Wednesday 30 January 2013

Nghe đài SBS chợt nhớ thời xưa


Khi Sài Gòn đổi chủ tôi đang là học sinh lớp 8 do đó không biết gì nhiều về chuyện "chính trị, chính em". Lúc đó thật tình rất háo hức vì cuộc sống thay đổi hàng ngày theo tình hình chiến sự trước đó rồi bao điều trong chế độ mới.


Tôi thường ngồi hóng chuyện khi các cậu, các anh lớn trao đổi với nhau về mọi vấn đề, đặc biệt là những cái mới trong chế độ mới và tất nhiên là so sánh với những cái của chế độ cũ. Còn nhớ một anh chỉ tôi nói đại khái "lũ chúng mày sau này sẽ chỉ biết về chế độ mới mà thôi", nhưng anh khác lại bảo "Không đâu, nó ngồi nghe chúng mình thì ít nhiều gì sau này cũng biết phân biệt".
Nói cho đúng tôi đã trải qua nửa chương trình Trung học và chương trình Đại học dưới chế độ mới nên cũng tính là "lớn lên dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa", tôi cũng bị ảnh hưởng khá nhiều (mà sau này khi đã ra nước ngoài tôi mới nhận thấy) thế nhưng có những cái tôi không chấp nhận được.
Vừa qua tình cờ nghe đài SBS tôi được nghe lại một từ làm tôi nhớ đến thời xa xưa ấy. Tôi nhớ sau ngày 30/4/1975 chương trình truyền hình chỉ có khoảng 2 giờ mỗi tối, một hôm mọi người đang quây quần xem TV thì bị mất sóng sau đó trên truyền hình có thông báo "Cáo lỗi vì sự cố kỹ thuật". Thế là các cậu, các anh rôm rả bàn tán về từ mới "sự cố" này rồi lan sang các từ khác như "máy bay lên thẳng", "chiến sĩ gái", v.v...

Đúng ra mọi người không hiểu được nguồn gốc của từ "sự cố" này, không biết nó là tiếng thuần Việt hay tiếng Hán Việt hay tiếng địa phương mà được dùng ở đây; vì thường chúng ta nói "Cáo lỗi vì trục trặc kỹ thuật" hoặc "Cáo lỗi vì lý do kỹ thuật".

Trước đó cũng trên đài SBS tôi có nghe một số từ khác mà tôi không hiểu nguồn gốc của nó, đặc biệt là từ "nội dung" được dùng trong các tường thuật thể thao, thí dụ: "trong nội dung 500m vượt rào", "trong nội dung đôi nam" (quần vợt). Tôi chắc rằng trong thời gian tôi còn ở trong nước (tới năm 1991) tôi cũng không thấy từ kép này được dùng như vậy. Với kiến thức hạn hẹp tôi không thể hiểu cách dùng từ này có nguồn gốc từ đâu hoặc được dịch từ từ tiếng Anh nào? Các bậc trí giả biết nhiều hiểu rộng xin giải thích dùm.

Tôi biết rằng trong ngôn ngữ có những từ không đúng ngữ nghĩa nhưng được dùng nhiều nên trở thành chính thức, thí dụ như từ "chung cư" mà thật ra phải là một từ Hán Việt "chúng cư" mới đúng. Thế nhưng chúng ta phải cố gắng tránh những trường hợp như thế trong ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Cũng xin nói thêm ở đây tôi không có ý đả kích anh XN, phát thanh viên người Bắc trên đài SBS. Theo tôi anh là một phát thanh viên chuyên nghiệp, có giọng nói sôi nổi, rất phù hợp với tường thuật thể thao. Những từ anh dùng cũng không phải là lỗi của anh vì anh đã được học chúng từ ghế nhà trường và có thể trong xã hội anh sống trước kia. Tôi cũng không muốn tranh luận về "tiếng Việt Cộng" và "tiếng Quốc Gia". Ở đây tôi muốn nói đến vai trò của một đài phát thanh tiếng Việt ở một nước nói tiếng Anh, với nhiệm vụ giúp duy trì tiếng mẹ đẻ của những đồng bào xa xứ; nếu không làm giàu thêm ngôn ngữ thì ít nhất đừng làm nó nghèo đi hoặc xấu hơn. Tôi tin tưởng rằng đây không phải là lỗi cố ý, và với tính cách chuyên nghiệp của một đài phát thanh như đài SBS thì chắc chắn có các cố vấn ngôn ngữ để tìm hiểu và loại bỏ các lỗi ngôn ngữ này.

