Sunday, 1 September 2013

Nỡ lòng nào mình lại dửng dưng?!


đoàn xuân thu.

Những shopping centres ở Footscray (nơi người viết đã đến đây rồi ở lại đây, bây giờ bén rễ xanh cây… hết về…!) nơi mà bãi đậu xe do thành phố phụ trách thường là có thâu tiền, hai đô một giờ, đều có vài chục chỗ đậu xe tiện lợi nhứt, dành cho người khuyết tật và trên xe phải có dán tờ giấy cho phép đậu của hội đồng thành phố Maribyrnong cấp.

Ông nào ‘ba xí ba tú’, đậu đại… thì coi chừng cái thằng cha ‘cáo sồ’ lù lù từ đâu xuất hiện, chụp hình chiếc xe và cái bảng chỗ đậu chỉ dành riêng cho người khuyết tật để làm bằng chứng nhằm tránh thưa gởi lôi thôi; rồi gài vào cái quạt nước trước kiếng xe một tờ giấy phạt, khẳm lừ, từ 4 tới 5 trăm đô chứ không ít ỏi gì đâu! Còn vùng vằng chẳng chịu móc tiền, đòi ra tòa để cãi thì thường là bị ông tòa dộng thêm 5 trăm đô nữa, cộng tiền án phí vì làm mất thời giờ vàng ngọc của ổng. Do đó xin chớ chơi dại, bạn hiền ơi! Để 5 trăm mà trả ‘biu bộng’ cho con vợ nó nhờ nha!

Nhưng người viết có cái thắc mắc nầy muốn hỏi mấy ông anh hoặc mấy bà chị nghị viên ‘cáo sồ’ thân mến cả Úc lẫn Việt là 5 trăm đô đó đi về đâu?


Dấu hiệu
chỉ chỗ dành riêng
 cho người khuyết tật đậu xe.

Đi về đâu hỡi em 5 tờ giấy xanh? Nếu dùng số tiền đó để giúp cho những người khuyết tật trong phường, trong khóm thì tốt biết bao; còn cầm bằng cho nó chạy vô túi ‘cáo sồ’ mà mấy tay thị trưởng, nghị viên ỉ mình có chức, có quyền, làm không ai hay, ai biết, mà đem xài vô mục khác hay xài ‘bậy bạ’ như chiêu đãi ăn nhậu… thì cái nầy còn ‘bậy bạ’ hơn nhiều cái thằng cha phạm luật đậu ‘bậy bạ’ nữa à nhe?!
Vì những người khuyết tật rất đáng được giúp đỡ và khi giúp đỡ là phải cần tiền, để họ sống một cách bình thường như chính chúng ta vậy!

N ếu không ai thèm quan tâm, chia sẻ nỗi vất vả của những người không may mắn đó thì thảm kịch đau lòng ắt sẽ xảy ra như bên Mỹ vậy:
Báo chí Mỹ cho biết: Một cụ ông 88 tuổi ở Oakland, cựu lính nhẩy dù Mỹ, từng tham gia Đệ Nhị Thế Chiến ở Châu Âu, bị ung thư gan và bệnh phổi, đã bắn chết người con gái 58 tuổi, bị liệt tứ chi mà ông đã trông nom suốt từ 25 năm qua, rồi sau đó quay súng lại, tự sát!

Cách đây hơn mười năm ở Flemington, Melbourne, trong một căn flat, nhà chính phủ cũng xảy ra một vụ giết người rồi tự ải đau xót như vậy. Một người cha, gốc Việt tị nạn, chăm sóc hết lòng cho đứa con trai của mình đang phải sống đời thực vật. Bao năm đã lặng lẽ trôi qua, hình ảnh người cha tóc bạc trắng, âu yếm bế con mình lên xe, đi khám bệnh hay đi đâu đó làm ai nấy cũng đều dậy lên niềm cảm thông và kính phục cái tình phụ tử bao la cũng không thua gì biển Thái Bình. Rồi già yếu dần, rồi bi quan, nghĩ mình không còn đủ sức chăm sóc cho con mình được nữa ông quyết định mang nó đi theo!

Những câu chuyện thương tâm như vậy mà chúng ta, những người may mắn hơn, đi qua, nhìn thấy rồi…và đi luôn mà không chút bận tâm! Lòng ta sao nỡ dửng dưng đến thế?!

Qua hai câu chuyện trên đây, chúng ta thấy ngay cả cái xã hội giàu có và văn minh như Mỹ, như Úc dù có những nguồn hổ trợ cần thiết về vật chất cho người khuyết tật và thân nhân của họ nhưng về tinh thần hình như vẫn còn chưa đủ, chưa đúng mức… để cuối cùng cha phải giết con rồi tự sát. Trách ai đây? Người cha ư? Khi họ đà tuyệt vọng? Hay phải trách chính chúng ta?

Nếu chúng ta giúp đỡ cho tốt về vật chất lẫn tinh thần thì chúng ta sẽ được hưởng những thành quả lớn lao do những người dù bị khuyết tật vẫn còn mang đến.

