Vũ Ngọc Văn::
Đã lâu lắm rồi, hôm nay tôi được tái ngộ quý bạn đọc bằng một bài truyện ngắn. Có lẽ khi đọc tựa đề TÌNH XUÂN TUỔI XẾ trên đây, độc giả cảm thấy có gì không ổn lắm. Tuổi đã xế bóng thì tình còn mặn nồng xuân xanh cái nỗi gì? Thú thật, từ khi tôi mon men tập tễnh viết văn đăng báo tính đến nay đã hơn hai mươi mấy năm rồi, kể từ truyện ngắn đầu tay “Tình chị duyên em”, đến “Hai mươi năm tình cũ”, “Tình vẫn trao em”, rồi “Tình vẫn trao sui” và đến nay ”Tình xuân tuổi xế”. Không biết cơ duyên nào đưa đẩy, tên truyện ngắn nào cuả tôi đều có một chữ “tình” trong đó. Có những lúc tình lãng mạn đắm đuối, khi thì tình éo le ngang trái, rồi có khi tình nuối tiếc dở dang. Thôi thì định mệnh an bài cả, mình có lẩn tránh thế nào cũng chẳng làm sao thoát ra được:
Trót mang lấy một chữ tình
Khăng khăng mình buộc lấy mình vô trong.
Mới đây, tôi được mời đến nhà một người bạn thân vùng Sunshine dự tiệc sinh nhật lục tuần. Trên bàn tiệc, chỉ vỏn vẹn bốn cặp vợ chồng bạn bè thâm giao là gia đình tôi, và gia đình ba người bạn thân khác tạm gọi là anh A chủ nhà, anh B và anh C. Tôi đối với ba anh này ngoài tình bạn vong niên còn thêm tình cùng chung màu cờ sắc áo quen nhau từ khi sang Úc. Riêng ba anh bạn trên còn có tình cảm thắm thiết gắn bó với nhau suốt bốn mươi năm trường: nhập ngũ từ thời tướng Nguyễn Khánh cầm quyền năm 1964, đến khi định cư tại Úc gặp lại nhau cùng cư ngụ chung một tiểu bang. Ngày nào quen nhau ở lứa tuổi đôi mươi khi vừa nhập ngũ, trưởng thành trong khói lửa chiến tranh đến khi sẩy đàn tan nghé, tan tác hoạn nạn mỗi người một nơi. Cuối cùng tái ngộ nhau cùng định cư tại thành phố Melbourne này, sau những năm dài làm việc vất vả để tạo lập cuộc sống mới, đến nay con cái đã trưởng thành và đã hoàn thành trách nhiệm dựng vợ gả chồng cho đàn con lập tổ ấm riêng, bạn bè càng cảm thấy gần gũi thân thiết với nhau hơn. Để cùng nhau trò chuyện, chia sẻ những tâm tư buồn vui thầm kín vì có những điều không thể thổ lộ cùng con cháu. Tuổi đã cao, chúng ta ngoài tình yêu thương vợ chồng, con cháu trong nhà còn vun đắp thêm tình bè bạn thâm giao. Trải qua bốn chục năm trường với bao vật đổi sao dời, tôi bâng khuâng nhìn họ ngày nào của một thời trai trẻ, bây giờ gặp gỡ ăn mừng sinh nhật sáu mươi trên đất khách mà lòng dâng tràn nguồn cảm hứng, ghi lại những mẫu tâm tình do họ kể cho nhau nghe trong bữa tiệc mà dạ bồi hồi không biết đặt tên truyện là “TìNH XUÂN TUỔI XẾ” hay là “TUỔI XẾ TìNH XIÊU” đây?!
“TìNH XUÂN TUỔI XẾ” hay là “TUỔI XẾ TìNH XIÊU”? (Hình http://hoiquanphidung.com/) |
- Thay mặt anh em, tôi thân chúc bạn A hôm nay vừa tròn 60 tuổi lúc nào cũng vui vẻ trẻ trung tráng kiện như hồi ngày nào bọn mình mới đi lính! Nhất là lúc nào cũng cho bà xã hài lòng như thời mới cưới, tôi mạn phép mượn thơ cụ Nguyễn côngTrứ sửa đổi vài chữ gửi tặng bạn hiền:
Hiền thê dục vấn lang niên kỷ
Tứ thập niên tiền nhị thập niên.
