Saturday 17 August 2013

Bông hồng cho người ngã ngựa


ANH THƠ :: 

Một năm về trước trong một chuyến đi chơi xa, vợ chồng tôi có gặp một người bạn thân sau hơn 30 năm vắng bặt tin tức. Những tâm hồn đồng điệu giờ gặp lại nhau, chúng tôi nói chuyện huyên thuyên rất là tương đắc. Hỏi thăm tin tức gia đình, anh cho biết song thân đã khuất, rồi anh kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện để đời của gia đình anh về bác trai, một mẫu người có bản lĩnh, khí khái can cường.


Hồi tưởng đến chuyện quá khứ, trên gương mặt đang suy tư bỗng hiện lên nét vui tươi. Anh nói đó chỉ là một giai thoại nhỏ nhưng đáng tự hào của Ba anh được lưu truyền lại cho con cháu và bạn bè và đánh giá như một trong những tấm gương sáng“Dầu ngã ngựa nhưng vẫn giữ cốt cách anh hùng”, cũng là một kỷ niệm mà anh trân quý mỗi khi anh nhớ đến thân phụ.

Đón người thân từ ngục Cộng Sản
(Hình Hội Thân hữu Cao niên Việt Nam NSW : http://nswvefa.com/)
Anh nói:
Ông cụ là một sỹ quan cao cấp trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, với tánh khí bộc trực, ai làm gì, hoặc nói gì không phải là ông phản đối tới cùng, nên cũng lắm khi trên đường binh nghiệp gặp nhiều gian nan. Năm 1975, Ông cụ với cấp bậc Trung Tá Cảnh Sát bị Việt Cộng bắt vô tù cải tạo, lưu đày khổ sai ra miền Bắc. Vì tánh cứng đầu, khó bảo, hay chống đối, không chịu khuất phục trước kẻ thù, nên Ông hay bị hình phạt và bị biệt giam. Tuy gian nan khổ sở đến cùng cực nhưng Ông cụ vẫn không thay đổi tánh khí. Vì vậy bạn bè trong tù rất kính phục và thương mến, đặt cho Ông danh hiệu ”cao bồi già“ và Ông rất thích danh hiệu này.
Một hôm… trong trại giam có lễ lạc gì đó, bọn cán bộ cai tù bắt tất cả tù nhân học thuộc và hát bài “Bác đang cùng chúng cháu hành quân“. Trong khi mọi người nghe theo, hát theo như con vẹt thì ông cụ nhất định không chịu hé môi. Khó chịu bọn Việt Cộng hỏi lý do, Ông thẳng thắn trả lời:
-Tôi chẳng bao giờ cùng Bác hành quân nên tôi không thể hát.
Bọn Việt Cộng tức điên lên, đem Ông cụ biệt giam…Cứ thế, bị chồng án mãi, đến ngày được trở về nguyên quán thì xác thân Ông chỉ còn da bọc xương vì bị nhiều bệnh tật, và thương tích. Âu cũng là một phép lạ và may mắn hơn người… Ba tôi, người lính Việt Nam Cộng Hòa là vậy đó. Rất can cường bất khuất, lẽ nào lại chịu nhục tán tụng kẻ thù của dân tộc.“
Anh bạn kết thúc câu chuyện với nụ cười rạng rỡ trên môi có pha chút kiêu ngạo vì hãnh diện có người cha như thế. Là bạn cố tri, vợ chồng chúng tôi cũng vui lây và tự hào vì tôi cũng đứng chung dưới màu cờ tuy không cùng sắc áo với Ông cụ.

Tôi là một công chức trong “TÔNG CUỘC PHÁT TRIỂN GIA CƯ“, trụ sở tọa lạc trên đường Đoàn Thị Điểm (đối diện Bộ Cựu Chiến Binh Quận 3) thời VNCH. Tôi cùng chung lý tưởng yêu tự do dân chủ, yêu quê hương đất nước như Ông cụ. Dẫu là con gái tay yếu chân mềm, nhưng tôi cũng cứng đầu bướng bỉnh lắm. Điều gì tôi không phục thì tôi nhất định không nghe theo. Không chống đối Việt Cộng ra mặt thì tôi cũng chống đối ngầm.

Tháng 4 năm 1975, Tổng Cuộc Phát Trển Gia Cư bị tiếp thu và đổi tên là Ban Xây Dựng, Cộng Sản gọi chúng tôi là “Ngụy Quyền“ tay sai đế quốc Mỹ và bắt đi học cải tạo tẩy não mấy hôm tại địa điểm ở Đa Kao. Trong khi tên chính trị viên thao thao bất tuyệt láo khoét giảng bài, thì nhóm bạn gái chúng tôi ngồi nghe chán ngán, chỉ biết ngáp lên ngáp xuống cho hết ngày. Khi được hỏi có ai ý kiến, có ai thắc mắc gì về đường lối, chủ trương “khoan hồng“ của đảng không? Chẳng có ai buồn trả lời, để diễn đàn cho bọn cán bộ và những đứa nằm vùng tự do tung hứng. Càng tuyên truyền, càng nhồi nhét, càng phản tác dụng, như “nước đổ lá môn“.

