Sunday, 18 August 2013

Nhân quả


HÀ-HOÀNG-VĨNH-LẠC ::

Cô Tám Hà Mộng Hoa   sinh 1942, tuổi Nhâm Ngọ. Tên cô do cha tôi đặt. Khi tôi lớn lên nghe họ hàng 2 bên Nội Ngoại kể lại lúc bà Nội Thuận sinh cô ra, cha tôi biết chấm Tử Vi nên bảo: ngày giờ sinh của cô bị tương khắc vì vậy sau này cuộc đời của cô không suông sẻ lắm, do đó ông đặt cái tên này để mong ước cho cô được tươi đẹp như một đóa hoa.


Cô Tám và cha tôi là anh em chú bác ruột. Lúc tôi được 6-7 tuổi thì ông và Bà Nội ở riêng, nhưng vẫn qua lại. Mẹ con bà Nội Thuận mua miếng đất ngoài mặt lộ, xây cái nhà vừa ở vừa bán mì quảng. Cô Tám học lở dở (lớp ba) ở nhà phụ xay bột tráng mì cho Bà Nội; lúc quán ế thì đi làm phụ cho anh em bà con lấy gạo, thóc.


Gái quê
(Hình http://diendan.yeunhiepanh.net/)
Mặc dầu cô sinh ra trong gia đình nghèo khổ nhưng ngược lại cô rất mảnh khảnh, mặt mày xinh đẹp, dáng cao ráo đài các vô cùng. Càng lớn càng đẹp ra thêm, nên những chàng trai mười sáu, mười bảy ngày ngày lượn qua lượn lại quán mì Bà Nội rộn ràng đắc khách.

Cạnh nhà bên là nhà của ông Huệ người từ làng Mã Châu, Quận Duy Xuyên tản cư vào thời kháng chiến. Quê ông là xứ quay tơ, dệt lụa, chằm nón lá. Gia đình ông buôn bán tạp hóa có khung cưởi. Anh An con trai lớn ông 17 tuổi đứng máy, có lò nấu rượu giao cho anh Yên em kế anh An trông coi. Ông Huệ cậy người mai mối tới nhà ông Bà Nội hỏi cưới cô Tám cho anh An. Họ hàng Cô Tám đều không thích gia đình Ông Huệ vì đánh giá Ông Huệ thuộc dân "trôi sông lạc chợ" không gốc tích. Nhưng cha tôi bảo không sao cả miễn con Tám nó chịu là được.

Trước ngày đám hỏi của Cô Tám và Anh An. Gia Đình ông Huệ gói bánh ú, bánh tét để đi quà lễ. Nhưng ông gói không đẹp, ông nói anh Yên chạy qua nhờ Bà Nội Thuận tới gói giùm. Bà Nội nghĩ đơn giản qua giúp cho anh suôi cũng không sao nên qua ngồi trên bộ phản (bộ ván) để gói bánh. Ông Huệ ngồi đối diện vừa gói ông suôi bà suôi vừa nói chuyện. Không biết bà con ai thèo lẽo với Ông nội sẳn uống mấy ly rượu đã ngà ngà, từ trong nhà của ông xăm xăm đi vào không nói một câu chụp ngay đầu bà Nội kéo về. 

Rồi ông bà làm lớn chuyện thế là chuyện tình của cô cậu lối xóm “Láng giềng" gãy đổ. Cô Tám Mộng Hoa buồn não nuột. Anh An lại càng buồn hơn nên đóng chặt khuôn cưởi ra đăng ký đi lính biền biệt.

Thời gian có phải là liều thuốc thần tiên chữa lành tâm bịnh không? Mà cô Tám Mộng Hoa của tôi càng ngày càng xinh đẹp, biết bao ong bướm dập dìu vờn hoa, biết bao bao nhiêu chàng trai ngỏ ý. Cô Tám lại chịu anh Bảy Tiên con Bà Hàng làm bà mụ vườn đỡ đẻ ở xóm trên. Bà có hai người con thôi. Anh Bốn Hồng là con trai lớn đã đi nói vợ nhiều nơi mà không ai dám ưng vì nghe tiếng Bà Hàng quá gay quá khó. Bà Hàng nhờ mai mối đến nhà Ông Bà Nội và được Ông Bà Nội đồng ý gã. Đám hỏi xong, một năm sau Bà Hàng xin cho đám cưới. Hai bên thỏa thuận ngày giờ rước dâu và chuẩn bị tiền bạc đầy đủ, tôi cũng được dự phần trong ngày cưới của cô. Cưới xong cô Tám về làm dâu mọi việc trong nhà cô đảm đang hết từ bếp núc, rau heo, cháo chó đến việc cày, bừa, cấy, gặt. Không có việc cô phải đi chăn bò. Khi đi chăn bò phải kiếm củi để lúc trở về nhà phải đội củi khô trên đầu. Nếu không có củi thì không được ăn nửa buổi.

