Saturday 24 November 2012

Dạy con


Hai từ nay xem ra rất ngắn, nhưng lại là nỗi suy tư đau đáu dài lâu của các bậc làm cha mẹ. Những ai đã, đang và sắp làm cha mẹ mà không nghĩ "Làm thế nào để nuôi dạy cho con nên người?"
Câu hỏi rất khó trả lời, bởi cha mẹ sinh con trời sinh tính. Thế nhưng (lại chữ "nhưng" quái ác) các cụ ngày xưa có câu "Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ (điều này không hợp thời nữa rồi) từ thuở bơ vơ mới về".


***

Chúng ta, những bậc cha mẹ đầu đã hai thứ tóc, tuổi đã ngấp nghé sáu bó, bây giờ ngồi nhìn lại chặng đường đã đi qua hẳn cũng phải ít nhiều suy nghĩ: Cách dạy con của mình là đúng hay sai?

Có nhiều vị dạy con thật là cứng rắn và không nghĩ đến cảm nhận của con trẻ, cũng giống như bà chị dâu và cô em chồng của tôi, con cái họ lúc nào cũng phải "Học, học, học, học". Câu nói mà có lẽ con của các ngài ấy nghe như tụng kinh là:
- Mày thấy con người ta không? Lo mà học đi cho bằng con người ta.
Trên đời này con nào cũng có mặt mũi, chỉ riêng "Con người ta" thì không biết ở đâu? Hình dáng như thế nào. Đôi khi tôi thấy tội nghiệp và thương xót cho những đứa trẻ ấy. Ngoài giờ học ở trường là học thêm nào là: Kumon, piano, violin, bơi, gymnastic, võ, Maths, English, vân vân, và vân vân.

Vậy thì thời gian nào để cho tuổi thơ của chúng? Còn nhỏ thì học kèm luyện thi vào trường selective, hoặc học kèm để lấy scholarship. Lớp 10, 11, 12 thì học kèm luyện thi VCE. Vậy thì thầy cô ở trường để làm gì? Chúng có thật sự sống với tuổi thơ của chúng không?

Tôi có một chị bạn. Hai vợ chồng lớn tuổi mới có một mụn con trai, chồng là giảng sư Đại Học, rất giỏi, vợ là giáo sư Toán High School. Con của họ ngay từ bé đã được ép vào khuôn khổ. Nghĩa là... học.. học... học.. 
Cháu ấy được học bổng và năm nào cũng được award của trường. Môn piano của cháu thì đã có bằng đủ để đi dạy. Cuối năm 12, cháu đạt điểm ATAR 99. 89. Thế mà anh chị ấy cũng cảm thấy chưa hài lòng. Họ muốn đứa bé phải đạt điểm ATAR tối đa để lấy học bổng ở đại học. Bây giờ cầm mảnh bằng y trong tay, cháu vào làm việc trong bịnh viện một ngày 14, 15 tiếng đồng hồ. Tôi tự hỏi "như vậy là cuộc sống của con người đó sao?".
Có nhiều lúc ngồi trò chuyện, tôi thấy cháu ấy đôi khi biểu hiện không được bình thường. Thỉnh thoảng suy nghĩ gì trong đầu rồi cười một mình. Thật là tội nghiệp! Đã được bằng hoặc hơn "con người ta" rồi, rốt cuộc thì cháu được gì?

Có nhiều bậc cha mẹ cũng vì muốn cho con bằng với "con người ta", nên hễ ai có PlayStation nào là con mình có cái đó, ai có món đồ chơi nào xịn là con mình cũng phải có cái đó (mặc dù chạy ăn bở hơi tai). Thế rồi con chơi games thì ra lịnh "chưa làm xong homework thì không được chơi". Đứa bé ngồi làm bài mà nước mắt ngắn nước mắt dài. Đầu óc để cả vào cái PlayStation. Một chữ cũng chui không lọt vào óc.
Cho đến khi quen biết với bạn bè, cha mẹ  dòm ngó, lựa chọn, giới thiệu con bà A, con bà B. Con bà nào cũng tiến sĩ, thạc sĩ. Nó nghe lời thì cuộc đời nó không có tình yêu. Nó không nghe lời, chạy theo tình yêu của nó thì các vị đó mặt ủ mày chau. Các vị nghĩ: uổng công xúc tép nuôi cò; đến khi cò lớn, cò lò dò đi.


