Friday, 19 April 2013

Sau tiếng nổ: còn lại là tình người

Việt Luận :: 
C
hạy việt dã tại Boston -- Boston Marathon -- là cuộc đua có hơn 23,000 lực sỹ khắp thế giới tham dự. Cuộc đua dài 42 cây số nên các lực sỹ chạy nhanh nhất cũng phải mất chừng 4 tiếng đồng hồ. Nhưng 4 tiếng 9 phút sau khi khởi hành, tại mức đến xảy ra hai tiếng nổ. Mỗi tiếng cách nhau 12 giây.


Chuyện gì xảy ra sau hai tiếng nổ này: chúng ta đã được truyền thanh, truyền hình, báo chí và các mạng xã hội tường trình. Đến nay chúng ta chỉ được tin cảnh sát Mỹ đã có trong tay tấm hình nghi là của ít nhất hai người hai nồi áp suất đặt ở gần mức đến của cuộc đua. Chắc là khi đọc bài này, bạn đọc biết ai là thủ phạm giết 3 người và làm bị thương gần 200 người khác tại Boston.



(Cảnh sát Hoa Kỳ
phát hành thước video
ghi hình hai người có thể bị coi là tình nghi.)

Bỏ ra ngoài thương vong của nạn nhân, thù hận từ thủ phạm và truy lùng của giới chức an ninh -- một điều còn lại ở Boston sau tiếng nổ là tình người.
Đây là một đoạn trong tường thuật của CNN từ hiện trường:
Boston (CNN) -- Vài tiếng đồng hồ sau khi hai tiếng nổ xảy ra ở Boylston Street gần mức đến của cuộc đua chạy việt dã Boston, người dân tại đây đã tìm đến bên nhau và bày tỏ cho nhau điều được một lực sỹ tham gia cuộc đua gọi là "vẫn còn tình người".
Tại quán cà phê Starbucks bên trong khách sạn Westin Copley Place là nơi được nhiều lực sỹ trú ngụ, ông chủ Sol Elta và nhân viên dọn một bàn bày đầy cà phê và bánh ngọt cho khách qua đường ăn uống miễn phí. Đáng nói là: sáng kiến này khởi đi khi một phụ nữ từ Philadelphia gọi điện thoại cho biết bà trả $100 mua cà phê và bánh ngọt cho người bị nạn ăn uống miễn phí. Ông chủ Elta nói: "Tôi giật mình. Tôi cứ tưởng sáng kiến này từ một tổ chức hay từ công ty Starbucks. Thế mà lại đến từ một người dân bình thường..." (CNN)

Thật vậy, người dân bình thường ở Boston đã mở tấm lòng và rộng tay tỏ tình người với nhau. Boston Marathon thu hút rất đông lực sỹ và khách du lịch. Từ Úc xa xăm mà đã có hơn 150 lực sỹ tham dự, cộng thêm hàng ngàn huấn luyện viên và thân nhân. Sau tiếng nổ, cảnh sát đã cô lập 15 con đường khiến cho nhiều khách du lịch không về được khách sạn.

Nhiều lực sỹ chưa đến mức mà tiếng nổ đã xảy ra. Họ chỉ có chiếc quần sọt và áo thun trên người và không cách nào trở lại khách sạn hay tìm ra người thân. Trong số này có Luis Cuan và Jaime Herrera từ Mexico. Họ lang thang trên phố. May mắn, dân Boston đã mở cửa chạy ra khỏi nhà trao cho cả hai áo ấm và quần dài che thân. Trong ngày thứ Hai tang thương ấy, trên mạng Facebook một người bình thường nào đó mở ra trang "Affected by the explosions at the Boston Marathon? We're here to help, Ai bị ảnh hưởng vì bom? Chúng tôi xin giúp."

Trong khi tên gian ác giấu mặt tìm cách giết cho thật nhiều người hắn chưa bao giờ thấy mặt thì ngàn ngàn người dân Boston không tên tuổi mở lòng và mở cửa nhà đón người xa lạ. Ở trang Facebook "Ai bị ảnh hưởng vì bom? Chúng tôi xin giúp", gia đình kia đã nhắn tin cho người mình chưa bao giờ gặp mặt:

"Chúng tôi có hai phòng dành cho khách với hai giường "queen", dư một giường xếp và ghế salon trong phòng khách. Nhà chúng tôi có con nhỏ nên chúng tôi có nhiều vật dụng cho trẻ em. Xin mời gia đình nào hay nhóm du lịch có trẻ em. Chúng tôi có xe hơi (và có ghế cho trẻ em ngồi) và có thể đón quý vị từ bất cứ nơi đâu. Chúng tôi có nhiều thức ăn, Wi-Fi và nước nóng! Xin báo cho tôi biết quý vị cần gì. Chúng tôi rất hân hạnh đón quý vị."

