Thursday 25 October 2012

THUẾ và THUỐC



Ai trong chúng ta cũng đều biết tác hại của thuốc lá. Thuốc lá tác hại nặng nề đến lá phổi. Người hút thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp nhiều lần người không hút thuốc. Chúng ta biết điều đó, giới y tế lo lắng về điều đó, nhưng chỉ có chính phủ có thẩm quyền xen vào điều đó.

Hơn 1 thế kỷ nay kỷ nghệ thuốc lá phát triển mạnh. Các công ty sản xuất thuốc lá làm giàu to và phát triển liên lục địa. Kỷ nghệ thuốc lá phát triển, con số tử vong vì thuốc lá cũng tăng theo. Chính phủ biết điều đó. Nhưng ở xứ tự do như Úc đây, họ không thể đột nhiên đóng cửa các cơ sở sản xuất thuốc lá được. Chỉ có cách “chặt tay chặt chân” các cơ sở nầy. Hơn mấy chục năm rồi, các câu lạc bộ thể thao đã không được phép nhận sự tài trợ tài chánh từ các công ty thuốc lá. Hợp lý thôi, chẳng lẽ thể thao để rèn luyện cơ thể, lại đi quảng bá cho sản phẩm làm hại sức khỏe? Kế đến thuốc lá không còn được quảng cáo trên tivi, radio và báo chí. Mặt khác chánh phủ tăng tài trợ cho tổ chức Quitline, một tổ chức giúp những người nghiện thuốc ra khỏi khổ ải nầy. Chính phủ còn đặt ra nhiều đạo luật cấm hút thuốc nơi công cộng.

Chưa dừng lại ở đây, chính phủ còn dùng đến chính sách thuế khóa. Một viên đạn giết hai con chim. Thuế làm sản phẩm nầy đắt hơn, hy vọng làm ít người tiêu thụ hơn. Và lấy tiền thuế phụ thu từ thuốc lá tài trợ cho bệnh viện và chi phí y tế. Vì khi người hút thuốc bị bệnh là phải mò vô bệnh viện chữa trị....làm chi phí y tế tăng lên. Từ nhiều năm nay, một gói thuốc từ nơi sản xuất giá khoảng 9 Dollars, chánh phủ đập thêm 9 Dollars nữa ! Khi gói thuốc đến tay người tiêu thụ, họ phải trả khoảng $ 21 hay $ 22 . Và thứ Ba tuần nầy (23/10/12 ) trong dự thảo ngân sách mới, chánh phủ sẽ tăng thuế thuốc lá lên thêm 25 % nữa …..Nếu xét về số lượng bạn thấy tiền thuế vào tay chính phủ thật là to tát. Chính phủ làm thế cho cháy túi mà không cháy phổi dân hút thuốc.
Thế mà các hãng thuốc lá vẫn còn hoạt động như bình thường, giới trẻ vẫn còn lao đầu vào thuốc lá. Bây giờ chính phủ tiến tới việc kiểm soát in ấn của bao thuốc lá, không được in hình màu mè quyến rủ. Chỉ để trơn trụi (plain packaging). Đến giai đoạn nầy các công ty thuốc lá không còn ngồi yên nữa. Họ so găng...Họ nêu ra một điều không công bằng rõ rệt: rượu và thuốc lá đều là các sản phẩm mang những chất không tốt cho sức khỏe. Rượu bia còn được phép quảng cáo, bao bì của rượu bia còn in ấn rất ư là lôi cuốn! Thế mà chỉ riêng thuốc lá bị đưa lên bàn mổ. Sự việc đã được đăng đường tại tòa án tối cao Úc . Chính phủ đã thắng và tháng 12 sắp tới, Úc sẽ là nước đầu tiên trên thế giới không cho phép in màu mè trên gói thuốc là nữa.

Riêng ở Mỹ, mấy chục tiểu bang ở Mỹ họp nhau lại kiện các công ty thuốc lá. Các luật sư của chánh phủ Mỷ đã chứng minh trong thuốc lá có nhiều hóa chất gây nghiện và gây ung thư. Những công ty thuốc lá thua kiện và chấp nhận trả chính phủ Mỷ mấy chục tỷ đôla chia ra trong mười năm.

