Saturday, 29 June 2013

Chống gậy đi học


Khoa Nam :: 

“Chống gậy đi học”   người ta thường dùng bốn chữ này để chỉ người già rồi mà còn chịu khó chen vai thích cánh với đầu xanh trong các lớp học. Tại Úc số người “chống gậy đi học” khá đông. Tại các trường TAFE nhiều người khi trẻ không có cơ hội học khi đi làm thì dành ra một số thời giờ để rèn luyện thêm kỹ năng. Trong giảng đường đại học, con số sinh viên có mái tóc từ hoa râm cho đến bạc trắng chắc là cũng chiếm trên mức 30%. Ngoài ra, Úc còn có đại học hàm thụ thu hút nhiều sinh viên chống gậy đi học. Đó là Open University. Ấy là chưa kể đến nhiều khóa học do cộng đồng tổ chức thường có tên là “Continuing Education”. Sau cùng, Úc còn có một hệ thống đại học dành cho đầu bạc: University of the Third Age.




Đi học thì ai chả muốn học với thầy hay trường giỏi. Trong mùa con cháu nộp đơn xin học đại học, từ ông bà cho đến cha mẹ và người hàng xóm chẳng lên tiếng khuyên bảo đám trẻ cố gắng chọn môn học sáng giá nhất và ghi danh vào đại học xịn nhất đó sao?

Khuyên con cháu làm vậy nên khi có cơ hội chắc chắn ông bà cụ kỵ đều phơi phới chống gậy đi học. Bài này xin giới thiệu nơi học quy tụ thầy hay trường giỏi nhất thế giới đang mở cửa chào đón từ trẻ thơ cho đến răng long tóc bạc.

Làm sinh viên trường đại học giỏi nhất thế giới

Pulpit rockBạn đọc blog Việt Luận đang sinh sống tại Úc hay tại Việt Nam hay bất kỳ nơi đâu trên thế giới muốn học về các nguyên lý để chế tạo máy bay nặng trăm tấn có thể bay bổng trên không với các giáo sư lừng danh tại đại học MIT. (MIT là học viện kỹ thuật của Hoa Kỳ tại Massachusetts, và được coi là giỏi nhất thế giới) xin ghi danh vào lớp: Flight Vehicle Aerodynamics do hai giáo sư M. Drela, A. Uranga giảng dạy. Code của lớp này là 16.110x, bắt đầu từ ngày 9.9.2013, kéo dài trong 14 tuần lễ. MIT đang mở cửa chờ bạn đọc ghi danh. Sau khi học xong khoá này, không những bạn đọc có thể vỗ ngực xưng mình là sinh viên đại học MIT mà còn lãnh văn bằng Certificate of Mastery.

Trường hợp muốn làm sinh viên đại học Harvard, Hoa Kỳ mà không cần mất tiền mua vé máy bay đi Mỹ, bạn đọc Việt Luận có thể ghi danh vào khoá học Health and Society để tìm hiểu các yếu tố trong xã hội (như giai cấp, phái tính, tiền bạc, hàng xóm làng giềng...) ảnh hưởng như thế nào trên sức khỏe của con người. Khoá học này do hai giáo sư y khoa Ichiro Kawachi và Monica Wang giảng dạy và sẽ bắt đầu vào ngày 15.11.2013.

Nếu muốn tôi luyện nghề vẽ vời bằng computer và cùng một lúc trở thành sinh viên đại học Berkerly, Hoa Kỳ bạn đọc có thể ghi danh vào khoá học CS184.1x do giáo sư Ravi Ramamoorthi giảng dạy. Khoá học này tên là Foundations of Computer Graphics, bắt đầu từ ngày 7.10.2013 và kéo dài trong sáu tuần lễ. Học xong, bạn đọc có thể hãnh diện lộng kiếng văn bằng do đại học Berkerly lừng danh cấp.

Bạn đọc dễ dàng xem danh sách các khoá học do edX mở ra tại đây.

Liên minh edX

Pulpit rockThật vậy, ngày nay người sống bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng có quyền theo học tại nhiều đại học hàng đầu thế giới nhờ có edX. EdX là một liên minh nhiều đại học nổi tiếng nhất thế giới nhằm thu nhận bất cứ ai muốn học cũng được học. Khi học thì được học với thầy hay trường giỏi.

EdX là sáng kiến của hai đại học hàng đầu thế giới: Harvard và MIT. Hiện nay đã có 27 đại học tham gia. Trong số này có Harvard, MIT, Berkeley, École Polytechnique Fédérale de Lausanne, Torento, Cornell, Hongkong, Kyoto, Peking, Seoul National, vân vân. Riêng tại Úc có mặt hai đại học The Australian National và Queensland.

Các đại học trong liên minh edX giảng dạy đủ ngành học từ khoa học, nhân văn, nghệ thuật, thương mại, computer, y tế công cộng, kỹ sư và khoa học về chế tạo trí thông minh (artificial intelligence). Nghĩa là gần đủ ngành học và do giáo sư tài ba nhất giảng trong đại học xịn nhất thế giới đảm trách.