Cả bàn tiệc cười vang, anh C được dịp tiếp lời:
- Hay, hay lắm, bốn mươi năm về trước bạn hiền tôi mới hai mươi. Tôi cũng xin chúc anh A nhân sinh nhật lục tuần hôm nay, anh chị lúc nào cũng hạnh phúc mặn nồng như thuở mới quen nhau của thời gần 40 năm về trước. Tôi mượn bài thơ phổ nhạc này để tặng bạn hiền:
Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh
Những quãng chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh.
Anh A cười vui hớn hở, đáp lời:
- Cám ơn các bạn. Những lời chúc của các bạn làm tôi nhớ đến Anh Thy với một nhạc phẩm ngày mới quen nhà tôi:
…Nhìn trùng dương dậy sóng
Lòng mơ ước em anh
Khi tàu xuôi bến cũ
Yêu áo trắng anh mang
Yêu vài câu hát buồn
Trong bài ca “Hoa Biển”
Và yêu chỉ mình …anh!
(Đừng gọi anh bằng chú)
Tôi lúc đó mới bắt đầu góp chuyện:
- Anh Thy là một trong những nhạc sĩ tài hoa của Hải Quân chúng ta. Chẳng thế mà trong cuốn Hải sử phát hành tại California vừa qua, chỉ đăng duy nhất một nhạc phẩm“Hoa Biển” cuả Anh Thy, chàng Trung sĩ Trọng Pháo Phạm Văn Khổn ngày trước. Mặc dù anh đã mất từ năm 1973, đã ba mươi mấy năm rồi nhưng anh đã để lại cho đời, cho Hải quân chúng ta một bài hát thật hay.
Anh B chúm chím cười nhìn vợ, góp chuyện:
- Đúngvậy, tôi thích nhất câu cuối cuả bài Hoa Biển: “Em ơi, giận hờn xem như hoa sóng tan trong đại dương” mà tôi vẫn thường hát cho nhà tôi nghe những khi bị vợ dỗi hờn. Kết quả một trăm phần trăm, Hoa Biển cất lên là nhà tôi có giận bao nhiêu cũng đều xí xoá hết. (Bạn ơi, tôi bảo là bạn chỉ hát có một câu duy nhất, nhưng hát bao nhiêu lần là còn tùy thuộc vào tài năng và tội trạng của bạn nữa chứ). Hát từ những ngày hai đứa mới quen nhau, yêu nhau, lấy nhau rồi sống bên nhau mấy chục năm trời mà bà ấy vẫn còn thích nghe không chán! Cảm ơn Anh Thy đã để lại cho Hải Quân chúng ta di sản vô giá này. Hoa Biển để dỗ dành người yêu, năn nỉ vợ hiền đều tuyệt. Chẳng thế mà ngày trước Anh Thy theo đoàn Tâm Lý Chiến Hải Quân đi công tác dân sự vụ trên chiếc Bệnh Viện Hạm HQ.400 khắp các vùng duyên hải, sông ngòi Việt Nam, đi đến đâu là các cô gái xuân thì đều nô nức đến xem trình diễn văn nghệ để chiêm ngưỡng tác giả bài Hoa Biển là ai?
Anh C tiếp lời:
- Ngoài AnhThy, chúng ta còn có Nguyễn-Vũ với những nhạc phẩm “Sao rơi trên biển”, “Thoáng giấc mơ hoa”; Trường Sa Nguyễn-Thìn với “Một lần xa bến”, “Muà Thu trong mưa”, nhạc sĩ nào cũng có nét tài hoa độc đáo riêng, cũng được nhiều người ái mộ. Chẳng thế mà Trường Sa tuy đang sống trong cảnh cô đơn vì goá vợ bên trời Canada giá rét, tuổi đã sáu bó rưỡi rồi, thế mà trong kỳ họp khoá Đệ Nhất Song Ngư kỷ niệm 40 năm tốt nghiệp ra trường tại Houston, Texas năm 2004 anh vẫn được các bà, các cô ân cần săn đón tỏ ý nâng khăn sửa túi cho nhạc sĩ hết quãng đời còn lại.
Anh B đôi mắt mơ màng, liếc nhìn vợ nói:
- Thế mới biết những con người nghệ sĩ bao giờ cũng được phái nữ ưu ái dành cho nhiều cảm tình nồng hậu. Thuở chúng ta mới đi lính, các cô gái Sài gòn hồi đó mê như điếu đổ hình ảnh oai hùng các chàng tài xế máy bay là do đọc cuốn “Đời Phi Công”. Nhà văn Toàn Phong đã làm nức lòng bao chàng trai thời đó hăm hở tình nguyện vào Không quân, ước mơ trở thành phi công với hy vọng được làm người yêu cuả “cô Phượng” nhân vật chính trong truyện!
