Thursday 24 July 2014

Cánh tả và cánh hữu trong tiệm rượu Úc


Hồng Lĩnh::


Úc đang giữa mùa Đông. Trời se lạnh. Nếu bạn đọc ở về mấy tiểu bang phía Nam, trong những ngày này, ngồi bên lò sưởi, cầm ly rượu trong tay, nghe tiếng củi lửa tí tách bên tai, thỉnh thoảng nhấp một chút hơn men. Ôi! đời lên hương.
Hơn mấy chục năm sống tại đây, dường như người mình không những biết uống bia VB mà còn theo dõi những trận Rugby League, AFL. Khi Úc đá State of Origin hay quần thảo tại Australia Open, thì đầu đen không những chen vai thích cánh trong các club mà còn lui tới nhiều tại văn phòng TAB. Gần đây, dường như người mình còn rất sành điệu khi cầm trong tay chai rượu khi bước vào nhà hàng BYO hay tham dự tiệc tùng.


Không dám múa rìu qua mắt thợ, trang Gia Đình & Đời Sống xin phép bắt đầu loạt bài “Nói hươu nói vượn về rượu mà chơi” để góp thêm lời bàn ra tán vào với tửu hữu đọc báo Việt Luận.

Tuần này, Hồng Lĩnh xin mời bạn đọc làm một chuyến dế mèn phiêu lưu vào tiệm rượu mà chơi.


Hai cánh tả hữu trong tiệm rượu Úc
(Hình hotelmclaren.com.au)
Cánh tả và cánh hữu trong tiệm rượu
Tiệm rượu bao giờ cũng đặt quầy tính tiền án ngữ ở lối ra. Chắc là để chủ chào hỏi tửu hữu tứ phương chớ không có ý gì khác hơn. Vào tiệm rượu, ta không nên chú ý nhiều quá tới người đứng bán. Đừng luỵ cô hàng rượu mà nản lòng chiến sỹ. Hãy hiên ngang xông vào chốn gươm đao này.

Tại Úc, trước đây người ta mua rượu như thể đổ xăng. Tiệm rượu có chỗ đậu xe và “drive in” như cây xăng. Mấy năm gần đây, người Úc mua rượu cùng một lúc mua thức ăn. Các hệ thống siêu thị như Coles, Woolworths, Aldi cho tới siêu thị địa phương như IGA đều có giấy phép bán rượu. Ấy là chưa kể đến các tiệm rượu treo bảng “Local” thường nằm gần bên McDolnald’s, Domino hay Pizza Hut....
Bỏ ra bên ngoài mấy thùng bia ồ dề dành cho dân “vai u thịt bắp”, rượu bao giờ cũng được coi là thức uống của người sang. Sang mới uống ruợu. Nhưng uống rượu chưa chắc đã sang, à nghen.

Gần hết tiệm rượu ở Úc đều chia các chai rượu làm hai cánh tả và hữu. Ví như hai mũi tấn công trên sân bóng tròn. Cánh nào cũng ngổn ngang súng đạn như những viên đại bác. Viên nào cũng màu mè nhãn hiệu. Mời bạn vào cánh hữu, cần nhẹ một chai rượu lên. Sau đó lê thân rồng sang cánh tả, xách một chai lên. Gần như chắc trăm lần như một: hai chai rượu đó có thể dán nhãn giông giống nhau nhưng bên trong một chai chứa rượu đỏ và chai khi là rượu trắng (hay rượu vàng khè khè).

Rượu đỏ và rượu trắng là hai thứ chính trong một tiệm rượu Úc. Bên cạnh hai thứ chính đó, lại còn có thêm vài thứ... chính khác nữa, và thường được sắp ở phía đuôi hay sát tường của tiệm rượu: đó rượu bình, rượu bịch, rượu mạnh, rượu Port, rượu Champagne....

Uống rượu Úc cũng như bồ bịch

Trong thế giới ngổn ngang này, bạn đọc hỏi nên mua chai nào? Câu trả lời là: xách đại một hai chai uống thử. Thích chai nào thì để dành cái vỏ và lần sau trở lại xách đúng y chang chai đó.

Rượu ta ta uống, bồ ta ta nghía. Đừng nghía bồ hàng xóm là êm.

Uống rượu cũng như bồ bịnh hay lấy vợ lấy chồng vậy. Thương người nào thì bồ người ấy. Duyên nợ với bồ nào thì rước bồ ấy về mà tôn lên bàn thờ mà thờ. Ta cặp bồ hay lấy chồng - dù người ấy có đui mù sức mẻ và thiên hạ rần rần can ngăn -- đường ta ta cứ đi. Uống rượu cũng thế. Rượu ta ta uống, bồ ta ta nghía. Đừng nghía bồ hàng xóm là êm.

Rượu ngon ở trong cổ họng của ta chứ không ngon vì giá tiền cao, không vì chai có nhãn đẹp hay cái tên mà ai ai cũng ca tụng. Và đây là nguyên tắc tối thượng của dân uống rượu.


Rượu đỏ và rượu trắng

Khi xách đại vài ba chai rượu từ tiệm Úc về uống thử mà chơi, bạn đọc nhanh chóng nhìn thấy nước rượu có hai màu đỏ, trắng.
Gọi là đỏ nhưng cũng có nước rượu đỏ lạt, đỏ au, cho tới đen lòm. Còn gọi là trắng nhưng có thứ trong veo như rượu đế của ta mà cũng có chai vàng nhạt, vàng thau cho tới vàng sệt như màu mật ong. Tuy nhiên, vì những người bạn của Lưu Linh bao giờ cũng dễ tính nên chỉ phân chia rượu làm hai thứ “rượu trắng” và “rượu đỏ” cho tiện việc sổ sách.

