Chắc bạn đọc còn nhớ: hồi lâu lâu rồi cánh chim sải cánh Kim Nguyễn của blog Việt Luận tha một viên ngọc quý từ... Huê Kỳ về cho bà còn Miệt Dưới mình thưởng thức. Đó là truyện ngắn “Tình vẫn trao em” của Vũ Ngọc Văn.
Tác giả cho thấy khoảnh thời gian mấy chục năm vẫn chỉ rất ngắn ngủi vì cố nhân “ba mươi năm tình cũ” không rủ cũng về bên gang tấc. Và trái đất này rất nhỏ nhoi vì người tưởng ngàn trùng cách xa cả một Thái Bình Dương rổi một hôm vẫn ngồi chung bàn bên nhau ngay tại Úc. Bên nhau, nhưng hai người yêu cũ nay đều chắp cánh với người khác. Chàng được “sắp xếp ngồi chung bàn với vợ chồng nàng, [...] phải gượng vui đóng vai họ hàng nói cười tự nhiên như người trong nhà”.
Truyện ngắn này gần gủi và hay nên được đông bạn đọc blog Việt Luận tìm đọc. Từ tháng Sáu đến nay đã có hơn 200 lượt người đọc truyện “Tình vẫn trao em” trên blog Việt Luận.
Trái đất thêm một lần nữa vẫn tròn khi tác giả Vũ Ngọc Văn tình cờ bắt được đứa con tinh thần của mình rong chơi trên blog Việt Luận. Nhờ cái duyên này, hôm nay blog Việt Luận hân hạnh được tác giả kết duyên văn nghệ.
Tác giả Vũ Ngọc Văn viết email cho Og3t:
“Để kết tình duyên văn nghệ, tôi mới lục trong kho bài viết mới nhất của tôi (viết hồi tháng 5/2013) chuyển đến trang mạng của anh. Bài viết này tạm gọi là truyện ngắn, nhưng tác giả không dám hư cấu chút nào vì viết về chuyện tình của mấy ông lớn Hải Quân VN mình ngày trước.”
Chỉ một chữ “mình” trong email này đã cho thấy tình nghĩa của tác giả với binh chủng, quân đội và đất nước cũng như với người Miệt Dưới chúng ta.
Blog Việt Luận xin cám ơn tác giả Vũ Ngọc Văn và mong được tác giả góp thêm một tay với.... blog mình nghen.
Og3t
Vũ Ngọc Văn::
Có lẽ không ít quý hạm trưởng ngày xưa trong Hải Quân Việt Nam cảm thấy nhột nhạt khi đọc tên truyện ngắn này, khẽ liếc phu nhân ngồi cạnh rồi rủa thầm: “Thằng em mình hôm nay cạn đề tài để viết hay sao mà viết chuyện quái quỷ gì đây? Không biết có mình trong truyện của nó không đây?”.
Mà đúng vậy, đã từ lâu tôi cạn nguồn cảm hứng khi viết về đề tài lính biển vì đã hơn 38 năm qua xa con tàu, xa vùng biển mẹ, xa quê hương. Những kỷ niệm xa xưa của một thời quân ngũ chỉ còn lại những hình ảnh chập chùng trong ký ức. Viết văn có thể ví như làm kiếp con tằm, được ăn dâu rồi mới nhả tơ, bây giờ lá dâu không còn để ăn nữa thì lấy gì mà nhả tơ đây?!
Sinh viên sỹ quan Hải Quân tại quân trường Nha Trang (Hình do tác giả cung cấp) |
Có lẽ vì tình yêu mến quê hương đậm đà cùng tài văn chương diễn đạt lôi cuốn của ông đã làm cho Nha Trang một nét đẹp quyến rũ tuyệt vời. Ngoài ra Nha Trang là thành phố của lính nhờ địa thế, khí hậu thích hợp nên đã tập trung rất nhiều quân trường như Không Quân, Hải Quân, Lực Lượng Đặc Biệt, Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế cùng huấn khu Dục Mỹ nên những ngày cuối tuần tràn ngập cảnh các khóa sinh đi trên các đường phố. Đẹp nhất vẫn là các khóa sinh Hải Quân với quân phục tiểu lễ trắng tinh đi bờ sánh bước bên cạnh các giai nhân trên các con đường Duy Tân, Độc Lập. Đây cũng là dịp cho các sĩ quan tương lai thực tập bài học ở quân trường khi sánh vai cùng các người đẹp Nha thành: “an officer and a gentleman” khi còn trong giai đoạn làm nòng nọc chưa đứt đuôi. Bây giờ đã 40 năm qua xa rời trường mẹ, có người đã 50 năm dài hoặc 60 năm từ khi thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang của một thời xa lắc xa lơ ấy, các chàng thủy thủ tập sự năm xưa hoặc các chàng sinh viên sĩ quan một thuở, có thấy lòng bồi hồi khi nhớ về mái trường xưa còn ghi những dấu chân kỷ niệm của một tình yêu đầu đời:
Thôi đã tan rồi vạn gót hương
Của người đẹp đến tự muôn phương
Tan rồi những bước không hò hẹn
Đã bước cùng ta một nẻo đường.