Nghe một chương trình phát thanh mà gặp phải các từ mình không nhận ra hoặc không hiểu nổi thì chẳng khác gì ăn một bát cơm gạo trắng thơm mà gặp phải các hạt sạn lẫn trong đó. Hy vọng tình trạng này sẽ không còn nữa trong thời gian tới.
Để kết thúc bài này xin mời mọi người nghe một câu chuyện tiếu lâm mà các cậu, các anh tôi thời đó hay đem ra kể trong trường hợp gặp các "từ lạ" này.
Một anh bộ đội cố gắng bảo vệ tinh thần yêu nước của chế độ mới, anh bảo Bác Hồ đã dạy rằng "Chúng ta phải dùng tiếng Việt của mình, vạn bất đắc dĩ mới phải dùng từ Hán Việt".
Hoang Chu

Chú thích: Tôi đã thử tra lại từ điển Việt-Việt trên mạng (http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/Dict/) về hai từ đã đề cập trong bài. Dưới đây là kết quả.

Cố
 1 dt. Người sinh ra ông nội hoặc ông ngoại, bà nội hoặc bà ngoại: Cố tôi năm nay tròn một trăm tuổi; Con người có cố, có ông, như cây có cội, như sông có nguồn (cd).
 2 dt. Linh mục Thiên chúa giáo: Cố Alexandre de Rhodes.
 3 đt. Từ tôn xưng người già: Em học sinh đưa một cụ cố qua đường.
 4 tt. Tù đặt trước tên một chức vụ cao để chỉ người giữ chức vụ đó đã qua đời: Cố bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên.
 5 đgt, trgt. Như Cố gắng: Cố học cho giỏi; Làm có cho xong.

Nội dung
 d. Mặt bên trong của sự vật, cái được hình thức chứa đựng hoặc biểu hiện. Nội dung của tác phẩm.

28 comments :

  1. Khi Sài Gòn đổi chủ thì tôi đã học xong Đại học nên không có "cơ hội" học về văn chương của thời mở cửa . Nhưng phải nói rất là khó chịu khi nghe người dân Việt Nam của mình ngôn ngữ ngày một nghèo nàn và một điều tủi hổ là người Việt nhưng không hiểu người Việt nói chuyện.Một lần về VN thăm nhà, mang máy móc về xài không được vì khác giòng điện. Cậu chaú rể nói " Để con đưa mợ đi mua ổn áp ", Tô ngớ ra không hiểu hai từ ổn áp mà cậu ấy vừa nói, thì ra là máy biến điện.Vừa về đến cửa phi trường gặp cô Hải Quan sau khi xem giấy tờ cô hỏi " xuất xứ ở đâu ?" tôi không hiểu , cô quắc mắc " Ơ cái chị này tôi hỏi xuất xứ ở đâu sao mà cứ như ngỗng thế ?" vẫn không hiểu, bà cụ đứng cạnh nói nhỏ " Cô ấy hỏi cô từ đâu về ?" Bấy giờ tôi mới hiểu thì ra món đồ mà cô ấy hỏi xuất xứ chính là tôi .Ra đi đã hơn 30 năm nhưng chỉ về thăm gia đình có 2 lần , đều là hai lần gia đình có tang mới phải về, nói theo cậu Hoàng Chu là " Vạn bất đắc dĩ "

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ôi cái tiếng Việt của mình sao mà lắt léo thế! Trước kia chỉ có cái tên thì được gọi là "anh Hoàng Chu", bây giờ mới lộ tí bí mật liền bị giáng chức xuống "cậu" rồi. OG3T nhớ rút kinh nghiệm kẻo có ngày xuống chức còn thấp hơn nữa đó nhé. Nói vậy thôi chứ rất hân hạnh được chị Kim nhận làm người nhà tuy xuống chức mà lại tăng thêm tình thân.