Anh A tủm tỉm cười vui, cặp mắt mơ màng kể chuyện:
(Hình http://teolangthang.blogspot.com.au/) | - Mấy năm trước, cựu Đại Tá Nguyễn Xuân Vinh vị Tư Lệnh cũ của Không quân Việt nam có sang Úc thăm viếng anh em Không quân. Các anh chị trong Hội Không quân tiếp đón niềm nở gia đình người anh cả, nào là tiệc tùng, nào là đưa đi thăm viếng danh lam thắng cảnh… Tác giả “Đời Phi Công” đã làm cho các phi công đàn em cúi đầu tâm phục, khẩu phục bằng tấm chân tình đôn hậu, biểu lộ tình cảm thắm thiết của hai ông bà đối với nhau trước mặt mọi người, dù tuổi hạc đã cao trên bảy mươi rồi, nhưng ông bà vẫn âu yếm, xưng anh gọi em ngọt lịm. Tiếng “em” nghe ngọt hơn đường cát, mát hơn đường phèn, như hai người đang thời kỳ tán tỉnh nhau, làm cho các chị Không quân chạnh lòng ganh tị, cảm thấy thua thiệt vì ông xã chẳng bao giờ gọi mình tiếng “em” say đắm tình tứ đáng yêu đến như thế. Giá như được chồng gọi mình một lần tiếng “em” thiết tha ngọt lịm thế này, dẫu có chết ngay cũng cam lòng! Thế mới biết “anh hoa phát tiết ra ngoài”, con người tài hoa thì người bình thường chẳng thể nào sánh được. Thế mới hay tác giả “Đời phi công” đến nay vẫn sống hùng, sống mạnh còn “Hoa Biển” thân phận bọt bèo đành yểu mệnh ở đèo Rù Rì ngoài Nha Trang lâu lắm rồi! |
Chị A chủ nhà nghe ông xã vui vẻ kể chuyện, khúc khích cười góp chuyện:
- Ngày xưa, các “cô Phượng” mê phi công là vì đọc cuốn Đời Phi Công cuả ông ấy. Nhưng em được biết, gia đình Hải Quân cũng có nhiều chị tên Phượng lắm cơ mà. Các “cô Phượng” này chỉ yêu Hoa Biển mà thôi, yêu kiếp sống hải hồ cuả các anh áo trắng, thích nghe kể chuyện trăng sao mây nước mỗi khi tàu về bến và những lời hưá hẹn làm quà tặng người yêu: “Nào là hái hoa biển về tặng em, nào là ngắt cánh sao trời dưới đáy trùng dương về cho em thêu áo…”. Anh A ơi, đêm nay sinh nhật cuả anh cũng là kỷ niệm 35 năm ngày cưới chúng mình. Hoa Biển cuả em có còn đẹp như thưở ban đầu không? Các anh chị ạ, anh A dạo này sao mà hay quên lắm, đêm đêm vợ có nhắc nhở cũng ậm ừ quên lãng, lại còn “cứ hẹn mai kia rồi mốt nọ” chán lắm cơ! Ôi còn đâu thưở ban đầu mới cưới anh vẫn thường thỏ thẻ bên tai em:
Ta yêu lắm Phượng hồng trên áo trắng
Khi đơn sơ môi Phượng đắn đo cười
Nhìn lá biếc Phượng thêu chùm đỏ thắm
Nghe trong hồn công chuá Phượng lên ngôi!