(thơ Xuân Diệu)
Các bạn một thời cùng học quân trường Nha Trang còn nhớ chăng những ngày cấm trại trực gác với các bóng hồng ghé thăm dập dìu nơi phòng tiếp tân. Hay là trong những đêm dạ vũ liên hoan, những dịp lễ lạc, những đêm lễ mãn khóa tốt nghiệp đã dìu giai nhân ra sàn nhảy cùng nhau vũ khúc nghê thường:
Ánh đèn tha thướt,
Lưng mềm não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn gửi cánh tay hờ
***
Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai phai dần
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân,
Siết đôi tay, ngã đôi thân,
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió...
(Say – VŨ HOÀNG CHƯƠNG)
Các bạn khóa sinh Hải quân năm xưa còn nhớ chăng những dịp mua vé xem văn nghệ tất niên do các trường trung học Nha Trang tổ chức đã cho chúng ta nhiều dịp gặp gỡ làm quen với các cô nữ sinh thời đó. Các cô nữ sinh lớp đệ nhất năm nào đã nhí nhảnh tinh nghịch gọi các chàng lính thủy trẻ măng bằng danh xưng “chú” rồi xưng “cháu” ngọt ngào, làm cho các chàng lính biển mới tò te phải uốn ba tấc lưỡi Tô Tần để thuyết phục các nàng “Đừng Gọi Anh Bằng Chú” như trong bài hát của Anh Thy: “Ông chú ơi! Cô cháu thẹn thùng đôi môi, thôi nhé mình là anh em. Nhưng đừng quên rằng: em anh hay khóc đấy. Ghét anh ghê, khéo nịnh em quá thôi, nói gì thêm nữa đi...”. Cô em đã muốn nghe anh hãy nói nhiều thêm một chút, nhưng mỗi khi nghe rồi lại che miệng cười châm chọc:
Đường nào dài bằng đường Trần Hưng Đạo
Lính nào xạo bằng lính Hải Quân?
Thế rồi đường đời muôn vạn nẻo, các chàng Hải Quân sau khi mãn khóa ra trường rời xa trường mẹ tuy nhiều tình cảm vấn vương nhưng “tình chỉ đẹp mỗi khi còn dang dở”. Nha Trang đã không thể cột chặt chân các chàng trai yêu mộng hải hồ để lại cho lòng ai một trời nuối tiếc lỡ làng. Chỉ có một số nhỏ Hải Quân nhận Nha Trang làm miền quê ngoại vì cưới được người mình yêu. Sau khi ra trường, kẻ thì lên đường đi thực tập với Hạm Đội Hoa Kỳ, người thì tân đáo các đơn vị duyên hải, sông ngòi, người thuyên chuyển xuống các chiến hạm đâu còn dịp nào thăm lại trường xưa. Các sĩ quan ra trường xuống các chiến hạm với đôi vai nặng nề trách nhiệm, được giao phó các chức vụ để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức chỉ huy đến mờ người. Từ chức vụ nhỏ nhất là sĩ quan ẩm thực, tiếp nối dần qua các ngành vận chuyển, trọng pháo, tiếp liệu, nội vụ, truyền tin, hải hành, hành quân... Mỗi chức vụ là một sự học hỏi không ngừng về huấn thị điều hành chiến hạm để trang bị cho mình một kiến thức thuần thục vững vàng để mai sau trở thành một hạm trưởng tương lai. Từ một sĩ quan mới ra trường đến khi trở thành một hạm trưởng phải trải qua nhiều năm trường học hỏi