      Delete
    2. Tiếng Việt là một ngôn ngữ rất khó học, người nước ngoài học tiếng việt sẽ uống thuốc Panadol không ít thì nhiều .Hoàng Chu có biết "Cậu" đây có thể là cậu em mà cũng có thể là cậu em của mẹ, vậy thì tùy Hoàng Chu chọn lựa nha, muốn làm cậu em hay cậu em của mẹ ?

      Delete
    3. Thùy Dung (QLD)31 January 2013 at 13:32

      Vậy thì đề nghị các anh chị có bí mật nên giữ cho kín kẻo bị giáng chức bất thình lình như......chú ( tùy tác giả lựa chọn, chú em hay chú em của cha))Hoàng Chu :)

      Delete
    4. Cậu nào thì chị Kim cũng đã ra vẻ bề trên rồi! Mà cậu nào thì nghe cũng thân tình hơn tiếng "anh" giữ kẽ cho người chưa thân thiết. Nếu chị để ý thì thấy trong bài viết chỉ nhắc đến "các cậu" chứ không phải "các chú", có lý do cả đấy; vì thế nghe tiếng "cậu" của chị mới thấy thân tình. Thôi thì tùy chị Kim cho làm "bà chị/cậu em" hay bắt phải "người lớn/cậu bé"!

      Delete
    5. Vậy thì xin làm bà chị/cậu em vậy được không ? dù sao thì Hoàng Chu chắc chắn là nhỏ hơn chị rồi, vậy ngày xưa HC học trường kỹ thuật nào ? nếu là Cao Thắng thì là láng giềng với chị Kim này rồi, chị cũng có khá nhiều ân oán với vài người bạn học Kỹ thuật Cao Thắng (Oán nhiều chứ không có ân )có dịp chị se kể cho bàn dân thiên hạ nghe những oán thù của chị với Cao Thắng thời còn đi học, tuy nhiên oán thù nên cởi chứ không nên buộc vì thế mà chị Kim sau này có vài cô bạn lấy chồng Cao Thắng nên mọi oán thù đã chìm theo giòng sông Hoàng Hà rồi :)

      Delete
    6. Rất vinh hạnh ra mắt bà chị. Em học Nguyễn Trường Tộ & Phan Đình Phùng sau 1975 (gọi là Kỹ Thuật Công nghiệp Thành Phố) chứ không học Cao Thắng (may quá). Trông đợi bài viết của chị để cho mấy ông Cao Thắng biết họ đã "gây nợ máu với nhân dân" như thế nào?

      Delete
    7. Oh món nợ đó chị và các bạn chị đã đòi ngay , không để cho nguội đâu, tuy nhiên là những hồi ức thật dễ thương mà nếu không oán không thù sẽ không nhớ cho đến bây giờ. Ngày xưa cũng có vài huynh trưởng của Nguyễn trường Tộ đã trồng một hàng cây si ở Sở Thú , thế nhưng chỉ có " Anh lặng lẽ theo nàng, trồng cây si cuối phố,Nàng hờ hững cười đùa, cùng nắng vàng rực rỡ, nên không thấy bên đường,lá si buồn bỡ ngỡ ..." nhất định , có thời gian chị sẽ kể cho HC và các bạn nghe những kỷ niệm của một thời còn cắp sách đến trường mà chị biết rằng thế hệ bây giờ chẳng ai có được những tháng ngày tuyệt vời đó đâu

      Delete
  2. Hội Người Già USA30 January 2013 at 17:59

    Chúng tôi già rồi nghe giới trẻ VN bây giờ nói chuyện thật sự rất khó chịu, văn hóa VN xuống thấp, kéo theo nền đạo đức xuống thấp, một số bạn bè về quê ăn tết than thở Sài Gòn , Hà Nội bây giờ cướp bóc giết người như cơm bữa. Nghe cô ca sĩ Thu Minh, Hà Hồ phê bình một giọng hát mới " em hát rất chất " thật sự không hiểu rất chất là chất gì ? chất lượng hay chất thải ?cái gì cũng dùng chữ "chất" để diễn tả một điều tuyệt vời,món này cô nấu thật chất, bộ vest này em mặc thật chất, nếu không thì " đỉnh của đỉnh" đã leo lên đến đỉnh thì còn đỉnh đâu nữa mà leo ??ôi văn hóa VC thời mở cửa, những lão già như chúng tôi xin chào thua vì quá CHẤT