(Phượng vỹ - Duyên Anh)
Mọi người cất tiếng cười vang thích thú. Thấy chủ nhà cởi mở, anh B thừa dịp nói vô:
- Bạn tôi bây giờ vừa yêu hoa biển, vừa yêu thơ Thế Lữ để cảm thông cho một kiếp “Hổ nhớ rừng” gợi nhớ những ngày oanh liệt hào hùng cuả một thưở xa xưa:
Ta sống mãi trong niềm thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa
Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già
Nhớ tiếng gió gào ngàn, nhớ giọng nguồn hét núi
Ôi những đêm trăng mờ bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống bóng trăng tan…
Anh A cũng ôm bụng cười ngất, đôi mắt mơ màng kể chuyện góp vui:
- Nhớ lại những năm tôi ở trong lực lượng Hải tuần, với những chuyến công tác đêm trên chiếc PTF xâm nhập vịnh Bắc Việt, anh em trên tàu đều thân thiết, quý mến nhau còn hơn anh em ruột thịt vì các chuyến công tác hiểm nguy, đi dễ khó về. Có một anh bạn nọ kể một câu chuyện ngày xưa mà nay tôi còn nhớ mãi về tình bạn như mấy đứa chúng mình. Này nhé, ngày xưa có hai người bạn rất thân chẳng may sinh ra trong thời chinh chiến loạn lạc. Một người vừa lấy vợ thì được lệnh quan phải lên đường nhập ngũ ra biên cương đánh giặc chống ngoại xâm. Anh ta đành gửi gấm vợ mình cho bạn thân may mắn ở lại, nhờ cậy bạn mình trông nom giúp đỡ trong thời gian mình vắng nhà. Buổi sáng ra đi, người chồng ân cần dặn dò trao gửi vợ mình cho bạn, nếu sau ba năm nếu thấy không về thì coi như đã chết, da ngựa bọc thây thì vợ mình thủ tiết như thế cũng đủ rồi, cứ yên lòng lấy chồng khác. Nói xong anh ta mở túi lấy ra một cái khoá, tạm gọi là khoá “trinh tiết” hay là “tiết hạnh khả phong” khoá lại rồi giao chìa khóa cho bạn mình cất giữ, sau ba năm không thấy trở về thì hãy mở khoá trả tự do cho vợ mình đi thêm bước nữa. Xong xuôi anh ta bịn rịn ôm hôn từ biệt người vợ trẻ, bắt tay từ giã bạn hiền, phóng lên lưng ngựa ra đi. Cảnh biệt ly đẹp não nùng và thơ mộng như trong truyện Kiều tả cảnh Thuý Kiều sụt sùi đưa tiễn Thúc Sinh:
Người lên ngưạ, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh
Người về chiếc bóng năm canh
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Buổi biệt ly nào cũng buồn thảm, nước mắt đầy vơi nhưng kẻ ra đi vẫn cảm thấy an ủi yên lòng vì có vợ hiền, bạn thân quyến luyến tiễn đưa, dõi theo từng bước chân đi. Một lát sau, chinh phu ngoảnh đầu nhìn lại thì bóng người thân đã mờ nhạt cách xa:
Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh chỉ mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
(Chinh phụ ngâm)
(Hình www.vietlandnews.net ) | Thế rồi người chồng cưỡi ngựa ra biên cương đánh giặc, ra đi mới hơn một tiếng đồng hồ gì đó thì chàng bỗng nghe tiếng vó ngựa dồn dập đuổi theo, cát bụi mịt mù cùng tiếng gọi ơi ới sau lưng. Ngạc nhiên, người chồng ghì cương cho ngựa dừng lại đợi chờ, nhận ra bóng dáng bạn thân đang rối rít phóng ngựa đuổi theo. |
Đến nơi người bạn vừa thở hổn hển, vừa nói:
- Bạn hiền ơi! Bạn đã tin tôi trao chìa khoá cho tôi thì vui lòng trao cho đúng chìa, chứ bạn đưa tôi nhầm chìa thì kẹt tôi quá! Bạn đi rồi để tôi ở nhà hì hục loay hoay mở mãi mà không có ra!?
Thế nên bạn bè đã tin nhau thì tin cho trót, lỡ trao chìa khoá cho bạn rồi thì nên đưa chìa khoá thật, chứ nỡ lòng nào trao nhầm chìa khóa giả chỉ làm phiền lòng bạn quý phải cưỡi ngựa đuổi theo để đổi chìa khóa lại, vất vả lắm cơ!”
Mọi người ôm bụng cười nghiêng ngả.