không ngừng, nhưng ở đời “sự học cũng như người chèo thuyền trên giòng nước ngược” nên có học mới có đường thăng tiến. Từ việc học hỏi từ cấp chỉ huy, bạn bè đồng đội, các sĩ quan phải tự mình học hàm thụ khi đứng trong các nhiệm sở vận chuyển trên boong tàu để quan sát cách cặp cầu hay tách bến của hạm trưởng. Mình sẽ quan sát hướng gió, sóng, dòng nước cùng tình trạng kỹ thuật chiến hạm rồi sẽ tính toán cặp cầu hay tách bến như thế nào, máy tiến máy lùi ra sao, các dây cột tàu dài ngắn ra sao, trái độn sẽ nằm vị trí nào cao thấp ra sao,... Sau đó lặng lẽ quan sát cách cặp cầu của hạm trưởng để cuối cùng tìm ra sự khác biệt để phân tích thu thập thêm kiến thức cùng những kinh nghiệm ứng xử để mai này cờ đến tay thì mình sẽ phất đẹp, không tốn nhiều thời gian để học nữa. Dĩ nhiên con đường hoạn lộ để làm hạm trưởng còn dài, còn xa vì còn trải qua nhiều chặng chông gai thử thách nữa. Sau nhiều năm đi biển nếm những cơn biển động, sóng gió dập vùi, những cơn say sóng ói đến lả người nhưng vì trách nhiệm nặng nề trên vai, phải cố gắng đứng vững để chỉ huy trong những phiên trực hải hành, lèo lái con tàu trong cơn bão tố, cùng trau dồi kiến thức hải nghiệp để được cấp trên tin cậy không phải ai cũng dễ vượt qua. Sau mấy năm trường đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới được cất nhắc lên làm sĩ quan đệ tam và được gửi đi thụ huấn một khóa chỉ huy tham mưu, cuối cùng mới được thượng cấp xem giò xem cẳng để chỉ định vào chức vụ hạm phó.
Như thế con đường thăng tiến để được làm một hạm trưởng chiến hạm phải là những sĩ quan Hải Quân ưu tú, có tinh thần kỷ luật, trách nhiệm cao cùng kinh nghiệm hải nghiệp vững vàng mới có vinh dự đeo huy hiệu hạm trưởng trên ngực áo với hàng chữ DANH DỰ - KỶ LUẬT – TÀI ĐỨC. Trong Hải Quân chúng ta, có rất nhiều vị sĩ quan cấp tá, thậm chí một số vị đã mang cấp Đại Tá mà chưa một lần vinh dự mang huy hiệu hạm trưởng trên ngực áo để le lói với đời. Có lẽ vì số lượng chiến hạm có hạn, vì mình không đủ thâm niên hải vụ nên đành cam phận làm kiếp lính biển mắc cạn trên các đơn vị bờ, làm người hùng trên các chiến trường sông rạch...
(Hình do tác giả cũng cấp) |
(Hình do tác giả cũng cấp)
|
Đọc đến đây, có lẽ các vị đàn anh của khóa 11 động lòng vì cuộc đời đi biển của một số vị này cũng oanh liệt chẳng kém ai nhất là các vị khóa 8, có vị cũng từng làm hạm trưởng Tuần Dương Hạm nhưng tính sổ thống kê lại phải công nhận còn thua kém những đàn em mình vì những đàn em này sinh nhằm thời nên được chỉ huy nhiều chiến hạm, còn các vị khóa trên vì thâm niên cấp bậc quá cao nên phải lên bờ nhận lãnh các chức vụ ngồi chơi xơi nước, nhường hạm đội cho các khóa sau vẫy vùng ngang dọc.