    ReplyDelete
  3. Những điều anh Hoàng Chu nêu ra rất hợp lý...Tôi thấy vai trò của người trưởng nhiệm ban Việt ngữ rất quan trọng trong vấn đề nầy, người trưởng nhiệm phải kiểm soát bài trước khi phát thanh chứ .
    Một điều nữa, là đài phát thanh chánh phủ , khi tuyển chọn nhân viên mới có lẽ họ chỉ căn cứ trên bằng cấp và kinh nghiệm;Kinh nghiệm ở ngoại quốc hay kinh nghiệm ở VN họ đều kể .Nếu người phát thanh viên mang những kinh nghiệm, những từ ngữ trong nước sử dụng ở đây chắc ta cũng khó phàn nàn...
    Chỉ có một cách là các bạn dùng email và nêu vấn đề với ông trưởng ban Việt ngữ của đài...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đã có một số người nêu vấn đề với ban Việt Ngữ, nhưng không thấy có sự thay đổi .
      Theo như một thính giả phát biểu vào tối thứ Ba (29/01/2013) ông nhận được thư trả lời từ ban Việt ngữ rằng đó là ngôn ngữ thời thượng và thính giả của đài có cả sinh viên du học tại Úc từ VN qua .
      Chúng ta nên viết thư nhiều hơn để mối quan tâm này .
      Có sạn trong cơm thì nhặt vất ra, để lâu ngày thêm bệnh.

      TD

      Delete
    2. Tôi đồng ý với TG & các Anh Chị, chúng ta nên chuyển các ý kiến này đến Anh Q. Vinh trưởng ban, vì:
      -"...nếu không làm giàu thêm ngôn ngữ thì ít nhất đừng làm nó nghèo đi hoặc xấu hơn" .Dù là ngôn ngữ thời thượng gì đi nữa, nhưng làm "xấu" hay tối nghĩa thì dứt khoát không dùng hay phổ biến trên radio
      - Phát thanh cho tất cả cộng đồng ng Việt bao gồm cả sv, nhưng tỷ lệ sv du học là bao nhiêu, đến 5% không ? mà xử dụng cho số đông còn lại ?
      - Đài SBS tuy có chương trình hội thoại, nhưng chưa có mục góp ý trực thoại về đài (sau khi Anh Q. Việt từ nhiệm) để các Bác lớn tuổi góp ý !

      Delete
    3. Tin thêm để mọi người rõ, sau khi bài này được đăng tôi đã chuyển đến ban Việt Ngữ đài SBS như một góp ý và đã được anh QV trả lời ngay. Sau đó tôi đã xin phép được đăng thư trả lời này và mời anh vào bình luận tại blog Việt Luận nhưng không có hồi âm. Vì vậy chỉ xin tóm tắt ý của anh QV là ghi nhận lời góp ý, đã nhắc nhở nhân viên nhiều lần và sẽ mở hội thoại trên SBS về vấn đề này mời mọi người tham gia. Chúng ta chờ xem thế nào.

      Delete
  4. Trong một cuốn sách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài thấy có dạy:
    - Cô X là bác sĩ
    - Anh Y là sinh viên
    - Bà Z là cô giáo

    - Ông V là lái xe.
    Không rõ ở Việt Nam bây giờ không còn ai là tài xế nữa sao. Chắc là lại theo cái luật "vạn bất đắc dĩ" nữa rồi?
    E.Hoàng

    ReplyDelete
  5. Về VN bà già như tui cần một thông dịch viên đi theo để dịch tiếng Việt,đại loại như
    -Hàng KHỦNG
    -SIÊU rẻ
    -SIÊU MẪU NAM(đã Mẫu còn Nam)
    Hãy đọc một đoạn quảng cáo sau đây:Không chỉ mang bề ngoài hầm hố của khủng long chúa,còn kết hợp với chi tiết mầu trắng và khung sườn màu đen trông rất vững chải ( trích trên yahoo.việt nam)
    Nếu không xem tựa bài tôi sẽ không hiểu là đang nói về một chiếc xe, dùng chữ "hầm hố" để chỉ sự đồ sộ, dùng chữ " vững chải " để nói lên sự hài hòa của màu sắc. Đúng là chỉ có ở nền văn minh VC

    ReplyDelete
  6. về VN khi ra sân chơi tennis với một số bạn bè, vài người bạn dắt theo đám bạn cán bộ ở VN. Lần đầu hơi ngỡ ngàng khi nghe họ đếm banh " Lời ra " và " Lời vào " , hỏi một người bạn mới biết là Advantage , những chuyện chỉ có ở VN

    ReplyDelete
  7. Tôi xin trích một phần của Lý thuyết về Ngôn ngữ học của nhà ngôn ngữ học người Nga gốc Do Thái AVRAM NOAM CHOMSKY.