Anh B thấy chủ nhà kể chuyện tình bạn dí dỏm ý nhị, nên cũng kể một chuyện khác góp vui:
- Thế mới biết tình bạn cuả anh A kể tôi thấy sao mà nó giống chuyện Lưu Bình & Dương Lễ thế nào. Nhưng mà tôi thắc mắc một điểm ở đoạn Dương Lễ bày ra một kế cho bạn mình nếm mùi khổ nhục, mong bạn từ bỏ thói ăn chơi lêu lổng mà quyết chí tu thân học hành để thi đỗ ra làm quan như ông bạn hống hách cuả mình. Thế nên khi Lưu Bình gặp một thiếu nữ trẻ đẹp (do ái thiếp cuả Dương Lễ cải trang) hai bên đã quyến luyến nhau, ngỏ ý yêu thương thề ước chung sống với nhau. Nàng đã xuất tiền ra làm nhà đắp xây tổ ấm, nuôi tằm, quay tơ không nề hà gian khổ cho chàng ăn học để ba năm sau tiễn đưa chàng ra kinh đô ứng thí. Cái cảnh một túp lều tranh, hai trái tim vàng thơ mộng và đẹp như bài ca dao:
Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ
Cảnh tình nhân âu yếm sánh đôi bên nhau nhưng vẫn đè nén được ngọn lửa yêu đương đang ngùn ngụt bốc cháy trong lòng, nàng vẫn cương quyết khuyên chàng dốc tâm chăm lo đèn sách để mai sau thi cử đỗ đạt cho tròn mộng ước lứa đôi:
Em thường khuyên sớm khuyên trưa
Anh chưa thi đỗ, thì chưa… động phòng!
Theo tôi thì cảnh này không ổn lắm, chỉ có trong tiểu thuyết mà thôi. Chứ ngoài đời làm gì có cảnh hai kẻ yêu nhau chung sống trong một mái nhà, đêm ngày vai kề má áp kề cận bên nhau mà vẫn giữ một lòng thanh tịnh suốt ba năm? Làm sao chịu nổi cảnh mỡ treo bắt mèo nhịn đói, “em như hoa đẹp trong vườn cấm, anh khách si tình ngắm thế thôi” ngắm nhau suông rồi ngoan ngoãn chăm chỉ học hành, thử hỏi kinh sách, chữ nghĩa thánh hiền nào học cho vô? Thôi thì… khóa này anh không thi đỗ thì hẹn em khóa sau, khóa sau chưa đỗ thì khóa sau nữa, em ơi, yêu nhau đi, chiều hôm tối rồi, có phải đẹp và thực tế hơn không? Tôi mà như Lưu Bình sẽ mượn bài thơ “Giục Giã” cuả Xuân Diệu uốn ba tấc lưỡi năn nỉ giai nhân Châu Long:
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em, em ơi, tình non đã già rồi
Con chim hồng, trái tim nhỏ cuả tôi
Mau với chứ, thời gian không đứng đợi
Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới
Chỉ đôi ngày tình mới đã thành xưa
Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt
Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết?
Những vườn xưa, nay đoạn tuyệt dấu hài
Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai
......
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
Em vui lên răng nở ánh trăng rằm
Anh hút nhụy cuả mỗi giờ tình tự
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em, em ơi, tình non sắp già rồi.
Cả bàn tiệc cất tiếng cười vang thú vị. Anh C thấy hai bạn mình đêm nay ăn nói có duyên nên cùng cao hứng góp phần:
- Tình bạn của hai bạn vưà kể mới đẹp, mới đúng là chuyện của con người trên cõi đời tục lụy. Tôi xin góp vui kể một câu chuyện của một chàng thủy thủ cuối năm 1969 mới ra trường đổi về Vùng 4 Sông Ngòi tại bến Ninh Kiều, Cần Thơ. Một buổi chiều nọ, chàng thủy thủ nhà ta đang đi trong doanh trại, bỗng gặp một giai nhân mặt hoa da phấn nõn nà, mặc bộ đồ thủy thủ, đội nón polo trắng đang từ xa đi lại, dáng đi nhún nhảy, bộ ngực phập phồng. Chàng thủy thủ chính hiệu con nai vàng thấy người đẹp thủy thủ này hồn bỗng dưng si dại, ngẩn ngơ. Chàng vừa đi vừa ngắm nhìn giai nhân không chớp mắt, qua mặt nhau rồi mà chàng vẫn ngoái đầu vừa đi vừa nhìn lại. Thế rồi, bỗng một tiếng “bốp” vang lên, đầu chàng thủy thủ va vào cột đèn một cái đau điếng, anh chàng mới tỉnh giấc mơ hoa, lủi thủi trở lại phòng làm việc ôm đầu nhăn nhó.
