Wednesday 11 June 2014

Đối thủ chính của Trung Cộng ở biển Đông


Việt Luận ::




Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Shagri-La, Singapore.
(Hình Bbc.co.uk)

Ngày này qua ngày kia, báo chí thế giới bớt đưa tin về xung đội giữa Việt Nam với Trung Cộng tại biển Đông. Sau nhiều cuộc xuống đường hừng hực khí thế trong tháng Năm, lòng yêu nước của con dân Việt Nam không suy suyển nhưng chuyện biển Đông ngày một ngày hai nhạt nhoà... Dẫu thế, nơi hiện trường từng ngày vẫn tiếp tục đối đầu giữa ngư dân Việt Nam với bọn cướp biển. Ngày 2.6 thêm một tàu đánh cá của Việt Nam bị cướp biển đánh chìm.

Đặc biệt, Trung Cộng dời giàn khoan này đến gần bờ biển Việt Nam hơn nữa. Dường như ý định của Trung Cộng dùng giàn khoan để vẽ chính xác 9 vạch ‘lưỡi bò” vì đến nay chưa ai định được toạ độ của 9 vạch nguyệch ngoạc này. Ý đồ khác của Trung Cộng là cho Việt Nam hiểu rằng mỗi năm từ tháng Năm cho đến tháng Tám Trung Cộng sẽ kéo giàn khoan vào biển Đông cũng như mỗi năm Trung Cộng định ngày cấm ngư dân Việt Nam ra khơi đánh cá.

Hôm nay, thuyền bè nhỏ thó của Việt Nam phải chèo chống trước vòi rồng và mũi tàu lớn gầp bốn lần của quân cướp biển. Dầu vậy, Việt Nam vẫn không đưa chiến hạm và tàu ngầm (mới mua từ Nga) vào trận. Dường như Việt Nam muốn sắm vai kẻ yếu thế bị cường quyền hiếp đáp để... la làng?
Quả tình, tiếng la làng của Việt Nam có vài tiếng vang. Trước hết, truyền thông quốc tế đưa nhiều tin hơn. Kế tiếp, dấy lên lòng yêu nước của người Việt Nam. Sau cùng, làm cho giới chức quân sự và ngoại giao quốc tế phải quan tâm.

Mới nhất, Biển Đông trở thành đề tài nóng bỏng tại diễn đàn Shangri-La, Singapore. Diễn đàn kéo dài ba ngày và kết thúc vào đầu tháng Sáu vừa qua, quy tụ thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe; bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel của Hoa Kỳ, David Johnson của Úc, Purnomo Yusgiantoro của Indonesia và Phùng Quang Thanh của Việt Nam. Về phía Trung Quốc có bà Phó Oánh, thứ trưởng ngoại giao và nổi tiếng ăn nói đốp chát hạng nhất thế giới.

Ở Shangri-La, Hoa Kỳ cho biết chống lại “hành động khiêu khích, gây hấn hoặc đe dọa sử dụng vũ lực của bất kỳ quốc gia nào để đòi chủ quyền”. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ doạ Washington sẽ không "tìm con đường nào khác” khi trật tự quốc tế bị đe đọa. Lời nói này lập tức được Úc hoan nghênh và Việt Nam... sướng rên.

Bề ngoài, Hà Nội làm như mình không cần vây cánh khi đối đầu với Bắc Kinh. Nhưng trong thực tế, trước khi Trung Cộng kéo giàn khoan HD-981 hiếp cho Việt Nam một phát thì Hà Nội đã từng đi đêm với Hoa Kỳ và Nhật Bản xin ba nước ngồi xuống bàn định. Không rõ Hoa Kỳ trả lời thế nào. Chỉ biết Nhật Bản không từ chối mà dè dặt xếp đề nghị của Hà Nội vào ngăn kéo. Khi nào cần sẽ lôi ra.

Ở Shangri-La, trong khi Hoa Kỳ tiếp tục dùng ngôn ngữ ngoại giao mà chưa đưa biện pháp thì Nhật Bản -- đang tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông -- muốn chủ động. Thủ tướng Shinzo Abe đưa biện pháp cụ thể đối đầu với Bắc Kinh. Nhật muốn quy tụ các nước trong vùng dưới ngọn cờ “mặt trời mọc” bằng cách cung cấp tàu tuần duyên để giữ an ninh khu vực. Có lẽ, thủ tướng Shinzo Abe mượn diễn đàn này để công khai hoá các vận động ngấm ngầm của Hà Nội nhắm đến thành lập một liên quân tuần duyên và hải quân gồm có Hà Nội, Manilla và Tokyo. Để chuẩn bị cho liên quân này, Hà Nội còn xin Hoa Kỳ giúp phần huấn luyện. Hoa Kỳ có thể giúp Hà Nội qua ngả Proliferation Security Initiative mà Hà Nội vừa gia nhập. Theo đó, mặt ngoài Hoa Kỳ giúp Hà Nội thám sát vùng biển của mình. Thật ra, Hà Nội chỉ cần Hoa Kỳ có mặt ở biển Đông, dầu dưới danh nghĩa nào cũng được.

Nhận ra, hai nước Hoa Kỳ và Nhật Bản chuẩn bị những gì cụ thể hơn là ngôn ngữ ngoại giao, tướng Vương Quán Trung (Wang Guanzhong) của Trung Cộng tức bầm gan tím mặt. Vương Quán Trung nói: Hoa Kỳ và Nhật Bản “khiêu khích” Trung Cộng và “không thể nghĩ được” chuyện Trung Quốc đi bước trước ở biển Đông. Bà Phó Oánh còn tung tin chính Nhật Bản mới là quốc gia lăm le xâm lấn biển Đông.
Thế là, ở Shangri-La đối thủ của Trung Cộng không phải là Việt Nam nữa mà là Nhật Bản. Ở đây diễn ra hơn 100 cuọc gặp gỡ song phương mà không có đến một lần Trung Cộng và Nhật Bản gặp riêng nhau.
Có thể nói: ngày càng xuất hiện rõ ràng hơn ai là đối thủ của Trung Quốc ở biển Đông. Khi đối thủ này ra mặt thì Hà Nội phải chọn lựa. Hoặc là tiếp tục gọi chủ của giàn khoan HD-981 là “bạn làng giếng” như Phùng Quang Thanh công khai nói ở Shangri-La; hoặc là chỉ thẳng mặt “nó” mà đả đảo như các khẩu hiệu của người dân trong và ngoài nước khi xuống đường.

Đài BBC bình luận "Thế cờ đang ở trong tay Trung Quốc" nhưng thư toà soạn báo Việt Luận hôm xin thưa: trái banh sắp vào chân Hà Nội. Hà Nội phải đá mà chưa biết đá vào khung thành nào.

Việt Luận
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.