Nguyễn Đình Chiểu trên đường lai kinh ứng thí, khi nghe tin mẹ mình mất, bỏ thi về lại quê nhà chịu tang Mẹ! Nhớ thương Mẹ già, khóc đến mù luôn đôi mắt. Và cũng vì nền y học thời đó bất lực không cứu được đôi mắt của người con hiếu thảo đất Ba Tri!

Tình làng, nghĩa xóm một lòng giúp đỡ, nên trong văn chương Việt Nam mới có được một nhà thơ lừng danh ‘Văn Tế Nghĩa Sỹ Cần Giuộc’, cụ Đồ Chiểu!

Thời Việt Nam Cộng Hoà, dù phải trải qua một cuộc chiến giữ nước vô cùng gian khổ và ác liệt, chúng ta vẫn ráng có trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu để chăm lo dạy chữ, dạy nghề cho những con em không may nhìn thấy gì được nữa. Và Trại Phong Quy Hòa, Quy Nhơn chẳng hạn! Nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử với ‘Đây Thôn Vỹ Dạ!’ (Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Lá trúc che ngang mặt chữ điền…) bị tàn tật vì căn bệnh phong cùi mà y học thời đó bó tay; nhưng sự giúp đỡ dù nhỏ nhoi đó của những người đầy lòng nhân hậu cũng đủ cho ông làm ra những vần thơ trác tuyệt ở cuối đời.

Còn Tây Phương thì chúng ta có nhà vật lý học lừng danh Stephen Hawking.

Dù ông phải chịu một căn bệnh trầm trọng về thần kinh vận động, làm liệt tứ chi và khi giao tiếp phải nhờ tới máy vi tính. Nhưng những công tình khoa học của ông đã giúp ích cho nhân loại biết bao! Ông nói:

  “Những người tật nguyền đều có thể làm một việc gì đó theo khả năng mình! Cái chính là hỗ trợ cho họ cống hiến tài năng của mình cho nhân loại!”

Nhưng tiếc thay một số trong chúng ta vẫn còn dửng dưng, kỳ thị, khinh rẻ vì họ tật nguyền?
Nhà vật lý học Stephen Hawking với tổng thống Barack Obama (hình http://muppet.wikia.com/)

Trong một tạp ghi mới đây, có một tác giả thuật lại một câu chuyện như sau đáng làm cho chúng ta suy ngẫm:
Một chuyến bay Newark, New Jersey về Los Angeles, California bị trễ hơn một tiếng. Tại quầy bên cạnh cổng 112, một hành khách có vẻ tức tối lắm, lấn lên phía trên, len qua mặt mấy người khác và ném tấm vé lên quầy, muốn được cho bay chuyến sớm nhất và phải xếp cho ông ta ngồi hạng nhất.
Người tiếp viên trả lời rằng cô xin lỗi về những phiền nhiễu mà chuyến bay gây ra cho ông, nhưng cô cũng phải giải quyết những hành khách tới trước và hứa là sẽ giúp ông khi đến lượt ông.
Nhưng ông khách không bằng lòng, ông hỏi như hét vào mặt cô, rõ ràng là để cho các hành khách khác cũng nghe được: “Do you know who I am?”
Người phụ nữ này, vẫn tươi cười, cầm chiếc micro của hệ thống khuếch âm lên và nói lớn bằng giọng rành rẽ rằng:
“Ở quầy 112, có một vị hành khách không biết mình là ai, quí hành khách ai có thể giúp ông ta biết được căn cước của ông, xin tới quầy 112.”
Ông khách tự nhiên, vì chính câu hỏi của ông, biến thành một bệnh nhân tâm thần, một người mắc Alzheimer, một người lãng trí, tâm lý, thần kinh thác loạn, lẫn lộn bản thể, không còn nhớ mình là ai, tên gì, ở đâu nữa. Và lúc ấy thì đám hành khách đang sốt ruột đứng trước quầy đều phá ra cười.

Tác giả bài viết vỗ tay tán thưởng người phụ nữ làm việc cho hãng máy bay nầy: “Chao ôi, hay biết là chừng nào!”.

Nhưng người viết thì thấy cái cách nói nầy hỏng có gì hay ráo trọi!

Đành rằng ông khách, ‘nổ’, nhẩy hàng, nói lớn tiếng với phụ nữ nhưng yêu cầu của ông cũng đúng đó thôi; vì ông đi máy bay là có trả tiền thì ông được quyền đòi hỏi hãng máy bay phải làm đúng như hợp đồng giữa kẻ mua và người bán.

Trường hợp nầy là lỗi của hãng hàng không rõ ràng rồi. Chỉ xin lỗi lấy lệ cho có! Sao được? Gặp hành khách hơi khó tánh một chút… thì nên cử một nhân viên nhã nhặn lễ phép ra mà thương lượng giải quyết cho khách hàng mới là phải… phải? Còn chỉ vì cái lỗi: nhẩy hàng, la lối um sùm mà bị bêu xấu trước mặt công chúng, gọi ông là người lú lẫn, mắc bệnh tâm thần rồi cả bọn xúm nhau lại cười hô hố thì tui e làm vậy là không chuyên nghiệp, là bậy bạ quá!