Tối đó, chàng ta vừa thoa dầu cù là trên trán sưng to một cục bằng trái ổi, vừa suýt soa lật tờ bán nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hoà mới đăng bài thơ “Em chỉ yêu anh binh nhì” mà lòng đầy đê mê mơ mộng:
Em là phận gái thuyền quyên
Mười hai bến nước kén duyên bến nào?
Hằng đêm em vẫn ước ao
Người chồng lý tưởng em trao binh nhì
Em không mơ tưởng những gì
Mai vàng, mai bạc nữa chi cánh gà….
Đọc bài thơ xong, chàng cảm thấy bồi hồi xao xuyến, hỏi dò bạn bè trong đơn vị về thân thế giai nhân thủy thủ mà chàng vừa gặp ban chiều. Hoá ra đó là phu nhân Thiếu Tá Chỉ HuyTrưởng Giang Đoàn Xung Phong ở Long Xuyên theo chồng về họp tham mưu hàng tháng, chàng ta vì mới tân đáo nên bé cái lầm.
Sau này, chàng thủy thủ đó vượt biên và định cư tại Úc năm 1981 vẫn còn độc thân vui tính, vẫn lận đận về đường tình duyên. Các cô gái Việt nam sang Úc thời đó có giá hơn tôm tươi, một cô năm bảy cậu giành. Bốn trung tâm tiếp cư quanh thành phố Melbourne là Midway, Eastbridge, Wiltona và Enterprise tràn ngập các thanh niên Việt nam vào săn đón các bóng hồng từ các trại tị nạn mới sang. Chàng thủy thủ cũng học được kinh nghiệm đắng cay trên chốn tình trường, là tác giả bài thơ “Tỏ Tình” đăng báo gây sôi nổi một thời:
CHÀNG:
Anh cũng như em, một nỗi lòng
Cuộc đời băng giá lắm long đong
Nếu em cho phép thì anh sẽ:
Chia sớt cùng em cái lạnh lùng.
NÀNG;
No car, no job, no money
You can go home, don’t talk please!
I can’t love you, sorry so much
You have to love a factory.
Không xe, không việc lại không tì
Anh hãy về đi chớ nói gì
Đừng bảo yêu em buồn tủi lắm
Anh về yêu lấy kiếp cu-li !
Hơn hai chục năm sau, bài thơ Tỏ Tình trên đây được Mạnh Quỳnh phóng tác thành bài vọng cổ bằng tiếng Anh, thêm thắt một chút“no car, no job, no money, no home” hát và diễn chung với Phi Nhung và Nguyễn Ngọc Ngạn trên Paris By Night số 67.
Thấy các bạn vui vẻ kể chuyện, nói cười rộn rã chẳng lẽ tôi đành chịu lép, nhâm nhi ly rượu và ngồi im nghe chuyện mãi. Mọi người vừa cười vừa quay lại nhìn tôi như ngầm nhắc nhở. Cuối cùng tôi đành lên tiếng góp một chuyện vui:
- Đêm nay, tôi được nghe chuyện tình của các anh kể, chuyện nào cũng hay, cũng thú vị. Tôi xin kể ra đây một câu chuyện tình bằng thơ mà tôi đọc hồi năm 1986 cho các anh chị nghe nhân ngày sinh nhật sáu mươi của anh bạn chủ nhà. Hai bài thơ này kể lại một câu chuyện tình thơ mộng, lãng mạn nhưng cũng nhiều ngang trái, hận thù vì hai người trong cuộc yêu nhau trong thời chinh chiến. Buổi đầu thầm yêu nhau từ thời cách mạng mùa Thu năm 1946, đến năm 1954 quân Pháp đầu hàng chàng về thành sau đó di cư vào Nam, nàng từ khu chiến trở về Hà Nội thì người yêu đã xuống tàu há mồm vào Nam mất rồi. Sau đó, đất nước chia đôi, mỗi người một chiến tuyến khác nhau. Nàng là cán bộ cao cấp, sau đó làm dân biểu quốc hội Cộng sản miền Bắc. Chàng cũng là công chức cao cấp trong Bộ Thông Tin của chế độ miền Nam tự do, đến ngày 30/4/1975 theo đoàn tàu di tản qua Mỹ tị nạn, sống đời lưu lạc buồn tủi với vợ con cho đến ngày nay. Còn nàng cũng có gia đình, sau đó vào Nam công tác, vẫn dõi mắt tìm kiếm người xưa, nhưng hỡi ơi “Tìm anh như thể tìm chim, chim bay biển Bắc em tìm