Câu nói của ông Michael Bloomberg, thị trưởng New York, rất ư là chí lý: “Business is a dog-eat-dog world, and government is just the opposite.” Những công ty thuốc lá cũng làm business, cũng tạo ra công ăn việc làm, cũng đóng thuế.Và chính phủ cũng làm business của họ. Mà business của chính phủ không phải ở trong  dog-eat-dog world, mà đặt trọng tâm ở việc bảo vệ sức khỏe của người dân.

Ý kiến bạn như thế nào?
Các bạn đang ghiền thuốc lá nghĩ gì?

BEN TRẦN
25/10/2012

5 comments :

  1. Tôi có một cửa hàng retail nho nhỏ,Có một điều tôi nhận thấy là cho dù chính phủ đã làm đủ mọi cách để giảm bớt người hút thuốc, nhưng họ vẫn hút,trước kia một bao thuốc nhỏ giá 8 đô,một ngày một gói,bây giờ 14 đô cũng một ngày một gói, bao thuốc la xinh đẹp một ngày một bao,giờ bao thuốc nhìn xấu xí cũng ngày một bao, tôi không nhìn thấy sự thay đổi ở người hút, chỉ cảm thấy chính phủ tiền thuế thì vẫn lấy bỏ vào kho nhưng càng ngày càng chen vào sự tự do của dân chúng một cách thái quá.Khi những ai đó cảm thấy đã đến lúc bỏ thuốc thì họ tự nhiên sẽ bỏ chẳng phải vì thuế cao hay vì bao thuốc xấu mà họ bỏ.Tôi không hoan nghênh hay ủng hộ hút thuốc nhưng cũng không ủng hộ cái mà chính phủ cho là bảo vệ sức khỏe của người dân,nếu đã cấm in hình trên bao thuốc thì cũng nên cấm in hình đẹp đẽ trên chai rượu bởi sụ tác hại từ alcohol cũng khong kém. những người hút thuốc đếu đã trên 18 tuổi và họ chịu trách nhiêm chuyên của mình làm, chính phủ càng ngày càng giông như một bà bảo mẫu khó tính.Tôi thật sự không đồng ý với cách suy nghĩ của chính phủ , hơi quá đáng.

    ReplyDelete
  2. Chánh phủ càng ngày càng giống như bà bảo mẫu khó tính...đồng ý .!bảo mẫu khó tính các con càng khá hơn....cá nhân tôi nhận thấy nước Úc sử dụng tiền thuế của người dân hiệu quả nhất....

    Ben Tran

    ReplyDelete
  3. Vâng chính phủ xử dụng tiền thuế của dân như thế nào thì đã có dân chúng và ban ngành phê duyệt, chỉ xin ông,bà chính phủ cho dân nhẹ thở một chút mà thôi,đừng như cộng sản nay cấm điều này mai cấm điều khác, nay ban luật này mai ban luật khác, kiếm phiếu thì cho 5000 hổ trợ sanh đẻ ,diều này khiến cho nhóm chích choác đẻ hàng loạt để có tiền chích,dân tình è cổ đi làm nuôi bọn trẻ,đến khi ngân khố nợ hàng tỷ đô thì cắt tiền trợ đẻ xuống còn 3000, nay mai kiếm phiếu không biết lại cho tiền gì nữa.chính phủ quay dân như quay bông vụ.Pharmacy có chương trình Methadon dân đi làm đóng thuế để mua Methadon cho bọn xì ke uống drug hợp pháp,một cặp vợ chông xì ke mỗi ngày vào uống thuốc đẻ 7 đứa con lãnh 35000 tiền của dân đóng thuế mà con cái thì nhếch nhác nghèo đói, nhìn thấy mà buồn cho tương lai thế hệ sau này.

    ReplyDelete
  4. Đề Tài này của chú hay quá

    ReplyDelete
  5. Cám ơn nhé . Người đọc thấy thích là người viết thêm vui . Bạn nên giới thiệu đến bạn bè tham gia...để OG3T và người viết thêm phần hứng khởi...
    Ben tran

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.