Minh Tú::
M ỗi năm đến tháng tư, người dân Việt dù ở nơi nào trên thế giới cũng nhớ về ngày Quốc Hận. Riêng tôi…tôi có nỗi buồn gấp đôi so với mọi người. Nếu nói mất nước là mất tất cả thì tôi có thêm 1 mất mát gần như tất cả, tôi mất mẹ vào tháng tư đen cách đây 6 năm.
Mẹ già
(hình mtgcaimon.net ) |
Sau 22 năm sống xa quê hương. Má tôi ở Na Uy với anh tôi, lúc tuổi đời đã cao, vào tuổi thượng thọ 84, má tôi suy yếu nhiều. Em gái tôi đề nghị nên đưa má tôi về Việt Nam sống với em gái tôi, và anh tôi đã đưa má tôi về sống tại quê hương trong quãng đời còn lại của người được 2 năm 2 tháng.
Năm đó khi nghe em tôi báo tin má tôi đã suy yếu, tinh thần cũng kém minh mẫn nhiều. Tôi thu xếp việc gia đình và xin lấy ngày nghỉ phép ở chỗ làm để về việt Nam thăm má tôi trong tháng 5, mà tôi đoan chắc là lần thăm viếng cuối cùng. Tôi điện thoại cho em báo tin và còn nói đùa một câu "chị về thăm má đầu tháng 5. Chị không muốn về Việt nam trong tháng 4 để Việt cộng tuyên truyền là chị về ăn mừng nó chiến thắng Miền Nam”
|
T ôi vui mừng khấp khởi vì sắp được gặp lại má tôi, tôi dự định sẽ mua quà gì cho má tôi, sẽ kể chuyện vui buồn gì của gia đình nhỏ chúng tôi cho má nghe và tự hứa với lòng sẽ sống thật trọn vẹn không rời xa má trong 5 tuần lễ quý báu này cũng tương tự như những lần thăm má tôi ở Na Uy vậy….Tôi sẽ từ chối những cuộc đi chơi ngoạn cảnh bên ngoài cho dù rất lý thú để ở nhà tâm sự cùng mẹ, cho bỏ những ngày dài xa cách nhớ nhung
Hồi tưởng lại những chuyến thăm viếng đã qua khi má tôi còn sống ở Na Uy, khiến lòng tôi nao nức chìm trong nỗi nhớ. Mỗi sáng tôi dậy thật sớm, sang phòng má tôi và nằm chung trên một chiếc giường đơn nhỏ mà êm ái và ấm áp làm sao. Tôi có cảm tưởng như sống lại thời thuở nhỏ, được má gọi là “Bé”. Mẹ con tôi ôn lại biết bao kỷ niệm từ thuở tôi còn nhỏ xíu, từng câu nói ngây ngô, dễ thương của tôi như thế nào. Má tôi nhắc lại chuyện mỗi lần má tôi ở quê ra chợ (quê tôi ở Sa Đéc đến 9 tuổi mới lên sống ở Sài Gòn).
Dân quê Miền Tây vài tuần mới đi chợ một lần, vì có sẵn tôm cá, rau cải ở ao và vườn nhà. Tôi đều dặn má tôi ”Má mua dùm con bánh bò nghen má “, hoặc bánh tằm ngọt là 2 món mà tôi thích nhất. Má tôi cười hỏi lại “Con nói mua dùm thì đưa tiền cho má đi chớ“. Thuở nhỏ mới 6, 7 tuổi ở quê tôi làm gì có tiền nên chỉ bẽn lẽn cười trừ.
Rồi nhắc chuyện Ông Bà nội tôi, Bà nội rất thương má tôi, Ông nội thì khó tánh không chịu ăn gạo xay ở nhà máy cho rằng độc hại, muốn cả nhà xay, giả, khiến bao người phải cực nhọc …Chuyện gia đình 2 lần tản cư tránh giặc Pháp và 2 lần bị giặc Pháp đốt nhà không còn đôi đũa ăn cơm..Chuyện 2 lần tôi suýt chết, lần đó ba tôi bơi xuồng chở tôi đi hái gương sen, gặp máy bay Pháp đi bố phải lũi xuồng núp dưới tàu lá sen trốn mới thoát khỏi bị máy bay bắn chết. Chuyện một lần tôi cãi lời má, tắm mãi ở dưới sông, má gọi hoài không chịu lên, bị rắn nước lai rắn hổ mang cắn, nếu không kịp chở đến thầy thuốc rắn thì chết rồi. Vết thẹo màu xanh thẩm trên bàn tay trái tôi nhiều năm sau vẫn còn. Kỷ niệm thời Ba tôi còn sanh tiền, chuyện bà con, hàng xóm, chuyện thời cuộc, chuyện Việt nam, chuyện Na Uy... kể hoài không hết, 2 mẹ con nói cười không dứt.
Đến trưa, má con tôi cùng nấu món ăn chay. Má tôi ăn chay trường đến khi người mất được 43 năm. Món ăn mà má tôi thích là xôi đậu xanh nước dừa với muối mè đậu phộng.