Trên mỗi chiến hạm, uy quyền tuyệt đối đều nằm trong tay hạm trưởng, mệnh lệnh từ hạm trưởng ban ra từ hạm phó trở xuống phải triệt để thi hành. Uy quyền hạm trưởng biểu hiện rõ nét nơi đài chỉ huy với chiếc ghế bọc da êm ái, được gắn dính liền với sàn đài chỉ huy, có tay dựa và xoay chuyển vòng quanh chỉ dành riêng cho hạm trưởng mà thôi, ai ấm ớ ngồi vào là lãnh củ, hải quy đã quy định rõ ràng như thế. Từ hạm phó trở xuống đi phiên đều phải đứng 4 tiếng đồng hồ thăm thẳm, đôi chân mỏi rã rời, chới với ngả nghiêng theo từng đợt sóng. Những khi chiến hạm hải hành trong cơn biển động, từng đợt sóng cao phủ trùm chiến hạm, nhân viên đi phiên vật vã, bơ phờ ngả nghiêng theo những cái lắc lư, đôi tay bám cứng thành tàu, hạm trưởng ngồi tỉnh bơ trên ghế, thoải mái phì phà điếu thuốc. Có những đêm khuya đi ca cách mạng từ 12 giờ đến 4 giờ sáng, giờ này chắc hạm trưởng ngủ say dưới phòng, cái ghế hạm trưởng đu đưa như mời gọi, thèm lắm nhưng không ai dám ngồi, bạn nào bạo gan ngồi vào lỡ bị hạm trưởng bất chợt lên bắt gặp là sáng hôm sau có màn được gọi lên phòng hạm trưởng trình diện để nghe giảng một bài học về quân kỷ, về hải quy, về tinh thần trách nhiệm và cuối cùng được thân ái ban cho 4 ngày trọng cấm vì tội “ngồi ghế hạm trưởng”. Nếu thuộc cấp phạm lỗi ấm ức chưa chịu chào kính lui ra, cứ đứng phân trần biện bạch vì một lỗi lầm không đáng phạt, có thể sẽ bị hạm trưởng ngứa mắt gia tăng thành 8 củ vì cái tội cãi bướng. Tuy nhiên cũng có một số hạm trưởng biết tỏng cái tật “vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm” nhất là những đêm khuya lạnh lẽo, thuộc cấp đi ca trên đài chỉ huy thường lén ngồi lên ghế của mình cho thỏa tính tò mò thời tuổi trẻ, để cùng tận hưởng những giây phút hiếm hoi được ngồi ghế hạm trưởng thử xem cảm giác ra sao? Chờ đến khi mình được lên chức hạm trưởng thì lâu quá, biết chờ đến bao giờ, có khi tết Congo mới tới. Những vị hạm trưởng này rất ngại mỗi khi bước chân lên đài chỉ huy trong những đêm khuya vắng, trừ khi có chuyện cần lắm mới lên, đều chậm rãi nện mạnh bước chân, tằng hắng để tránh bắt gặp những cảnh khó coi. Có vị còn cẩn thận hơn, gọi loa thông báo cho đài chỉ huy:”Hạm Trưởng năm phút nữa sẽ lên đài chỉ huy” để các “thằng em láo lếu” của mình đủ thì giờ ổn định vào vị trí cũ, không phải chứng kiến cảnh nhố nhăng, nếu làm lơ thì khó làm việc, còn la rầy thì tội nghiệp cho các thằng em còn trẻ người non dạ. Hạm trưởng ngồi lên chiếc ghế của mình mà vẫn thấy còn ấm hơi người. Mà nghĩ cũng đúng, cái gì nghiêm cấm thì các chàng trẻ tuổi háo hức tò mò lén lút làm cho bằng được, có từ khi tổ tiên loài người là ông Adam dại dột nghe lời bà Eva ăn trái cấm vậy, biết rằng Chúa sẽ phạt nhưng ăn trước đã, mọi sự tính sau. Nhớ hồi còn thụ huấn quân trường Nha Trang, rất nhiều khóa sinh được cho đi bờ chính thức vẫn không thích bằng đi bờ lậu bằng cách lén lút chui rào, dù chỉ lang thang xuống Chụtt ăn tô phở rồi mua ổ bánh mì thịt cho bạn bè rồi trở về quân trường trực gác tiếp, vẫn cảm thấy thích thú bội phần, “đã” làm sao. Đến đây thế nào cũng có những ông thầy “nghiêm khắc hắc ám” một thời như thầy Đỗ Kiểm, Lê Phụng, Trần Văn Sơn hoặc các “hung thần khóa 8” như thầy MTT, MML, NTL, NVP thắc mắc:”Thằng em này học ở Nha Trang hồi nào mà sao mình không biết nó kìa? Thằng em chui rào ở chỗ nào mà mình không bắt tại trận để bây giờ kể chuyện om sòm?”. Thú thực, đàn em đâu có dại dột mà kể ra, chui rào ở vọng gác nào quý thầy biết được cho lính tạp dịch ra rào bít lại, lấy gì mà chui? Kể lại một chút kỷ niệm quân trường thân yêu để chúng ta gợi nhớ lại một thời rất xa trong dĩ vãng của những người thủy thủ năm xưa.