Sau thời gian tẩy não. Chúng tôi được nhà nước Cộng Sản trưng dụng. Hàng ngày tại sở làm đám bạn chúng tôi thì thầm to nhỏ chuyện “vượt biên”, lúc nào cũng tơ tưởng làm sao thoát khỏi “thiên đường vô sản “ để nuôi hy vọng và làm niềm vui trong cuộc sống ngày càng sa sút thảm thương giữa xã hội kinh tế ngày càng thụt lùi.

Dép râu chôn sâu đời tuổi trẻ....
(Hình Talawas.org)
Thỉnh thoảng trong sở có những buổi sinh hoạt văn nghệ. Tôi còn nhớ rõ, người phụ trách hướng dẫn chúng tôi tập ca hát là một chị cán bộ từ miền Bắc vô, tóc dài, mập ú tên Mùi tự Thanh, và bài hát được luyện tập mà chỉ nghe tên thôi đã mất cảm tình “Đôi Dép Bác Hồ“ (Đôi dép đơn sơ, đôi dép Bác Hồ, bác đi từ chiến khu bác về….)

Chị Mùi bắt chúng tôi phải chép bản nhạc đó vào trong sổ. Bọn tôi vừa chép vừa cười vừa khều chân nhau diễu cợt kín đáo dưới gầm bàn. Trời ơi ! Đôi dép Bình Trị Thiên của Bác dính đầy máu đỏ, xương trắng của triệu triệu đồng bào đau khổ chứ hay ho gì mà ca tụng. Thật không thể tưởng tượng nổi, tên nhạc sĩ bồi bút, văn nô nào có thể lấy nguồn cảm hứng từ đôi dép để sáng tác thành nhạc phẩm. Chao ôi! Ngoài bài hát ca tụng đôi dép của bác không biết còn bài hát nào ca tụng “cái gì“ trên người của ông ta nữa.


Suốt mấy ngày học hát chả có ai thèm hát, cứ nhép miệng cho qua ải, hặc rên ư ử trong miệng, chỉ có chị Thanh đọc diễn, gào rống một mình. Bị chất vấn hỏi tại sao, bọn tôi trả lời:
-Chị hát hay quá, tụi tôi chỉ muốn nghe chị hát mà thôi. Tôi đọc thì được, chớ hát e làm mất giá trị của bài hát.

Sau mấy tuần học hát, chỉ tập hợp để cười giỡn, hay hỏi vớ vẩn những chuyện ngoài Bắc và không đạt được kết quả như ý, cuối cùng dẹp luôn, chị Thanh không có việc làm thích hợp đành trở về Bắc, còn bản nhạc “Đôi dép bác Hồ” cũng vào thùng rác chờ mấy anh chị, em nhỏ mua bán ve chai lượm cân ký lô để mưu sinh, độ nhật.
***
Sau tháng Tư Đen, y phục thường diện đi làm của các bà, các cô thay đổi. Từ chiếc áo dài truyền kính, đổi sang áo sơ mi, hoặc áo bà ba. Riêng tôi vẫn mặc áo dài cổ kính. Một hôm trong buổi tiệc Tất Niên, bhị cán bộ trưởng phòng bảo tôi:

-Sẵn em mặc áo dài, em mang nước ra mời mấy anh đi.

Mấy anh ở đây ám chỉ mấy tay “cán ngố“ con cháu đảng và Bác. Thật bất ngờ, nhưng đầu óc tôi cũng phản ứng rất nhanh, “Mụ nghĩ sao mà bảo tôi làm việc hạ nhân phẩm này, tôi mà đi bưng nước mời kẻ thù không đội trời chung của dân chúng Miền nam Việt Nam ! Còn khuya, chắc mụ lầm người rồi “

Vừa nghĩ ngợi, vừa tìm cách từ chối khéo, vừa đóng kịch ngây thơ cụ. Lấy lý do: Tôi vốn nhút nhát ra chỗ đông người hay luống cuống lọng cọng, lỡ làm đổ bể thì quê lắm. Biết tôi chỉ viện cớ để từ chối chị ấy tức lắm không nói lên lời (trong lòng ghìm con nhỏ phản động này rồi) đành sai người khác, cô nầy ngoan ngoãn nhận lời làm ngay. Nhưng vài tháng sau…Vắng bóng cô nàng, hỏi thăm tin tức mới vở lẽ ra cô nàng đã đi vượt biên và đến trại tỵ nạn Thái Lan. Thì ra cô nàng khôn khéo “giả dại qua ải, nín thở qua sông“ mà thôi.
Mỗi một người có một lối xử xự theo quan niệm riêng của mình để được người đời đánh giá cao thấp về nhân phẩm. Giữa cô nàng giả dại qua ải và mình tuy cùng một hoàn cảnh nhưng do 2 quan niệm khác nhau nên 2 lối xử xự khác nhau và người đời sẽ đánh giá sao về cô nàng? Về mình?

Riêng tôi, hơn 30 năm … nhớ lại chuyện xưa, tôi không khỏi tự hài lòng về mình, nếu trong quá khứ vì hoàn cảnh bắt buộc tôi phải làm thế thì tôi phải đối diện với lương tâm để tôi không tha thứ cho chính mình trước khi bị người đời đánh giá nhân phẩm. Đối với tôi đây cũng là niềm tự hào, dù là rất nhỏ.

ANH THƠ

0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.