M á tôi không đẹp nhưng nét mặt rất phúc hậu, dịu dàng, còn lưu lại trong những di ảnh cất trong tủ kiếng, mỗi lần nhìn ảnh tôi không sao tránh khỏi sự bùi ngùi thương tiếc.
Nếu không có biến cố đau thương 30/04/1975 xẩy ra thì tôi đâu phải sống xa má tôi mấy chục năm trường. Tính lại bây giờ tôi vừa qua tuổi lục tuần mà tôi ở bên má tôi chỉ có 26 năm, một thời gian ngắn ngủi so với tuổi đời. Ba tôi mất năm 1973 năm ấy tôi 22 tuổi. Tôi sống trong gia đình cùng một anh, một chị và một em gái. Hai năm sau tôi lập gia đình rời xa má để theo chồng…rồi tôi có đứa con đầu lòng. Thời gian vợ chồng con cái tôi về thăm má tôi mỗi lúc càng ngắn càng thưa dần cho đến một ngày không còn về thăm má nữa là khi chúng tôi đi vượt biên tìm sự sống. Hai mươi sáu năm tứ cô vô thân nơi xứ lạ quê người. Anh chị em mỗi người mỗi ngã, 4 người ở 4 nước khác nhau: Úc, Mỹ, Na Uy và Việt Nam.
Má tôi đã làm một chuyến du hành dài dậm từ Na Uy sang Mỹ thăm chị tôi, sang Úc thăm tôi. Tôi phục má tôi lắm, người là một bà nội trợ xưa nay chỉ quanh quẩn trong gia đình với con cháu, nay dám làm một cuộc hành trình đơn độc xuyên qua mấy quốc gia xa lạ mà vẫn thành công dù không nói được tiếng Anh.
Thời gian má tôi ở Na Uy, anh và chị dâu tôi cũng có đưa má tôi đi du lịch Tây Ban Nha, sang Pháp thăm cậu tôi và sang Canada thăm dì tôi. Có chụp nhiều hình lưu niệm. Đây là thời gian má tôi vui và sức khỏe viên mãn nhất.
K hi má tôi trở về Việt Nam sống. Tôi có về thăm được 2 lần. Lần nào tôi cũng chán chường cuộc sống giả dối, xô bồ ngoài xã hội. Tôi luôn ở cạnh gợi chuyện cho má tôi vui. Cùng suy gẫm chuyện đạo chuyện đời, cùng nghe băng niệm Phật. Tôi cảm nhận sự cô đơn và lo lắng của má tôi, của những người già nua sắp về bên kia thế giới. Nhìn má tôi suy yếu, mõi món như ngọn đèn trước gió không biết tắt lúc nào, tôi vô cùng đau đớn nhưng biết làm sao hơn. Kiếp người trong thế giới luân hồi đau khổ này…Rồi cũng sẽ đến lượt tôi.
Ngàn nụ hôn cho mẹ
(Hình news.zing.vn) |
Một tháng trước khi tôi về Việt Nam thì má tôi mất. Hơn 20 năm má tôi đã chờ đợi tôi nhiều lần, giờ chỉ còn 1 tháng sao người không chờ đợi, để tôi được cầm tay má tôi một lần cuối cùng, như những lần 2 mẹ con cầm tay nhau lưu luyến tiễn biệt trên chuyến xe từ nhà ra phi trường mà vẫn hẹn ngày tái ngộ trong nước mắt.
Nhưng lần này tôi không cầm tay, không còn tái ngộ nữa rồi. Má vĩnh viễn rời xa ”đứa con nhỏ xíu của má“ ngày nào rồi. Bụi tro di cốt của má sẽ tan biến trong cõi Ta bà này nhưng hình ảnh nhân hậu, khả kính của má sẽ còn mãi trong con. Vĩnh biệt má.. Má ơi !
|
Tôi Nhớ lần cũng vào dịp ”ngày của mẹ“ con trai tôi dù đã gần 20 tuổi, vẫn hay ôm hôn tôi mỗi khi đi đâu về, có hỏi tôi một câu làm tôi nhớ mãi:
-Từ nhỏ đến lớn, má có hôn Bà ngoại không?? Và má hôn Bà ngoại được mấy lần rồi??Tôi bàng hoàng nhìn con tôi mà không biết trả lời sao. Con trai tôi từ nhỏ đến lớn theo lối sống Tây Phương, đã hôn tôi ngàn vạn lần không đếm xuể. Với con tôi nó hôn mẹ quá dễ dàng. Còn tôi chưa bao giờ hôn má tôi cả. Tôi ngập ngừng trả lời con tôi:
- Người Á Châu, người Việt ít có biểu lộ tình thương cha mẹ bằng nụ hôn, chỉ thể hiện tình thương qua cử chỉ, ánh mắt, qua vòng tay ôm hoặc nắm tay trìu mến thôi con à.Tôi biết trả lời với con tôi sao đây. Tôi bùi ngùi nhớ lại mà thương má tôi biết là bao nhiêu
- Nhưng nếu má hôn và nói thương Bà ngoại, con chắc bà ngoại sẽ vui lắm đó!
