Saturday 3 May 2014

Khắc nghiệt và gánh nặng


Việt Luận::

 

Thủ tướng Tony Abbott và tổng trưởng kinh tế John Howard
(Hình abcnews.net.au)


Mấy năm trước, khi tháng Năm gần đến nhiều người Úc hỏi “Năm nay tôi được bao nhiêu tiền?” Câu hỏi này đặt ra trước ngày ông tổng trưởng kinh tế đệ trình dự luật ngân sách. Năm nay, thủ tướng Tony Abbott và tổng trưởng kinh tế Joe Hockey nhắc nhở dân Úc đừng hỏi câu ấy nữa.

Chính phủ này báo trước: ngân sách năm nay sẽ khắt nghiệt và người Úc phải chịu gánh nặng. Trong bối cảnh này, thư tòa soạn hôm nay xin trình bày vài điều bạn đọc có thể đã nghe về khắt nghiệt và gánh nặng sẽ được chính thức công bố vào tối thứ Ba 13.5.14.

Xin nói về khắc nghiệt trước


Gia đình nghèo tại Úc bị siết chặt khi hưởng trợ cấp an sinh xã hội. Gần như chắc Family Tax Benefit A và B sẽ dồn thành một và giới hạn để hưởng phúc lợi này là mức lương $100,000. Phụ huynh học sinh đang lãnh School Kids Bonus và Income Support Bonus giúp nuôi dạy con nên người sẽ không được hưởng nữa. Bà bầu đang mong được chính phủ rộng lượng trả tiền nghỉ việc để nuôi con (Paid Parental Leave) cũng bị chắt bóp. Khi vận động tổng tuyển cử, ông Tony Abbott tuyên bố “trả tiền cho cha mẹ nghỉ việc để nuôi con là..... “nguyên tắc căn bản, fundamental principle”. Theo đó, chính phủ sẽ trả y như lương đến 26 tuần lễ cho cha mẹ lãnh lương đến mức $150,000. Nay chính ông Tony Abbott đã kéo “nguyên tắc căn bản” xuống còn tối đa $100,000 mà thôi.

Kế tiếp là gánh nặng


Bắt đầu là khán bác sỹ và trong tương lai có thể khi vào bệnh viện công hay gởi con học trường công.

Trước đây, bệnh nhân nhẹ nhỏm “kéo cạc” rồi phơi phới ra khỏi phòng mạch bác sỹ. Sắp tới, mỗi khi khán bác sỹ -- cho dầu bác sỹ “bốc biu” – bệnh nhân phải móc túi trả $6 Đô La. Chính phủ Tony Abbott nói: Úc không kham nổi một chính sách chăm sóc sức khỏe phổ thông và hoàn toàn miễn phí nữa. Dân Úc phải “cùng trả tiền, co-payment” với chính phủ. Bắt đầu là khán bác sỹ và trong tương lai có thể khi vào bệnh viện công hay gởi con học trường công.

Gánh nặng tài chính đè thêm lên vai người khoẻ mạnh và có việc làm. Ông Joe Hockey đã thả bong bóng thăm dò kéo tuổi về hưu (nghĩa được lãnh trợ cấp người già) lên mức... cổ lại hy. Theo đó, 70 tuổi mới được gọi là già tại Úc. Ngoài ra, chính phủ đặt thêm điều kiện khắc nghiệt hơn và dùng lối tính toán khác khi hàng năm tăng tiền già. Thế là sẽ có ít người được hưởng phúc lợi này; và khi được hưởng thì số tiền ít hơn hay tăng lên chậm chạp hơn.

Trong khi chờ đến 70 tuổi, dân Úc còn cày bao lâu thì còn trả thuế nặng nề. Gần như chắc, chính phủ này không cắt giảm thuế nữa. Thế là người lãnh lương hơn mức $80,000 sẽ đóng thuế lên đến 45 xu cho mỗi Úc Kim kiếm được.

Thên gánh nặng khác. Đó là “Debt Levy” hay “Deficit Tax”. Xưa rày, Úc có thói quen khi cần tiền dùng vào việc gì quan trọng thì đặt ra sắc thuế đặc biệt. Năm 1966, khi thủ tướng John Howard mua lại súng nằm trong tay người dân, ông tăng lệ phí Medicare và gọi là Gun Buy Back Levy. Năm 2000, khi quân đội Úc can thiệp vào Đông Timor, thủ tướng John Howard lại đặt ra sắc thuế East Timor Levy. Gần đây, chính phủ Lao Động cũng bổ thêm hai sắc thuế Flood Levy và NDIS Levy để tái thiết thành phố Brisbane sau cơn lụt năm 2001 và kiếm tiền sung vào quỹ giúp người khuyết tật. Vào tối 13.5 sắp tới, dân Úc có thể chịu thêm thuế “Deficit Tax” để lấp đầy thâm thủng ngân sách.

Hiển nhiên khi kho nhà nước cạn kiệt thì chính phủ không thể chơi sang như trước. Chính phủ phải cắt đầu này bóp đầu kia. Tổng trưởng kinh tế Joe Hockey đang tìm mọi cách giảm chi để đến năm 2023 ngân sách Úc thặng dư trở lại. Nhưng câu hỏi là những khắc nghiệt và gánh nặng kể trên có công bằng không?

Chính phủ chiếu tướng lớp già vì mỗi năm chi ra $40 tỷ trợ cấp. Nhưng lại không đụng đến cũng $40 tỷ phụ cấp cho người giàu đóng nhiều tiền vào quỹ hưu bổng. Chính phủ chắt bóp bệnh nhân nghèo, gia đình nuôi con ăn học và dân cày lãnh lương thấp.... mà không nhắc đến một chữ trong các khoản mục gọi là “tax expenditures, lấy tiền thuế chi dụng”. Khoản mục này là các thứ tiền chính phủ trích công quỹ để tài trợ, cho vay, miễn thuế hay giảm thuế cho các nhóm được ưu đãi. Thí dụ, dân biểu và nghị sỹ lãnh lương hơn trăm xấp chả đáng kể gì so với bổng lộ phụ trội; công ty lớn làm ăn thua lỗ thì được chính phủ bỏ tiền ra cứu; luật sư, bác sỹ khi vay tiền mua nhà thì hưởng phân lời thấp hơn dân cu li....

IMF cho rằng Úc đang trích ra lên đến $120 tỷ từ công quỹ để chi cho các nhóm ưu đãi. Kinh tế gia Lieth van Onselen cho rằng: nếu chính phủ chắt bóp số tiền này thì nội đêm về sáng ngân sách Úc sẽ thặng dư trở lại! Nhưng các quan lớn không làm thế, vì chính các quan thuộc về nhóm ưu đãi ở Úc.
Việt Luận
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+ 
ở lề bên trái.




0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.