***

Một người quen với tôi cũng trong tình trạng muốn con lấy chồng theo ý cha mẹ. Cho đến một ngày nó chịu không nổi nên đã tự định đoạt hướng đi của mình. Vì sĩ diện anh chị ấy từ bỏ đứa con gái tội nghiệp này. Đến khi nó cô ấy có hai ba đứa con thì dắt díu nhau về thăm ông bà ngoại. Nhưng giữa cha mẹ vợ và chàng rể vẫn có điều lấn cấn.

Thiển nghĩ: ở xứ Úc tự do này bậc làm cha mẹ như chúng ta chỉ chuẩn bị cho con một số vốn kiến thức làm nền tảng cho tương lai của con cái sau này; cho nó một số kỹ năng phù hợp với đời sống thực tế. Chúng ta làm bạn đồng hành, cùng con đi song song trên con đường của con đi. Nếu con có ngã thì mình chạy đến đỡ con dậy. Con có ngã thì nó sẽ "learn from mistakes". Chúng ta không thể một tay che trời: muốn con làm gì thì con phải nghe theo.
Cha mẹ ở đây được xem như một người bạn (để con ngang hàng tâm sự), một người thầy (để con học hỏi), một người yêu (để con thủ thỉ những điều thầm kín).


***

Kim tôi xin đề nghị đôi điều thực hành:
Mẹ con.
 (Hình lấy từ Dreanstime.com)
* Ngay từ khi đứa bé chỉ mới 3, 4 tuổi, nếu nó làm bạn không đồng ý, hãy bắt ghế ngồi đối diện, từ tốn nói chuyện với con cho nó hiểu ra nó đã làm sai điều gì, đặt câu hỏi với lỗi lầm của nó để nó nói ra, hơn là mình nói ra mà nó không hề nghe. ĐÓ chính là người BẠN.
* Ngoài giờ học ở trường cùng con đi dạo, đi bơi, chơi vài môn thể thao thích hợp, vừa tốt cho sức khỏe của mình vừa tốt cho con, hơn là ép nó phải đi học thể thao một mình nó.
* Nếu con khóc (cho dù là bao nhiêu tuổi, cho dù là trai hay gái) cũng nhẹ nhàng ôm con vào lòng, cho nó mượn vai để khóc, vỗ về, thương yêu, hơn là bạn hỏi "Tại sao con khóc". Khi đứa bé cảm thấy nó có thể trút hết nỗi niềm với bạn, tự nó sẽ nói, tuyệt đối không hỏi con hai chữ "Tại sao?". Đó là bạn đã tôn trọng và yêu thương nó.

Con mình là một CON NGƯỜI, bạn hãy cho nó quyền làm NGƯỜI. Tuyệt đối không bắt buộc con, mà chỉ HỎI con có muốn thế này... thế kia... không? Và chờ câu trả lời. Tập cho con suy nghĩ bằng những câu hỏi (mà cũng là ước muốn của bạn). Hướng con đi hơn là ép con đi.
Tản mạn nãy giờ cũng chỉ là cách dạy con của KIM tui thôi.
 Quý vị có cách nào khác nữa thì gửi lên blog Việt Luận để chúng ta cùng học hỏi mà dạy..... con...... kiếp sau....
Kính chào

Kim Nguyễn

5 comments :

  1. Tác giả có rất nhiều ý kiến hay,rất hay để chúng ta hướng dẫn con cái vào đời . Tôi nghĩ ,nếu tôi chỉ cần thúc hiện được 50% những điều chị KN nêu ra là đã happy rồi.
    Hoàn cảnh gia đình,nghề nghiệp của cha mẹ...ảnh hưởng ít nhiều đến sự trưởng thành hay chọn nghề của các con...
    Rất đồng ý với tác giả ," Hướng con đi hơn là ép con đi" thời đại Digital tôi thường hướng con đi bằng Emai,hay qua Facebook vậy mà có tác dụng tốt quí vị ơi...

    ReplyDelete
  2. Cám ơn chị Kim rất nhiều, con em bước vào tuổi Teen , em đang đau đầu với nó đây, nhờ chị cho em lá bùa này hy vọng em có thể hướng dẫn nó đôi chút, đa tạ chị nhiều lắm

    ReplyDelete
  3. Ở tuổi teen thì con gái rắc rối nhiều hơn con trai gấp bội...chờ chuyên viên tâm lý KN chỉ mánh ....please, please...

    ReplyDelete
  4. Sẽ có bài về Teen , xin quý vị nhớ đón coi ,hì hì,

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hi cô Kim Nguyễn,
      Cám ơn cô chia sẻ kinh nghiệm làm cha mẹ. OG chờ đợi bài về 'xì-tin'.
      OG3T

      Delete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.