Có lẽ quý độc giả sốt ruột vì quá lâu kẻ viết bài này chỉ kể chuyện dông dài, chưa nói gì đến chuyện của các vị hạm trưởng đa tình. Hải Quân từ ngàn xưa đến nay đều bị thiên hạ gán cho cái tiếng đào hoa đa tình, quý hạm trưởng với quyền cao chức trọng, uy quyền một cõi, lênh đênh phiêu bạt đủ mọi bến bờ xa lạ khắp mọi nơi trong nước cũng như những khi xuất ngoại trong những chuyến viễn du thì hai chữ đa tình là cái chắc rồi, có còn gì mà chối cãi. Quý bà hạm trưởng có lẽ cũng biết và chấp nhận điều ấy, lấy chồng tài hoa lênh đênh nhiều bờ nhiều bến, miễn sao con tàu đừng quên cái bến chính là bến Sài Gòn sau những chuyến công tác dài lâu xa nhà trở về bến xưa. Như nhà văn Vũ Thất từng là hạm trưởng của khóa 11 đã viết cuốn tiểu thuyết “Đời Thủy Thủ” kể lại cuộc đời một sĩ quan Hải Quân mới ra trường chỉ trong thời gian ngắn ngủi chưa đầy hai năm đã trải qua 4 mối tình liên tiếp với những cảnh yêu đương nóng bỏng cuồng nhiệt, quý cô đọc thấy hết hồn sao mà đào hoa quá vậy. Nhưng ở đời cái gì chợt đến rồi chợt đi nhanh như một cơn gió thoảng, cuối cùng tình vẫn cô đơn. Nhưng nói đa tình có lẽ sẽ oan ức cho một số vị hạm trưởng, có vị rất chung tình đã bày tỏ tình yêu đích thực của mình đến người bạn trăm năm. Như một vị hạm trưởng khóa 8, một cựu hạm trưởng HQ.17 cũng là vị thuyền trưởng điều khiển con tàu Việt Nam Thương Tín từ đảo Guam trở về quê hương với một niềm ước mong duy nhất được sum họp với vợ con khi tàn cuộc chiến. Vị hạm trưởng này đã bày tỏ tình yêu chân thực với người vợ trong cuốn hồi ký “Việt Nam Thương Tín Con Tàu Định Mệnh” kể lại những nỗi đoạn trường đắng cay tủi nhục khi lấy một quyết định sai lầm trở về Việt Nam để được sum họp với gia đinh để rồi trả giá bằng 13 năm tù tội, trong lúc vợ con đói khổ, tan tác với những cảnh não lòng, cuối cùng phải ra đi rời bỏ quê hương một lần nữa theo diện HO cùng gia đình lưu lạc sống trên đất Mỹ. Cuốn hồi ký này có hai đoạn văn làm độc giả bồi hồi xúc cảm, đầu tiên khi anh kể lại đám cưới của anh tại nhà thờ Đức Bà thủ đô Sài Gòn năm 1964, vị linh mục chủ tế khi cử hành thánh lễ hôn phối cho anh đã giảng cho anh nghe:”Vợ chồng phải thương yêu nhau suốt đời, phải biết hy sinh, thông cảm; vui cùng hưởng, gian nan cùng chịu...”. Có lẽ bài giảng trên đã thấm sâu vào tim óc của anh nên quyết định quay về cố hương trong những tháng ngày di tản buồn thảm trên đảo Guam là thế. Đoạn văn thứ hai là khi anh kể về cuộc đời hạm trưởng của anh qua nhiều chiến hạm đến chiếc sau cùng là HQ.17. Mỗi khi chiến hạm mãn công tác trở về Sài Gòn anh đã thấy lòng rộn ràng: ”Từ ngoài biển khơi, khi tôi vừa nhìn thấy ánh đèn chớp tắt của ngọn hải đăng Vũng Tàu là lòng tôi rạo rực, mong sớm đến giây phút tái ngộ với vợ con...”. Chắc các bạn Hải Quân một thuở năm xưa cũng có những giờ phút đẹp tuyệt vời này khi chiến hạm sau một chuyến công tác tuần dương đi xa dài đằng đẵng, nay được lệnh trở về bến cũ để nghỉ ngơi, sửa chữa. Chiến hạm khi từ miền Trung trở về, lúc từ vùng biển Phú Quốc chạy vòng qua mũi Cà Mau rồi hướng về phía Bắc, hoặc từ Côn Sơn sau chuyến công tác tuần tiễu bảo vệ giàn khoan dầu, hoặc từ đảo Trường Sa trực chỉ hướng Tây tiến về Vũng Tàu. Khi nhìn thấy ánh đèn hải đăng Vũng Tàu là cảm thấy lòng rộn lên một niềm vui, bao mệt mỏi đều tan biến. Dù cho con tàu có chạy hai máy tiến full, nhưng với sự nôn nóng mong chờ ai cũng cảm thấy con tàu sao mà chạy chậm quá!
