không gặp ánh măt thờ ơ, lạnh lùng hay chống đối của một số dân địa phương. Ai từng ở trong hostel ở Sydney và Wollongong vào thủa đầu hẳn còn nhớ những lần Ross May (the Skull) mang đầu trọc tìm đến để ngăn chận "người Á châu xâm lăng"

Theo văn phòng Thống Kê Úc, Việt Nam là một trong 10 quốc gia hàng đầu cung cấp dân số cho nước Úc. Vào tháng 10 năm 2010, tại Úc có 210,800 người sinh từ Việt Nam đến đây lập nghiệp. Hiển nhiên, nếu tính luôn con cháu của thế hệ nhập cư và sinh ra tại Úc thì người Việt ở đây còn đông hơn nhiều. Đáng ngạc nhiên cho người lo ngại con cháu Việt Nam "mất gốc": tại Úc, tiếng Việt là ngôn ngữ đứng thứ nhì được nói trong gia đình. Tiếng Việt chỉ thua tiếng Anh mà thôi.

Rất hăng say bảo tồn văn hoá dân tộc, người Việt Nam tại Úc lại là lớp người nhanh chóng hoà nhập vào xã hội mới. Trong hãng xưởng, công nhân Việt Nam có tiếng là chăm chỉ và không bao giờ từ chối "over-time". Ngoài xã hội, người Việt Nam đã dựng nên nhiều khu vực dân cư buôn bán sần uất như Inala (Qld), Cabramatta, Bankstown (NSW), Footscrays, Richnond, Springvale, St Albans (Vic), vân vân. Rất đông tên họ Việt Nam được nhắc đến bên cạnh các tên họ "Úc" khác, như: Lê (Văn Hiếu), Đỗ (Anh, Khoa), Vũ (Chi), Nguyễn (Luke), Võ (Tracy), Trần (Natalie). Hiển nhiên, bạn đọc blog Việt Luận cò biết hàng tá nhân vật gốc Việt nổi danh tại Úc mà OG3T kể thiếu tên.

Jimmy Viet Tuan Pham AM

Jimmy Pham Viet Tuan tại KOTO.
(Photo: Justin Mott)
Năm nay nhân Quốc Khánh Úc lại thêm người Việt Nam được toàn quyền ban tước. Ông Jimmy Viet Tuan Pham, địa chỉ tại Canley Vale, NSW được ban tước AM. Ông Phạm Việt Tuấn ghi thêm hay chữ AM đằng sau danh tính nhờ toàn quyền cho vào danh sách Member (AM) in the General Division của Úc. Úc ghi ơn ông vì có công phục vụ cộng đồng, đặc biệt cho trẻ em tại Việt nam. 

Ông Tuấn AM được biết nhiều dưới tên Jimmy Phạm đã mở ra hệ thống nhà hàng KOTO International để giúp trẻ em nghèo trong nước có việc làm. Ông Tuấn AM là một người tị nạn theo gia đình từ Việt nam nhập cư Úc khi chỉ lên hai. Sau 22 năm xa nhà, ông trở về Việt Nam thấy cảnh nghèo chịu không nổi. Như mọi người từ ngoại quốc đến Việt nam, Jimmy Phạm bị đám trẻ em nghèo bu lại. Đứa xin tiền. Đứa gạ bán hàng kỷ niệm. Đứa rình rập chôm chỉa. Ông quyết định ra tay cứu trẻ em nghèo. Đầu tiên, Jimmy Phạm mở một quán ăn nhỏ ở Hà Nội và thuê chín trẻ em nghèo làm việc. Ông dạy nghề cho các em và muốn các em dạy lại cho bạn bè. Đó châm ngôn của hệ thống nhà hàng KOTO (Know one Teach one, Biết một dạy một). 
Ngày nay KOTO trở thành hệ thống nhà hàng và trường huấn nghệ cho trẻ em bụi đời. Năm 2010 đã có hơn 300 em được học nghề. Trong số này, nhiều em được KOTO gởi sang Úc du học.

Người Úc muôn mặt
Khi xảy ra thảm sát tại Thiên An Môn (1989), thủ tướng Bob Hawke nhỏ nước mắt trên truyền hình và khoảng 40,000 du học sinh Trung Quốc được định cư tại Úc. Giọt nước mắt này đẩy mạnh hơn nữa nhịp độ di dân của người Trung hoa xuống đất phương Nam. Hiện nay, Trung Quốc là một trong 10 quốc gia cung cấp dân số nhiều nhất cho Úc. 
Gần nhất, chiến tranh tại châu Phi, Trung Đông và Sri Lanka tạo ra nguồn di dân và tị nạn mới. Đã thấy tại khu vực trước đây tập trung người Việt nam nhiều phụ nữ đội khăn Hijab, nhiều người có nước da đen bóng láng; và mọc lên quán cà phê Sudane, tiệm thực phẩm Halal....
Ngày nay, theo sở Thống kê Úc, khi người ta ra đường tại Úc nếu gặp bốn người thì có một người không cất tiếng khóc chào đời tại Úc. Người ta gặp những người Úc này ở khắp nơi.
Đi Bắc Úc người ta có thể thấy chăn bò và xén lông cừu là người từ Indonesia, Afghanistan, Iraq đến.
Ở NSW, nha sỹ có thể là người Việt nam. 
Ở Victoria, bác sỹ là người Ấn Độ. 
Ở Nam Úc, chủ quán cà phê từ Phi Luật Tân, Sudan, Chile đến. 
Ở Tây Úc, thợ hầm mỏ nhập cư từ Trung Quốc, Mã Lai, Sri Lanka... 
Và ở khắp nơi, khi người ta đi Taxi thì tài xế nếu không từ Ấn Độ thì cũng từ Bagladesh hay Sri Lanka đến.

Từng người kể trên đều có thể nói với nhau: nơi đây là nước Úc của chúng ta.

OG3T

2 comments :

  1. Hội Người Già USA27 January 2013 at 11:29

    Một nước Úc đa văn hóa, một nước Úc hiền hòa, thân thiện, một nước Úc chào đời sau nước Mỹ, nhỏ bé hơn nước Mỹ, nhưng đứng lên ngang tầm nước Mỹ, nền văn minh không thua sút Mỹ là niềm tự hào của người dân Úc, chúng tôi những công dân Mỹ xin nghiêng mình cảm phục anh hàng xóm Koala

    ReplyDelete
    Replies
    1. Còn một điều nữa ít ai biết đến là vị trí của Úc trên trái đất nầy...Những phi thuyền khám hiểm không gian của Mỹ đều bắn những tín hiệu về Canberra (thủ đô Úc) trước, rồi từ đó mới chuyển về Mỹ. Mình không hiểu tại sao họ không thể chuyển thẳng về Mỹ.

      Delete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.