Chúng ta trước hay sau rồi cũng sẽ phải đi qua con đường sanh, lão, bệnh rồi tử. Cách chi mà tránh khỏi! Không bệnh lú lẫn, thì bệnh Parkinson hay phải liệt nửa người. Thì những người bị bệnh Alzheimer không phải là người đáng bị chúng ta rủa sả là họ bị tâm thần cho được! Tổng Thống Ronald Reagan cuối đời cũng bị đó thôi! Mà có ai dám coi thường một ông Tổng Thống anh minh của nước Mỹ đã góp phần làm sụp đổ bức tường Berlin và chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu đó sao?!

C ười nhạo người khuyết tật đã là một việc làm bậy bạ mà nhẫn tâm hơn nữa là đem họ ra mà rủa sả: “Đồ đui, đồ câm, đồ điếc, đồ cùi hay đồ điên nữa?!”, “Đáng đời! Vì kiếp trước cha mẹ nó làm ác nên kiếp nầy để quả báo lại cho con?!”.
Chúng ta làm ác là chính chúng ta phải chịu hậu quả! Không ai khác nhào vô thế mạng được! Gieo gió thì gặt bão. Nhân quả cho chính mình chứ con cái nào có tội tình gì đâu mà lôi cổ nó vô đây?

Không ai muốn mình bị khuyết tật nhưng lỡ bị khuyết tật rồi không phải là đồ bỏ, không phải là gánh nặng của xã hội. Đừng cho rằng người khuyết tật là người ỉ lại. Đừng cho rằng người khuyết tật không thể có được cuộc sống bình thường. Suy nghĩ như vậy là cực kỳ bậy bạ lắm nha!

Một số trong chúng ta đối với người khuyết tật là trắc ẩn, thương hại, tội nghiệp. Người khuyết tật chắc không cần cái lòng trắc ẩn này đâu? Họ không cần ai bố thí! Vì họ cũng là người, cũng có lòng tự trọng như chính chúng ta!

Cái họ cần là tạo điều kiện cho họ sống, điều kiện cho họ làm việc và đóng thuế như chúng ta thôi.
Tuy nhiên rõ ràng là chúng ta làm chưa đủ; nhứt là ở những nước nghèo mà sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi, chỉ hô khẩu hiệu suông không thôi thì e rằng tình trạng của người khuyết tật ngày sẽ một tệ hại hơn thêm!

Ngoài ra, ở Việt Nam còn có những người tàn tật vì cuộc chiến tranh vừa qua vô cùng khốc liệt. Cứ một người lính tử trận là có 3 đến 4 người lính bị thương tật, những người đã hi sinh một phần thân thể mình cho đất nước!

Theo thống kê năm 2011, Việt Nam có khoảng 6.1 triệu người khuyết tật, tương đương 7.8% dân số. Những người thương binh đó bụng đói đầu gối phải bò nhưng với lòng tự trọng, họ không hề muốn là gánh nặng của bất cứ một ai và bằng mọi cách để kiếm sống như bán vé số chẳng hạn. Vậy mà những kẻ bất lương lại coi người khuyết tật là mục tiêu dễ ăn, để cướp giật!

Chuyện rằng: Cụ già tên Nguyễn Bán (khoảng 70 tuổi, quê ở Quảng Nam). Hai mắt bị lòa, cụt mất cánh tay trái có thể vì chiến tranh, đứng ôm gốc cây khóc nức nở sau khi bị hai tên cướp cạn giựt mất 150 tờ vé số rồi bỏ chạy… Xã hội đạo đức đã tan rã suy đồi đến nỗi không còn gì nói nữa!
Những người hy sinh
 một phần thân thể cho đất nước
(hình http://phebinh.blogspot.com.au/)


Nhạc Sĩ Nhật Ngân có lần thấy một thương binh dạo đàn, hát trên bắc Cần Thơ để kiếm tiền độ nhật: “Chiều qua phà Hậu Giang tiếng ai hát dạo buồn thay. Tiếng ca sầu mênh mang như khơi niềm đau năm tháng xưa. Chân nạng gỗ thấp cao kéo lê đời theo dòng nhạc đưa. Mảnh chiến y phai màu khúc ca nào gợi sầu khôn nguôi…Hò... ơi nào ai biết chăng? Những kẻ ngày xưa đã âm thầm hiến dâng cả đời trai giữa sa trường. Giờ còn lại chi đây...?”.

Chúng ta đã may mắn chạy thoát ra được nước ngoài; còn những người đồng đội cũ vẫn còn kẹt lại, mình đầy thương tích đang kéo lê cuộc sống khốn cùng trong suốt 38 năm ròng! Chúng ta còn nợ họ nhiều lắm phải không? Thưa quý bạn!
đoàn xuân thu.
melbourne.
Muốn gởi bài này cho bạn bè, 
xin bấm mouse chọn 
Twitter,
 email,
Facebook
hay Google+ 
ở lề bên trái.





0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.