Ông khác nhà chỉ cách hàng rào cảnh sát 5 phút, nhắn với ai đó:
"Nếu ai đó cần chỗ ở, tôi có thể giúp một người ngủ trên ghế salon trong phòng khách. Nếu ai đó cần một bữa ăn, muốn tắm rửa: xin mời đến nhà tôi".
Cô sinh viên Breanna Faye nội trú tại trường MIT không có gì hơn là "quần áo ấm, chỗ tắm và chỗ để sạc pin". Ai cần: xin mời.
Tình người ở Boston là thế.
***
Trên đây là vài việc thật nhỏ do người Boston làm sau tiếng nổ giết người vào ngày 15.4. Việc thật nhỏ nhưng thấy trong thế giới thù hận này vẫn còn tình người. Người còn biết nhỏ nước mắt trước nỗi đau của người khác. Người còn biết mở bóp, mở cửa xe, cửa nhà đón người xa lạ vào. Lizje Sarria, người Boston, làm thế để "mong yêu thương thắng sợ hãi và bình an trỗi vượt hơn tất cả mọi điều khác trên đời này".
Xin dành vài giây đồng hồ tưởng nhớ đến nạn nhân ở Boston và rồi suy tưởng: rủi ro ở nơi tôi ở xảy ra tai nạn gì đó, tôi còn đủ tình người để mở nụ cười, mở vòng tay, mở tấm lòng, mở cửa nhà đón người xa lạ không?
Việt Luận
(Bản đăng trên blog Việt Luận)

6 comments :

  1. Thật là khó trả lời: sau tiếng nổ tôi có dám mở cửa nhà dớn người lạ mặt vào không? Rủi đó là người cảnh sát đang tìm thì sao? Hắn dám bắt cả nhà tôi làm con tin lắm. Thôi thì thà chịu không có tình người hơn là rước hoạ vào thân.
    Tiến Trần

    ReplyDelete
  2. Tui đồng ý với ông Tiến Trần. "Cẩn tắc vô áy náy", người thời nay thường nói vậy.

    ReplyDelete
  3. Thời buổi bây giờ vàng thao lẩn lộn , nên đôi khi muốn làm việc gì đó giúp người nhưng lại sợ hậu quả , hiểu lầm , " đóng cửa trái tim " thì tim khg an ổn , thí dụ như muốn cho người có giang xe nhưng lại sợ kẻ bất lương ...khg ngừng xe chở người thì áy náy khg giúp được người lở đường lúc cần thiết . Câu chuyện thật của tui như thế này Quí AC nghỉ sao ? 1 tối nọ khỏang 8 giờ tụi tui đi bộ ngang qua 1 trạm xe bus , thấy có 2,3 cô gái nhỏ chưng 10, 12 tuổi ngồi chờ ở đó .Tui nói với OX : con cái nhà ai mà giờ này còn ở đây, sao cha mẹ nào mà lại hời hợt quá vậy, hay mình hỏi coi tụi nhỏ ở đâu , đưa về dùm, giờ này mà ngồi chờ xe thì nguy hiểm quá.. OX nói , chớ có dại dột dính váo , coi chừng bị tội bắt cóc trẻ con em à .Tui nghỉ OX nói đúng nhưng vẩn thấy khg yên , tồi tội mấy cô gái nhỏ , 8,9 giờ tối mà còn lang thang ngòai đường vắng.

    ReplyDelete
  4. Đáng quý thay những tấm lòng , những vòng tay mỡ rộng để giúp người bị nạn .Thật lòng mà nói trong lúc đó , ở nơi đó dù khg biết ai là thủ phạm ai là nạn nhân nhưng với tai họa thảm thương như vậy chắc ai củng mở cửa , mở lòng để cứư giúp . Lúc đó khg ai có thì giờ để suy hơn nghỉ thiệt gì nửa đâu.......

    ReplyDelete
  5. Sua Đủa nói đúng, lúc đó hoàn cảnh đó mình lo cứu giúp người già, trẻ em, người bị thương tật, còn thanh niên khỏe mạnh thì nên chạy ra đường lo cứu giúp người khác chứ chạy vào nhà xin mình cứu giúp chuyện gì ? mà kẻ gây ra cớ sự thì dĩ nhiên là thanh niên khỏe mạnh và họ an toàn rồi. Cho nên mình mở lòng với những nạn nhân đáng thương mà

    ReplyDelete
  6. Vì dám chấp nhận nguy hiểm khi mở cửa nhà đón người lạ vào nhà mình nên người Boston đáng được ca ngợi. Trong lúc chưa bắt được người khủng bố mà dám làm vậy mới đang khen chớ. Nếu an toàn thì mới giúp thì Ba Xị tôi cũng giúp được.

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.