G ia đình anh tôi rồi đến chị tôi vượt biên tìm tự do, má tôi khóc hết nước mắt, người vào ra than thở “Con trai, dâu,cháu ra đi chưa biết tin lành dữ thế nào thì đến con gái đi, đất nước gì mà đến nông nổi phải bỏ của trốn chạy vậy. Con cháu đi hết rồi má sống làm sao nổi”
May là còn có tôi an ủi dần dần má cũng nguôi ngoa. Sau đó nhờ chư Phật gia hộ độ trì, má con tôi nhận tin lành cả gia đình anh tôi và chị tôi được bình yên đến bến bờ tự do. Má con tôi khóc thỏa thuê một lần sau cùng….Rốt cuộc rồi đến vợ chồng con cái tôi. Ngày tôi bỏ nước ra đi quá vội vã để đi tìm sự sống trong cái chết, không kịp một lời từ giã má tôi vì đang ở bên nhà chồng. Má tôi hay tin chắc khóc nhưng nước mắt đâu còn để mà khóc.
Sáu năm sau má tôi rời Việt Nam lên đường để sang sống với anh tôi ở Na Uy, xứ sở giàu lòng bác ái đã cứu vớt gia đình anh tôi giữa lúc nguy ngập trên biển cả trong lúc trốn chạy Cộng sản
Được thư má tôi báo tin đã đoàn tụ với anh tôi, tôi vui mừng ngập tràn suối lệ. Tôi nguyện với lòng sẽ cố gắng dành tiền để sang Na Uy thăm má tôi vì lúc ấy tôi mới định cư ở Úc có 4 năm, gia cảnh còn eo hẹp lắm. Thời gian cứ trôi mãi đến mùa đông năm 2000 tôi mới được sang Na Uy. Má tôi đã già nhiều, da mồi, tóc bạc nhưng trí vẫn còn minh mẫn khi nhắc kỷ niệm xưa. Chị tôi cũng sang Na Uy thăm má tôi trong dịp này. Nhân thể anh tôi làm lễ mừng thượng thọ cho má tôi, năm đó má tôi đã 80.
T rong 4 chị em… tôi là người tương đối gần gũi và hợp tánh ý với má tôi nhất về cả 2 phương diện đạo và đời. Thời gian ở bên má, tôi đếm từng ngày trôi qua. Mỗi từ lịch rơi xuống là sự báo hiệu ngày rời ra má tôi càng gần, làm tôi càng đau đớn, xót xa.
Ngày về lại Úc, nhớ lời con tôi hỏi, tôi ôm sát má tôi vào lòng, hôn lên mái tóc bạc phơ của má tôi mấy cái rồi xách túi hành lý chạy nhanh lên xe ra phi trường... Trên chuyến bay đi về Úc, tôi khóc và cố ngăn cho lệ đừng tuôn ra ngoài, “Má ơi bao giờ con gặp lại má nữa đây“.
Má tôi mất đã 6 năm.. Tôi đã ôm, đã hôn và nói tiếng yêu thương má tôi được mấy lần. Chỉ là nỗi niềm ân hận không nguôi. Sao tôi không làm cử chỉ yêu thương đó cho má tôi được thỏa lòng và vui lắm như lời con tôi nói. Bây giờ đọc những bài viết, nghe những bài hát về Mẹ, hay những ngày lễ Vu Lan được các con chúc mừng, thương yêu, nhất là khi nghe bản nhạc ”Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười" của nhà thơ Trần Trung Đạo tôi không sao cầm được nước mắt.
Tôi bất hạnh không còn mẹ nữa, ”Ngày lễ mẹ“ năm nay, tôi muốn gửi gắm nỗi lòng đến những vị cùng thời tuổi với tôi được may mắn còn mẹ trên dương thế. Xin hãy hôn, hãy nói lời yêu thương, âu yếm với Mẹ.
Đã 6 năm trôi qua, là một Phật tử, tôi chỉ biết theo gương chay tịnh sống hiền lương, đọc kinh, niệm Phật và cầu xin má tôi được về cảnh giới bình an, siêu thoát của chư Phật. Nơi đó không có đau khổ, không có hận thù, không có chia cách và nhất là không có THÁNG TƯ ĐEN.
MINH TÚ
Bài viết buồn và cảm động quá. Không có nỗi buồn nào sâu và đậm hơn nỗi buồn mất mẹ, nhưng mấy ai trong chúng ta sống trọn vẹn cho mẹ ? Giá như chúng ta cũng yêu cha mẹ như yêu con cái chúng ta thì sẽ không ân hận hay nuối tiếc khi người ra đi, những ai may mắn còn cha mẹ xin hãy dành trọn khoảng thời gian còn lại của cha mẹ với tình yêu bao la và lòng biết ơn của chúng ta cho bậc sinh thành
ReplyDelete