"Hàng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường."
Chắc nhiều bạn đọc biết
đọan văn trên của nhà văn Thanh Tịnh. Riêng tôi cái
ngày đầu cắp sách đến trường không có cái vẽ đẹp nên thơ như
Thanh Tịnh đã viết mà thật là rối rắm.
Tôi còn nhớ:
khi đó đã lên năm hay sáu chi đó, cả ngày chơi lêu lỏng.
Cho đến một hôm vào buổi tối trước khi tôi đi ngủ ba mẹ dỗ
dành: "Con đã lớn... con phải đi học.
Nay con đã có hai em (một trai và một gái) nên con đi học để làm
gương cho các em.."
Tôi nào có thích cái
chuyện đi học.
Long nhong chạy chơi với lũ trẻ cùng xóm chẳng phải vui hơn
sao? Nhưng nghe ba mẹ nói quá tôi cũng xiêu lòng nhưng với
một điều kiện là ba tôi phải chở tôi đến trường bằng chiếc xe
Mobylette của ông mới đặng.
![]() | |
Xe Mobylette (Hình do tác giả lấy từ Internet) |
Gì chớ đó là chuyện
nhỏ đối với ông vì bạn đọc có biết chăng, nhà tôi chỉ cách trường
chưa đầy một trăm thước. Đó là trường mẫu giáo cho cả trai và
gái độ. Trường có khoảng bốn năm chục học sinh gì
đó. Ngôi trường mà thường ngày tôi vẫn chạy chơi ngang đấy mà!
Thế là sáng hôm sau,
khi ba mẹ chuẩn bị quần áo cặp sách, tôi leo lên ngồi sau xe của
ba. Ba lấy trớn đạp đi cho máy nổ. Xe chạy không đầy hai phút là
ngừng ngay trước cổng trường. Đám con trai con gái đang giờ chơi vội
chạy đến sát hàng rào trường nhìn tôi chăm bẳm. Tôi quíu quá nói với
ba "Con không đi học đâu".
Ba dỗ tôi bảo xuống
xe để ba đưa vào lớp gặp cô giáo. Ông nói cách chi tôi vẫn không
xuống. Tôi nắm cái yên xe chặt khừ. Có gỡ cũng không ra.
Thế là ông đành
chở tôi về nhà với lời hăm he đủ thứ. Ngay tối đó cả nhà -- từ ba
mẹ đến anh chị -- đều lên tiếng vừa thuyết phục vừa dọa nạt buộc tôi
phải đi học. Khi không thấy còn đường nào thoát khỏi đi
học tôi ra một điều kiện khác "Mỗi ngày tôi đi học phải có
anh hay chị đưa tôi đi và phải vào trong lớp ngồi cùng với tôi. Nếu
không tôi không đi".
Thế là ngày hôm sau tôi
cắp sách đi học vào lớp với ông anh lớn đi hộ tống và cũng là
“học sinh bàng thính của lớp mẫu giáo”.
Cô giáo sắp cho anh tôi
ngồi ở bàn cuối lớp, tôi ngồi gần dãy bàn trên gần cô giáo. Ngồi tập viết
thế mà cứ năm phút tôi quay cổ lại nhìn xuống sau lớp xem anh tôi còn
ngồi đó không, nếu còn tôi vẫn yên tâm học!!! Ngày kế tiếp đến phiên
chị tôi, được đâu chừng hai ba hôm chi đó thì có chuyện xảy ra,
anh chị tôi cũng phải đi học, cũng có bài vở phải làm. Ai đâu mà
cứ theo tôi vào lớp mẫu giáo làm học sinh bàng thính hoài được . Thế
là khi tôi đang tập đồ, anh hay chị tôi lẻn theo cửa sau mà về nhà.
Khi quay lại tôi chẳng thấy bóng dáng anh chị đâu.
Vậy là có chuyện.
Tôi quẳng viết lên bàn,
chẳng có đồ viết chi nữa. Cô giáo nói cách chi cũng tôi không nghe, không
làm. Cô đành bỏ mặc tôi ngồi đó...
Chuyện chưa
hết ở đây, một đỗi sau con bé ngồi cạnh thầy tôi "tịnh khẩu
như đồng" mới lên tiếng bảo tôi cầm viết lên mà viết. Thế là tôi cầm
cây viết chì lên: nhưng không phải để viết mà là đâm cho con bé một
phát vào mặt. May mà không trúng mắt. Con bé khóc òa và cô giáo chạy tới
phạt tôi mấy thước kẻ vào tay và bắt ra ngồi cuối lớp chờ anh
chị tôi đến đón.
Về nhà, hẳn
bạn đọc đã biết kết quả ra sao? Tôi ăn no đòn. Từ đó
tôi mới chịu đi học và vào lớp một mình.
Mấy mươi năm đã
qua mà tôi vẫn nhớ ngôi trường mẫu giáo năm xưa. Ngày
nay, tôi tự hỏi: tại sao mình lại kỳ cục đến như vậy?
Chuyện nghĩ lại thật buồn cười! Nhưng dù sao đó cũng là
chuyện của "ngày xưa còn bé".
Sơn Lư