    Ông nói về Giá trị đồng đại và giá trị lịch đại của ngôn ngữ trong vai trò là một tín hiệu đặc biệt, như sau:

    "Các hệ thống tín hiệu nhân tạo chỉ có giá trị đồng đại, tức là được sáng tạo ra để phục vụ nhu cầu nào đó của con người trong một giai đoạn nhất định. Ngôn ngữ vừa có giá trị đồng đại vừa có giá trị lịch đại. Bất cứ ngôn ngữ nào cũng là sản phẩm của quá khứ để lại. Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp và tư duy của những người cũng thời mà còn là phương tiện giao tiếp và tư duy của những người thuộc các thời đại khác nhau, các giai đoạn lịch sử khác nhau."

    Điều này có nghĩa là Ngôn ngữ cũng có một đời sống như con người vậy, nó sinh ra, phát triển và mất đi khi sứ mệnh trong một thời kỳ lịch sử của nó không còn.

    Và chắc chắn Tiếng Việt của chúng ta cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tất cả những từ mà mọi người nói tới trong bài viết này đều ra đời theo sự vận động của lịch sử, mà ở đây là sau khi Cộng sản chiếm được Sài Gòn như mọi người nói. Vậy câu hỏi đặt ra là: Ngôn ngữ có tội không? Hơn 80 triệu người dân Việt Nam sử dụng thứ ngôn ngữ ấy có tội không? Ai mới thực sự chịu trách nhiệm?

    Nói cho đến cùng thì trách nhiệm gìn giữ văn hóa và ngôn ngữ dân tộc vẫn phải trông mong vào 80 triệu đồng bào trong nước, chứ không thể nào mong chờ vào chúng ta, những người tỵ nạn ở hải ngoại.

    Đó là thiển ý của người bình luận.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thùy Dung (QLD)31 January 2013 at 13:41

      Từ bao nhiêu ngàn năm nay , ngôn ngữ tiếng Việt cho dù ai đọc lên cũng hiểu không ít thì nhiều,nếu bây giờ người tỵ nạn có trở về xử dụng ngôn ngữ của người Việt xưa kia thì ai ai trong nước cũng hiểu , nhưng có một số từ người trong nước xử dụng chỉ để người trong nước bây giờ hiểu, thí dụ như dùng chữ " Máy biến điện" ai cũng hiểu là để đổi giòng điện từ 110 đến 220 hoặc ngược lại, nhưng khi xử dụng từ "Ổn áp" thì phải động não cả ngàn lần may ra mới hiểu, vậy thì tại sao phải thay đổi từ máy biến điện thành ổn áp ? Không hiểu ??????

      Delete
    2. Già Ó Đâm /231 January 2013 at 16:22

      Là người Việt chúng ta có bổn phận gìn giữ tiếng Việt,truyền đạt cho con cháu đời sau hiểu và nói tiếng Việt lưu loát, nếu không, trải thêm vài thế hệ , ở hải ngoại sẽ không còn tiếng Việt,hoặc nếu còn thì cũng là loại tiếng Việt ba rọi, nửa tây nửa ta, trong nước sẽ dùng ngôn ngữ khó hiểu không có trong sách vở , chúng ta đã quen mắt với "Tình yêu", không dễ gì chấp nhận "tình iêu", tại sao không xử dụng chữ Y ? nếu vậy nữ ca sĩ Thanh Thúy sẽ trở thành Thanh Thúi, thật là nực cười, thay đổi cả văn nói đến văn viết,chúng ta gìn giữ những gì chúng ta đã học,và với ngôn ngữ thời mở cửa thích thì học còn không thích cũng học cho biết đê có về nước không cần thông dịch viên. Nhưng những anh chị làm việc trên đài SBS là những người đại diện cho người Việt thì nên truyền bá ngôn ngữ chuẩn mực và dễ hiểu cho lớp người trẻ sau này dễ thấm nhuần tiếng mẹ đẻ hơn, nghe Thái Thanh " Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời " mà bùi ngùi thương cảm cho tiếng Việt sau này, từ trong nước cho đến hải ngoại đều dần dần biến mất hoặc biến dạng.