Phân chia rượu thành hai thứ “rượu đỏ” và “rượu trắng” vì chúng được ép từ hai thứ nho khác nhau. Khi loạt bài “Nói hươu nói vượn” này nói tới rượu thì chỉ thứ rượu ép từ nho được uống khi dùng bữa ăn.
Ta tạm gác những thứ rượu nồng từ bắp, như Whisky như thứ “ông già chống gậy / một tay cũng đánh /một gậy cũng đi”, hay những chai Hennessy vàng ròng thường được chàng trai hào hiệp cúng tặng... bố vợ tương lai. Xin tạm thời để yên trong tủ những chai, vại, bình rượu thuốc “nhất dạ ngũ giao” của hoàng đế Minh Mạng, hay rượu cắc kè (thường được ngâm với 2 con cắc kè trống mái rồi thêm sâm, kỳ tử và cất kỷ đủ 100 ngày mới khui), rượu bìm bịp (ngâm nguyên con bìp bịp!), rượu rắn độc Lệ Mật loằng ngoằn trong chai một chú rắn như thể đang bò lợn cợn...

Ngoài ra, xin cung kính nhi viễn chi mấy chai rượu ngâm gấu khủng khiếp. Không phải ngâm mật gấu mà là trong bình nguyên một con gấu đủ lông lá chân dò trông đã phát khiếp. Sau cùng, những chai rượu hiền hoà khác như rượu gạo, rượu nếp, nếp than, rượu chuối, xoài, ổi, sầu riêng... thì cũng tạm để dành cho tới kiếp sau.

Nho đỏ nho xanh ép ra rượu đỏ rượu trắng

Ta tạm thời chỉ nói rượu nho và đặc biệt rượu nho đang bày bán tại Úc.

Chai rượu đỏ như thế này đã làm bay chức một thủ hiến tại Úc

(Hình cellerit.com.au)
Rượu nho được ép từ trái nho: Biết rồi nói mãi! Tuy nhiên, trái nho ở Úc bán trong siêu thị Úc thì có hai màu: đỏ và... xanh. Nói chung, nho vỏ đỏ ép thành rượu đỏ; còn rượu trắng ép từ nho .... trắng. Úi cha! Xin lỗi, làm gì có nho trắng nen ép đỡ nho xanh.

Đi sâu vào chi tiết, nho đỏ cũng có chục thứ đỏ và nho trắng cũng thế. Vì nho khác nhau nên rượu cũng có nhiều loại.

Nho ở Úc thường được lấy giống từ châu Âu. Giống Vitis Vinifera ở châu Âu được coi là ngon hơn giống ở Châu Mỹ. Hơn nữa, nhờ tiến bộ trong ngành kỹ thuật sinh học, người ta tiếp tục cho lai nhiều giống nho mới, nên càng ngày càng xuất hiện nhiều thứ rượu mới.
Trước đây ở Pháp chỉ có nho Cabernet Franc và Sauvignon Blanc, sau này người ta pha hai giống nho trên mà thành Cabernet Sauvignon. Ngày nay, rượu Cabernet Sauvignon được coi thịnh hành hơn hai thứ rượu cha mẹ của nó.


Nếu bà xã ông là người Việt Nam thì ông phải thủ vài chai trắng Riesling: rất hữu dụng, à nhe!

(Hình selectormagazine.com.au)
Nhìn chung trong tiệm rượu Úc, chai đỏ thường ép từ giống Shiraz, Cabernet Sauvignon, Pinot Noir, Melot, Grenache...; và hổn hợp các thư nho trên mà thành Cabernet Shiraz, Shiraz Grenache Viognier, Shiraz Melot, vân vân. Các chai trắng thường có in tên nho ép ra chúng như: Chardonnay, Riesling, Sauvignon Blanc, Pinot Gris & Grigio, Semillon, Viognier, Traminer, Verdelho...; hay hổn hợp nhiều thứ nho mà thành Semillon Viognier, Semillon Chardonnay, Chardonnay Verdelho, Semillion Sauvignon Blanc, vân vân.

Ngoài những giống nho bề thế kể trên, ngày nay người ta thấy xuất hiện nhiều “dị bản” của giống nho chính tông như Sangiovese, Barbera, Arneis, Nebbiolo, Lagrein, Marsanne, Roussanne và Rondinella. Riêng tại Tasmania đang nổi lên giống nho Albarino. Albarino từ Tamar Ridge.
Albarino là giống nho lai tạo từ giống cha mẹ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mà ra.
Với mục đích góp thêm lời bàn ra tán vào với tửu hữu đọc báo Việt Luận về chuyện uống rượu, Hồng Lĩnh mong nhận được ý kiến, thắc mắc và lời bàn thêm của bạn đọc. Bạn đọc có thể liên lạc với Hồng Lĩnh tại HongLinh.Vietluan@gmail.com hay info@vietluan.com.au hay nhờ rùa bò bưu điện chuyển thư về
Tòa soạn Việt Luận
P.O. Box 99
Bankstown, NSW 1885
Hồng Lĩnh

Lần sau: Uống rượu theo kiểu Úc: phụ xướng phu tòng
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.