Sau khi ghi danh vào khoá học, sinh viên edX muốn học ở đâu thì học: trong quán cà phê, tại công viên hay trong nhà; muốn ngồi trong giảng đường bao lâu thì ngồi vì giảng đường edX mở cửa 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày và 7 ngày trong tuần. Tất cả các điều trên thành sự thật nhờ kỹ thuật tin học. Với máy computer hay các thứ tablet (chạy bằng Android hay iOs), người ở trên khắp thế giới dễ dàng theo dõi bài giảng trong giảng đường đại học lừng danh nhất thế giới. Các bài giảng này không phải chỉ ghi âm hay ghi hình lại lớp học “thật” mà còn là một chương trình computer đặc biệt gíup cho sinh viên “ảo” liên lạc với giáo sư và bạn học cùng lớp.

Điều hay sau cùng của đại học edX là (cho đến nay) hoàn toàn miễn phí.

Chống gậy đi học

Pulpit rockNghe Khoa Nam đờn, có thể đã có bạn đọc nóng lòng muốn chống gậy đi học ngay lập tức.
Xin mời tân sinh viên đại học Cornell (hay Tsinghua, hay The ANU) ghé vào trang web https://www.edx.org/. Ngay ở menu phía trên có chữ Register Now. Bấm vào đó là thành sinh viên.

Bạn đọc hỏi: phải có điều kiện gì thì mới ghi danh chứ?
Xin trả lời: Chỉ cần hai điều kiện: một là có nối với Internet; hai là thấy trong lòng có ý muốn ham thích học hỏi. Ngoài ra, cho đến nay sinh viên không phải đóng một cắc học phí nào cả.
Sau khi ghi danh, tân sinh viên nhận được email từ edX hướng dẫn đường đi nước bước vào giảng đường. Muốn học môn gì và làm sinh viên của đại học nào, bạn đọc đều được toại nguyện. Bạn đọc có sức học bao nhiêu môn thì được quyền ghi danh bấy nhiêu. Tuy nhiên, có vài môn học đòi sinh viên phải qua một số chứng chỉ trước. Thế là ta nên ghi danh học tuần tự từ dễ đến khó.

Đến ngày khoá học bắt đầu, sinh viên chỉ cần login là thấy “cua” hiện lên trên màn ảnh máy computer và tiếp tục dùng computer để nghe cua, làm bài tập, học nhóm với bạn cùng lớp (tutorials) và nộp bài thi. Mỗi khoá học đòi sinh viên phải dành ra một số giờ dự lớp và phải góp ý với giáo sư và đồng bạn trong các cuộc thảo luận. Từng khoá học đều có Discussion Forum để sinh viên chí chát với nhau. Ngoài ra, sinh viên rất dễ dàng trao đổi tin tức liên quan đến khoá học bằng cách ghé vào trang edXonline trên Facebook hay gia nhập Google+ và các mạng xã hội khác. Cũng tại Discussion Forum, sinh viên có thể gởi câu hỏi đến các giáo sư hay giảng viên khi có thắc mắc hay cần được giúp đỡ thêm.

Hiển nhiên, là sinh viên edX bạn đọc còn có thể tạt vào giảng đường của bất cứ khoá học nào để nghe ké trước cho biết. Nghe rồi, sẽ thích và ghi danh học.

Đang học, rủi sinh viên nửa đường gãy cánh thì có thể rút lui (unregister). Khi nào sinh viên lấy lại hơi sức thì vẫn có quyền ghi danh trở lại khoá học đó mà không bị thầy cô khiển trách hay bạn học chê cười gì cả. Rủi hơn nữa là các sinh viên chăm chỉ học tập nhưng “học tài thi phận” thì có thể tái ghi danh. Không ai biết nên không có gì xấu hổ cả.

Lãnh Certificate of Mastery

Pulpit rockSau khi học một khoá và thi đậu, sinh viên được cấp văn bằng có tên là Certificate of Mastery. Đây là văn bằng rất có giá trị vì do đại học lừng danh nhất thế giới cấp. Sinh viên có thể dùng văn bằng này để xin việc hay ít nhất cũng để lộng kiếng khoe với xóm làng. Nhưng không thể dùng chung với chương trình học tại đại học vì cho đến nay chưa có đại học nào công nhận Certificate of Mastery tương đương với các tín chỉ do sinh viên thu lượm khi mài đũng quần trên ghế giảng đường.

edX đang mở giảng đường cho ai muốn học thì học. Thế là không còn ai than thân trách phận vì nhà nghèo, đông con hay tuổi già nên không được học. Với edX, nhiều người “dở thầy dở thợ” có lẽ không còn than thân trách phận...”ta làm gì cho nửa cuộc đời sau”.

Rất mong có bạn đọc blog Việt Luận ghi danh với edX và khi nào lãnh Certificate of Mastery thì nhớ cho Khoa Nam hay tin để xách chai sâm-banh đến chung vui.

Khoa Nam

2 comments :

  1. Xin hỏi: tui không biết tiếng Anh tiếng Em thì có thể ghi tên học không? Người ta có tét tiếng Anh trước khi cho vô học như mấy trường Tép ở Úc tét tiếng Anh của con nhỏ cháu tui từ Việt Nam qua đây du học...

    ReplyDelete
  2. Cái này hay đó ông Khoa Nam. Xin ông cho biết thêm nhiều chỗ học khác tại Úc để người dở thầy dở thợ như dân cày chứng tôi ( cày vài chục năm có thừa...) có vài mảnh bằng treo trong nhà cho đỡ tủi thân.
    Kính

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.