      Delete
  8. Thưa qúi anh chị!
    Thấy có tranh luận về "tiếng nước tôi" nên tôi xin làm bộ xông xáo muá
    rìu qua mắt thợ tí chút.
    Tôi cũng là dân bắc kỳ di cư 54. Di cư vào lúc hơn 3 tuổi gì đó. Khi
    vô Nam, làng xóm láng giềng vẫn khắng khít sống chung trong một xóm
    đạo, vì thế vẫn xài chữ nghĩa có tính cách thổ địa ngoài Bắc, mặc dầu
    khi đi học hay bị bạn bè chế nhạo.
    Tôi thấy : dân mỗi vùng có lối nói riêng: ví dụ như dân Ninh Bình thì
    đọc chữ L thành N: con nợn, đi nàm, con tâu (trâu) tắng (trắng).Dân
    Thanh Hóa thì dấu ngã đọc thành dấu hỏi: đôi đủa (đũa), cái nỉa (niã),
    thung lủng (lũng). Dân Chương Thiện miền Tây thì chữ R thành G
    cái gổ (rổ),cái gá (rá), bắt con cá gô (rô). Tuy nhiên khi viết chính
    tả thì phải
    viết đúng. Nếu không thì thi tiểu học sao đậu nổi.

    Hồi đó nghe ông bà kể chuyện với nhau về những kỷ niệm lễ hội ngoài
    Bắc: họ thường nói vào những ngày này, ngày nọ đám con gái đám con
    trai từ sáng sớm theo cha mẹ đi trẩy hội...(tất nhiên là những lễ hội
    có tính cách phong tục, truyền thống...cổ). Tôi thiết tưởng đó chữ
    ngoài Bắc. Còn trong Nam thì có thể dùng chữ khác.

    Tuy nhiên để rộng đường dư luận, mong có học gỉa (điển hình chữ gỉa bỏ
    dấu sai !) nghiên cứu thêm. Tôi mong được cao nhân giúp tìm nghĩa và
    cách viết của chữ trẩy / chẩy.
    Thân mến/sv

    ReplyDelete
  9. Tôi củng đã từng góp ý với SBS nhg củng chỉ nhận được "" Xin ghi nhận ý kiến và sẻ chú ý nhiều hơn " Tôi nghỉ SBS bây giờ đã ăn phải bả của VC rồi nen khg có thay đổi đâu !.Các bạn muốn biết tại sao Tiếng Việt bây giờ lai căng như vậy tôi nghỉ các bạn nên tìm đọc " Hồ Chí Minh sinh bình khảo " có lẻ sẽ giải đáp được phần nào thắc mắc của chúng ta . Đau lòng lắm .

    ReplyDelete
  10. Nghe một số nhân vật tại VN nói chuyện mà muốn thủng màng nhỉ, đi Singapore thì nói " đi Sing" đi Campuchia thì nói đi "Cam" ( nghe cứ tưởng đi camping),hầu như mọi chữ đều cắt mất cái đuôi khi nói , thậm chí khi viết tiếng Việt tôi dịch muốn lòi con mắt , xin đọc đoạn văn sau đây :"oi,dep wa mjh tkj laj k co djp wa can tko,huhu bun tkat" , không hiểu ra làm sao cả , giới trẻ ngày một ba rọi từ cách nói đến cách viết, văn chương VN ngày một tuột dốc không phanh, chúng ta chỉ còn bổn phận gìn giũ được tới đâu hay tới đó, dạy lại cho con cháu những điều tốt đẹp mà chúng ta đã được thừa hưởng từ ông cha,phải cố gắng mà thôi các bậc tiền bối ạ.Nhất là các anh các chị đang làm công việc truyền bá văn hóa của người Việt ( báo chí , Radio .....)

    ReplyDelete
    Replies
    1. This comment has been removed by the author.