biển Nam” cố nhân đã bỏ nước ra đi lưu xứ mịt mù bên kia bờ Thái bình dương mất rồi. Yêu thương, hận tủi, oán hờn của một tình yêu thời chiến suốt bốn mươi năm dài mà hai kẻ yêu nhau tha thiết bị đẩy vào hai chiến tuyến hận thù đã thể hiện rõ nét qua bài thơ của nàng gửi tặng cố nhân, tưạ đề “Nghìn trùng xa cách tiếc thương nhau”. Bài thơ lục bát khá dài, khá hay và nhiều điển tích như truyện Kiều, nhưng cũng có vài ngôn từ của phe đối nghịch và lời lẽ trách móc nặng nề cố nhân:
Xa nhau lâu quá là lâu
Bốn mươi năm chửa gặp nhau một lần
Nhưng dù núi cách sông ngăn
Đường đi khác hướng tình thân không nhòa
Thuở nào hai đứa chúng ta
Kề vai sánh bước xông pha dặm ngàn
Dù không thệ hải minh san
Tình đồng chí, nghĩa kim lan mặn nồng
Lòng riêng, riêng những nhủ lòng
Rồi người dưới nguyệt chén đồng là đây…
Kế đó là những đoạn thơ kể lại những lần nàng khổ công lặn lội tìm kiếm người xưa “Miền Nam thăm thẳm chín lần ra vô”, sau đó thất vọng não nề khi biết chàng đã cùng đoàn người bỏ nước ra đi. Yêu cũng nhiều mà hận cũng lắm, sau cùng nàng lên giọng kẻ chiến thắng mắng mỏ người yêu:
Biết tin xúc động tột cùng
Giận thương mà lại thẹn thùng cho ai
Cách nhau biển lớn đường dài
Thì ngày đối diện hẳn ngoài ước mơ
Trùng phùng chẳng biết bao giờ
Giải lòng thương tiếc mượn thơ đôi vần
Trách ai không vững tinh thần
Một lầm, hai lỡ xa dần nẻo ngay
Thân voi ì ạch vũng lầy
Tình sâu đã phụ, nghĩa dầy cũng quên
Trách ai lập chí không bền
Nay thay, mai đổi chẳng nên tướng gì
Phải đâu vụng dại ngu si
Phải đâu ngại tiếng thị phi chê cười?
Khen ai tài trí hơn người
Mà loay hoay cả một đời uổng công?
Hỏi rằng có được gì không
Hay là chỉ mấy cái “lồng thiếu…dê”?
Còn chàng, sau bốn mươi năm xa cách, bỗng dưng nhận được bài thơ của cố nhân đăng trên báo, lòng cũng bồi hồi xốn xang, cũng ngập tràn thương hận. Chàng lúc đó đã là ông lão sáu mươi như các anh bạn ở đây, họa lại một bài thơ lục bát hồi âm đáp lễ cố nhân. Tuy nhiên, vì phải đón đỡ những vần thơ tấn công hiểm hóc cuả nàng nên bài thơ “Đập chén chia tay”của chàng bị lâm vào thế thụ động kém hay:
“Từ ngày đập chén chia tay
Bốn mươi năm đã vèo bay trước thềm
Quãng xa càng hoá xa thêm
Sau ngày cả nước bóng đêm mịt mùng
Thế nên khôn xiết lạ lùng
Thấy người xa mặt cách lòng chưa quên
Bồi hồi nhưng rất ngạc nhiên
Băn khoăn tự hỏi vì duyên cớ nào?
Bấy chầy vắng bặt âm hao
Bỗng dưng nức nở nghẹn ngào tiếc thương
Phải đâu là gái dung thường
Mà lìa ngó ý, còn vương tơ lòng…”
Bài thơ cuả chàng cũng dài như của nàng, nhưng chỉ chống đỡ chứ không nỡ mắng mỏ lại cố nhân. Còn chuyện chàng bị người xưa mắng là “mê lồng thiếu... g” thì chàng gân cổ lên cãi “Râu dài chưa hẳn chê lồng thiếu… dê”, ý nói Hồ chí Minh, lãnh tụ cuả nàng đâu có thần thánh gì, cũng “mê lồng thiếu… g” như bao người đàn ông khác. Chẳng thế mà có đứa con rơi sau này lên làm Tổng Bí Thư đó hay sao? Chẳng qua là nàng quá thương nhớ cố nhân, lặn lội tìm kiếm mấy chục năm trường không gặp, yêu quá biến thành hận, hờn ghen bóng gió nên mắng chàng cho qua cơn hận tủi. Có lẽ mấy câu thơ cuối bài của nàng nên dành tặng cho tướng Nguyễn Cao Kỳ thì hay hơn, dẫu sao chàng vẫn còn tư cách, liêm sỉ hơn tướng Kỳ nhiều lắm!