Đó là những nét đẹp của một vị hạm trưởng chung tình diễn tả nỗi lòng lúc nào cũng thương nhớ nghĩ đến vợ con. Cũng có một vị hạm trưởng khác, hạm trưởng một chiếc Trợ Vận Hạm “số hiệu 9 nút” cũng từng nặng lòng lo lắng cho vợ con như thế. Trong cơn quốc biến, dù đã chỉ huy một chiến hạm to lớn có đủ vợ con mang theo cùng di tản, nhưng trong một phút sai lầm đã quyết định quay về để rồi chịu bao cay đắng nát lòng, đưa thân vào vòng tù tội, vợ con nheo nhóc, chia lìa cuối cùng mới được đoàn tụ tại Úc châu. Giờ đây ôn lại chuyện cũ như một giấc mơ. Hơn 50 năm về trước, vị hạm trưởng này có một mối tình đầu đời tuyệt đẹp với một giai nhân đất Nha Trang, một tiệm sách trên đường Độc Lập năm nào. Nhưng rồi tình yêu kia tuy mãnh liệt nhưng không đủ mạnh để trói chân chàng sinh viên sĩ quan yêu mộng hải hồ, để người đẹp kia mòn mỏi chờ trông. Bây giờ mỗi người một phương trời cách biệt, cùng lưu lạc nơi xứ người, người đẹp năm xưa vẫn âm thầm ôm nỗi niềm riêng, thỉnh thoảng thăm hỏi bạn bè quen biết cố nhân nay có còn mạnh giỏi không? Mới đây, trong lần tái ngộ các bạn cùng khóa sau 38 năm cách biệt, các bạn từ phương xa lặn lội đến Úc châu tận miền Nam bán cầu để gặp gỡ một người bạn tài hoa nhiều lận đận. Buổi gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đầy cảm động của những chàng trai trẻ chung mái quân trường Nha Trang 52 năm về trước, bây giờ gặp lại trong buổi chiều tàn, cũng như bóng hoàng hôn cuộc đời mờ ảo chập chùng trước mặt. Có thể có cố nhân của năm mươi năm về trước từ buổi tốt nghiệp ra trường, chia tay một thoáng đã trở thành mối tình chia biệt năm mươi năm, tái ngộ nhau chỉ với một lời thăm hỏi: ”Anh có mạnh khỏe không?” cũng đủ làm ấm lòng nhau cho lần gặp lại như lời thơ của cụ Nguyễn Công Trứ:“Ngũ thập niên tiền nhị thập tam”.