      Delete
    2. Og xin bàn thêm với comments này:
      Thiệt tình ít người chịu nổi cái thứ chữ Việt "oi,dep wa mjh tkj laj k co djp wa can tko,huhu bun tkat". Tuy nhiên có lẽ đây là chữ Việt dùng để chat hay viết lời nhắn qua máy điện thoại . Trong chữ Anh cũng có mấy chữ XOXO, W8 , M8, U 2, LOT. Btw, vân vân. Ta không nên trách lối viết tắt này.
      Điều đáng trách là dùng lối viết tắt vào việc khác và ở khác chỗ.
      Kế tiếp, OG cám ơn cô Kim Nguyễn gởi lời “bàn thêm” này. Nhờ nó, Og có cơ hội “chôm chỉa” bài từ nơi khác và in vào phần “chôm chỉa” của trang blog này.
      Xin bạn đọc tìm tới menu ở đầu trang , bấm mouse chọn “Lang thang trên mạng” , “Chôm chỉa” để đọc bài “Ngôn ngữ chát” của anh Dâu.
      Bạn đọc cũng có thể ghé tới đó bằng cách bấm mouse vào đây.
      Og3t

      Delete
    3. Huyền Nguyễn12 March 2013 at 21:02

      TrùI ui, đỌc xoG mÌn múN cHík đi chO rùi ! ôG jà jớI tHịu bÀii viK nàY tHât ác ! đọc mún lòi con mắK và Nổ tUg cái đầu mới hỉU được nói cái j ! NHưg dẫu seo cũg rất cảm ơn ôG jà nhìu nhìu lém ! Mìn thiX wá trùi lun! Kekekekekekeke...( Viết có bấy nhiêu thôi mà Huyền tui mất gần 15 phút- Như vậy “Trùi ui, cái gì mà wê thế! hog wen với wan điểm wần chúg của giới trẻ trog wốc rùi ! Bùn wá ôG jà ui! hichichic...)

      Delete
    4. haha Huyền ui, em thật là wa giỏi, chị cũng cố gắng viết như em mà không được , mệt óc quá đi, ngôn ngữ này đọc nhiều nhất ở phần commments,xử dụng lâu ngày thành thói quen và từ từ thành một thứ ngôn ngữ " viết nhưng đọc không hiểu", OG còn giới thiệu đường link, Kim tui vô đọc xong đành chào thua vì không hiều gì hết, có lẽ mình lạc hậu quá rồi chăng ????

      Delete
    5. Trên FB của Kim tôi có một người bạn , mỗi lần cô ấy comments là tôi chỉ lướt mắt qua chứ không đọc và không trả lời lại , lý do dễ hiểu là cô ấy viết nhưng tôi đọc không hiểu nên chẳng tốn thì giờ cho loại ngôn ngữ này, có lần cô ấy email và hỏi tôi lý do sao không email và comments với cô ấy, tôi nêu lý do là không hiểu, cô ấy nói tôi thật là quê mùa, bây giờ giới trẻ ở VN họ chỉ xử dụng loại ngôn ngữ viết này, tôi trả lời:"thôi cho tôi làm người quê mùa đi vì đã quen với tiếng Việt có bốn ngàn năm văn hiến này rồi"

      Delete
  11. Huyền Nguyễn11 March 2013 at 23:29

    Tôi cũng thấy khó lọt tai với những chữ người VN trong nước hay lạm dùng , như một người bạn kể tôi nghe "nổi bức xúc " khi cô người yêu không chịu chọn một chiếc máy ảnh " khủng ", cho nó " hoành tráng "lên! Tôi nghe xong....cũng " bức xúc " luôn dùm cho người bạn của tôi . Hay giả dụ khi nghe người phát thanh viên trên đài SBS đọc tin dùng chử " động thái " là tôi lại cứ nẫy người lên như bị động kinh hay ít thì cũng thót người như bị kim chích ! Đồng ý là ngôn ngữ sẽ phát sinh và thay đổi theo thời gian , theo nhiều yếu tố khác nhưng cách sử dụng chữ như hiện nay thật khó chấp nhận , nó méo mó, tối nghĩa và lập dị . Không biết các anh chị có cùng suy nghĩ như tôi chăng?

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.