Sau này, tôi được biết chàng và nàng còn làm thêm một số bài thơ đăng báo gửi tặng nhau. Lời lẽ không còn trách móc hận thù mà đầy thiết tha âu yếm gửi cho nhau như hai người bạn cố tri cách xa nhau nửa vòng trái đất. Tính cho đến nay, hai người tuổi đã bát tuần, chúng ta thử tưởng tượng một ngày đẹp trời nào đó, chàng đặt chân về Hà Nội thăm lại người xưa, thăm lại một chuyện tình “sáu mươi năm tình cũ”, chắc chắn là hay, tình tiết éo le hơn hẳn truyện Kiều, thời gian xa nhau gần gấp bốn lần câu chuyện tình của Thúy Kiều và Kim Trọng “mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Chúng ta hãy hình dung ra cảnh chàng nay đã là ông lão tám mươi đóng vai Từ Thức về làng, trở về Hà Nội sau hơn nửa thế kỷ để gặp gỡ người yêu đầu đời, nào có khác chi cảnh sum họp Kim Trọng với Thúy Kiều ngày xưa:
Khi hương sớm, khi trà khuya,
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên
......
Chàng còn nghĩ đến tình xa
Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ
Nói chi kết tóc se tơ
Đã buồn cả ruột mà nhơ cả đời
Chàng và nàng cũng nên quên hết những người thân yêu vướng bận chung quanh để cùng nhau hưởng những giây phút chạnh lòng, cùng nhau dạo bước bên bờ hồ Hoàn Kiếm bồi hồi nhớ lại thuở xa xưa. Chàng sẽ run run cầm lấy bàn tay nàng, đôi mắt kèm nhèm nhìn thẳng vào gương mặt nhăn nheo da mồi má hóp cuả nàng, âu yếm cất lên tiếng hát nhạc phẩm “Niệm khúc cuối” cuả Ngô Thụy Miên tặng nàng: “Rồi mai đây tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời…Tình ơi, dù sao, dù sao đi nưã, tôi vẫn yêu em…”.
Đêm cũng quá khuya, câu chuyện tâm tình của ba người bạn tôi nhân tiệc sinh nhật sáu mươi kể đến sáng mai cũng chưa hết. Giật mình nhìn lại computer, truyện tình tôi viết đầy kín 6 trang báo rồi, hết chỗ thêm vào hình ảnh, tôi xin mạn phép kết thúc nơi đây. Biết đâu có quý độc giả nào đó chau mày, bảo là viết chuyện dông dài, “con oanh học nói trên cành mỉa mai”, bão tố ập đến thì lại lắm nỗi oan trái trớ trêu. Cuộc đời như giấc mộng phù du, hãy trao tặng nhau những niềm vui, nụ cười. Tác giả đã qua rồi thời tuổi trẻ để viết lên những truyện tình diễm tuyệt éo le ngang trái. Biết đâu những mối tình già trên cõi đời này vẫn có những nét duyên ngầm, dí dỏm đáng yêu chứ nếu không thì cũng trở thành “tuổi xế tình xiêu”!
Vũ Ngọc Văn
(2005)
Muốn gởi bài này cho bạn bè,
xin bấm mouse chọn
Twitter, email, Facebook hay Google+
ở lề bên trái.
Tác giả có nhắc tới cái chìa khóa trinh. Tui chưa thấy nó tròn méo ra sao. Nếu tác giả có hình thì xin đăng lên cho bà con coi chơi....
ReplyDeleteBạn thân, "Phận bèo đâu quản nước sa, lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh", nếu tôi đưa hình chìa khóa ra cho Ông Già Ba Tri đăng lỡ bạn bắt chước áp dụng thì "ủ tờ" cả đám sao?
ReplyDeleteTui có tấm hình cái khóa trinh nhưng không gởi qua comment được. Tui sẽ gởi qua email cho ông già Ba Tri sau. Xin ông già Ba Tri đừng phụ lòng tui mà bỏ tấm hình vô thùng rác.
ReplyDeleteKính