Trên văn đàn hải ngoại, chúng ta được đọc một chuyện tình có thật ngoài đời, thật cảm động và cũng nhiều éo le ngang trái. Hai kẻ yêu nhau của một tình yêu đầu đời, chân thật nhưng cũng nhiều vụng dại, cuối cùng chỉ vì một chút hiểu lầm làm cho cuộc tình chia biệt suốt 40 năm. Chuyện tình của vị Đại Tá Không Quân Đặng Duy Lạc khi ông viết tùy bút “Giòng Đời” kể về một mối tình học trò của mình khi chưa nhập ngũ đăng trên giai phẩm Ngàn Sao ở Houston, Texas. Duyên trời xui khiến tờ báo trên lọt vào tay người yêu cũ đang sống tại Sài Gòn đọc được. Với nỗi niềm riêng dâng tràn xúc cảm, cố nhân ký tên “Nga –Sài Gòn” đã viết bài “Hồi Âm Giòng Đời” để kể lể tình yêu một thuở gửi đến cố nhân đăng trên báo Ngày Nay năm 1996. Đại Tá Lạc đọc được bài báo này, có lẽ vì những cảm xúc tiếc nuối ăn năn, thương cảm số kiếp hẩm hiu của người yêu cũ đã quá xúc động lên cơn đau tim thành người thiên cổ tính đến nay đã 17 mùa lá rụng. Đây có lẽ là một chuyện tình thời chinh chiến đẹp nhất trong thế hệ chúng ta kể về tình yêu ngang trái của hai kẻ yêu nhau không cùng chiến tuyến đã trở thành giai thoại được ca tụng trong cộng đồng người Việt tại hải ngoại, các báo điện tử thỉnh thoảng đều đăng lại. Có lẽ trong Hải Quân chúng ta cũng có những chuyện tình đẹp không kém nhưng chưa có người viết ra, bây giờ thời đại internet đã phổ thông, các chàng lính thủy năm xưa bắt chước Đại Tá Lạc thử viết một bài tùy bút “Giòng Đời” của chính mình gửi lên mạng. Không chừng vừa gửi tối nay thì sáng mai thức dậy đã thấy “Hồi Âm Giòng Đời” mới toanh nóng hổi đáp lễ lại cố nhân, mà không những chỉ một mà còn nhiều “Hồi Âm Giòng Đời” liên tiếp trên mạng. Lúc đó các vị lính biển năm xưa, hay các vị hạm trưởng đa tình một thưở sẽ bóp trán, cố moi trong trí nhớ cùn mòn của mình để nhớ “người xưa”, “người đi qua đời tôi” là ai thế nhỉ?
Cũng có một vị hạm trưởng một chiếc Trợ Vận Hạm “số hiệu 8 nút” khác, chiến hạm neo tại Nhà Bè trong những ngày tàn cuộc chiến trước 30-04-1975. Chiến hạm neo chỉ nhận lệnh đặc biệt từ vị Tư Lệnh Hải Quân Phó Đô Đốc Chung Tấn Cang mà thôi. Vị hạm trưởng đa tình nhưng rất kín miệng có tới ba bà vợ nhưng tài tình đến nỗi ba bà lại không biết nhau. Trước ngày di tản năm ngày, hạm trưởng âm thầm đưa hai bà vợ xuống tàu trước, bà cả đưa vào phòng riêng của hạm trưởng, bà nhỏ giấu dưới hầm chiến xa. Ông hạm trưởng còn tính thêm một nước cờ cao, nếu mọi chuyện êm thắm sẽ đưa bà thứ ba xuống. Nào ngờ mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, đứa con trai của bà vợ cả để ở trong phòng hạm trưởng cảm thấy tù túng, bực bội mới thơ thẩn đi lên boong tàu ngắm cảnh hóng mát. Bất ngờ nó gặp một đứa con trai khác mặt mũi giống mình như đúc. Thằng bé ngẩn ngơ bèn về phòng kể chuyện cho mẹ nghe. Bà cả thẫn thờ, nửa tin nửa ngờ mới cùng con trai đi tìm hiểu thực hư. Bất ngờ bắt gặp một gia đình khác của hạm trưởng đang ở dưới hầm chiến xa. Máu ghen nổi lên, huyên náo cả chiến hạm, đến tai thượng cấp. Lòng tin yêu chồng mình một dạ chung tình bỗng chốc tan thành mây khói đã đem đến tai họa cho cả gia đình. Hạm Trưởng bị cách chức lập tức vì tội “đưa gia đình xuống chiến hạm không xin phép”. Thế là hạm trưởng phải đưa toàn bộ gia đình hai bà rời khỏi chiến hạm, giao quyền cho người khác chỉ huy. Cuối cùng cả gia đình bị kẹt lại, vị hạm trưởng đa tình phải lên đường đi tù cải tạo suốt mười năm, tài hoa cho lắm thì cũng tai họa đến nhiều. Sau bao oan khiên cay đắng chịu đựng những cảnh đoạn trường, hạm trưởng cùng gia đình bà vợ cả được lên đường sang Mỹ theo diện HO, hai bà vợ kia đành kẹt lại quê hương. Cuộc đời tan hợp chia ly như trêu chọc khách đa tình, bạn bè đến thăm thường hỏi đùa: “Hai người vợ kia của bạn đâu? Chừng nào qua?” thì hạm trưởng chỉ cười tươi đáp lời:“Tại cái số đa đoan, trời bắt thế nên đành chịu”:
Kiếp xưa đã vụng đường tu
Kiếp này phải chịu đền bù thế thôi
Dẫu sao bình đã vỡ rồi
Đem thân mà trả nợ đời cho xong
(Kiều)
Thế mới biết những khách đa tình nhiều mưu trí nhưng cuộc đời cũng lắm đa đoan vì bị ông trời bắt phạt như trong truyện Kiều:
Trót mang lấy một chữ tình
Khăng khăng mình buộc lấy mình vô trong
Cho nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng
Ma đưa lối, quỷ đưa đàng
Chỉ tìm những chốn đoạn tràng mà đi.
Mà nghĩ cũng đúng, chữ tình đem đến cho ta lắm niềm vui nhưng cũng mang lại nhiều khổ lụy. Vị hạm trưởng đa tình nhưng vẫn lo lắng chu toàn bổn phận, muốn đưa các bà vợ cùng di tản theo mình, thương ai lo lắng đầy đủ cho người ấy mà, giống như cảnh Thúy Kiều trao duyên gửi phận cho Thúc Sinh:
Thương sao cho trọn thì thương
Tính sao cho vẹn mọi đường thì vâng”.
Sinh rằng: “Hay nói đè chừng,
Lòng đây, lòng đấy chưa từng hay sao
Đường xa chớ ngại Ngô Lào
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta
Đã gần chi có đường xa
Đá vàng đã quyết, phong ba cũng liều”.
Chúng ta thử tưởng tượng ra cảnh vị hạm trưởng kia đưa được hai bà vợ kia di tản sang Mỹ êm thắm với tài năng mưu trí của mình thì cảnh hai bà sống chung dưới một mái nhà không phải là một điều khó thực hiện. Vị hạm trưởng sẽ đem hết tài năng nghị lực nuôi nấng cả đại gia đình, chỉ khó một điều là dàn xếp hai bà làm sao cho êm thắm mỗi khi màn đêm buông xuống. Chứ cái cảnh bà lớn nằm một phòng cùng với hạm trưởng, cửa phòng khóa chặt, trong bước ra không được mà ở ngoài bước vô cũng không xong. Bà nhỏ nằm phòng dưới cách ly diệu vợi làm sao ba người ngủ cho ngon giấc. Bà lớn khóa kín cửa phòng, chìa khóa giấu vào trong ruột tượng quấn vòng quanh bụng mấy vòng thì chồng làm sao lấy trộm chìa khóa để xuống phòng dưới tâm sự cùng với bà nhỏ đây? Ôi, cái cảnh đêm khuya thanh vắng mà mỡ treo, hai con mèo cùng nhịn đói não lòng làm sao! Có lẽ bà nhỏ sẽ mở lời lên tiếng trước:
Thuyền kia có nhớ bến không?
Muốn qua thăm bến mà không có đò.
Có lẽ vị hạm trưởng đa tình kia bồi hồi thương cảm cho người vợ trẻ của mình nhưng vì tình cảnh khó khăn đành thúc thủ bất lực trước mưu cao của bà vợ cả:
Muốn đi buôn bán cho vui
Sông có trạm gác ai ơi... cũng đành!
Bà vợ cả cũng không ngủ được, khi nghe hai người lời qua tiếng lại trao đổi nỗi lòng, cũng động lòng thương cảm, bày ra một giải pháp để hai bên cùng có lợi:
Ai kia muốn bán với buôn
Qua sông nộp thuế thì xuôi chứ gì!
Bà cả vẽ ra một giải pháp quá hay, ông chồng muốn qua với bà nhỏ thì cứ việc tự do, muốn đi bao lâu cũng được. Chỉ có điều trước khi đi nhớ làm bổn phận, đóng thuế trước đã thì tha hồ đi buôn bán. Bà nhỏ nghe lời bà cả khuyến dụ ngọt ngào cũng toan đồng ý. Nhưng chợt nhớ ra, đóng thuế trước rồi tới phiên mình còn hưởng cơm thừa canh cặn, còn nên cơm cháo gì nên lớn tiếng đáp lời:
Không buôn với bán thì thôi
Qua sông hết vốn, còn xuôi... mốc xì!
Bây giờ chúng ta cùng chung tâm sự của một kẻ đa tình, nhưng là tình yêu quê hương, tình yêu dân tộc Việt Nam vẫn đậm đà khắc sâu trong tâm tưởng. Những tình yêu ngày nào của một thời trai trẻ kể lại chỉ để đùa vui cho những năm tháng dài lưu lạc.
Vũ Ngọc Văn
May 2013
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+
ở lề bên trái.
0 comments :
Post a Comment
Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.