Cô Tám làm dâu nhà Bà Hàng được 9 tháng mà ban đêm chưa bao giờ được ngủ chung với anh Tiên, vì đến tối là Bà Hàng kéo giường áng ngự trước cửa buồng. Một hôm cô Tám đi chăn bò do cô bị bịnh quá mệt cô không thể quơ củi được, khi cho bò về vào chuồng xong cô Tám vào nhà, nghỉ ngơi một lát, rồi lấy chén xúc khoai vào định ăn, thì lập tức Bà Hàng hàng giật đổ tô khoai và ghì đầu cô Tám xuống đánh. Vừa đánh vừa đay nghiến "Chăn bò không có củi thì không được ăn nửa buổi. Biết chưa" Bà đánh liền tay. Tội nghiệp Cô Tám yếu đuối. Bà Hàng thì to bự, Cô Tám đành hứng chịu trận đòn roi nhừ tử, trong lúc đó anh Hồng, anh Tiên không ai ở nhà cả, nhưng nếu có ở nhà thì cũng không dám can gián! Phần nhà Bà Hàng ở đầu xóm, xứ núi rừng dân cư lại thưa thớt, nên lối xóm không ai biết... không ai hay.

Mãi đến mấy tiếng đồng hồ sau, giòng họ tôi nghe tin ai nấy xôn xao, quyết lên ăn thua đủ với bà Hàng. Bà Nội Thuận, thì khóc bù lu bù loa thương cho cô Tám quá long đong. Sau trận đòn đó, Cô Tám thương tích bầm tím, đi đứng không nổi còn bị bỏ đói bỏ khát.
Quê tôi vào thời đó nhằm tháng ba đồng khô cỏ cháy không thể nào gieo mạ cấy được chỉ trừ dòng họ nhà tôi có số ruộng sâu nên đào được ao, còn nhiều gia đình sáng sớm phải dậy đi ra mấy xã khác để mua mạ về cấy. Cha tôi tức tốc tập trung mấy chú, mấy cô lại phân công phải thay phiên theo đoàn người mua mạ đem đồ ăn, nước uống cho cô.

Nhưng đâu hơn hai tuần bà Hàng bắt đầu nghi ngờ, nên có một đêm bà rình thấy mấy cô, chú tôi vừa đưa đồ ăn vào cho cô Tám thì bà Hàng chạy ra la lên, nói“dòng họ tôi đem đồ ăn lên đầu độc cho cô Tám chết bà không chịu trách nhiệm “. Mấy cô, chú tôi chạy về cho cha tôi hay. Ngày hôm sau cha tôi đi làm việc dưới xã và yêu cầu Bác Quyền là Đại diện của xã giải quyết gấp. Qua mấy ngày sau xã gởi giấy mời ba mẹ con bà Hàng và cho người bỏ cô Tám vào rổ phân khiêng xuống cơ quan xã (rổ đựng phân đem vãi ruộng). Cuối cùng cô Tám về ở lại với Bà Nội Thuận, cô và anh Tiên chia tay lúc đó cô mới mười sáu tuổi nên chưa lập hôn thú. Xã phạt bà Hàng phải chịu tiền thuốc men cho cô. Thương thay Anh Tiên mang tiếng cưới vợ mà chẳng chung chăn chung gối đêm nào. Phần bên vợ, phần bên mẹ, hai bên nặng gánh nên buồn lòng đăng ký đi lính (đến 1963 anh bi tử trận tại xã Sơn Lợi, quận Quế Sơn).

Về chuyện Bà Hàng cho đến năm anh Hồng bốn mấy tuổi mới gặp được chị Năm Cái (chồng chết có hai con). Hai người lấy nhau về ở chung với Bà Hàng. Bắt đầu quả báo từ đây. Những năm đó tôi cũng đã trưởng thành rồi. Lúc bấy giờ Bà Hàng bị chị Năm Cái đánh tơi bời, đánh đến đâu chưởi đến đó không tiếc lời dù Bà Hàng là vai vế Mẹ chồng. Anh Hồng cũng sợ vợ đành im lặng. Bà con làng xóm thì hả hê nhất là những người đàn bà trong giòng họ nhà tôi. Phải nói ngày trước bà dữ dằn với cô Tám tôi bao nhiêu thì bây giờ bà sợ chị Năm Cái gấp ba gấp năm lần. Và bà chịu quả báo mãi cho đến năm 1968 bà chết vì bị súng canh nông bắn. Khi bà chết tôi đang học ở Tam Kỳ nên không chứng kiến cái chết thảm không toàn thẩy của bà.

Còn cô Tám Hà Mộng Hoa của tôi khi chia tay với anh Tiên khoảng hai năm sau cô có chồng cũng người trong xã. Nhưng rồi Dượng Ba Phận (chồng của cô) cũng chết trận, bỏ cô và người con trai duy nhất bơ vơ trên cõi trần. Bây giờ cô đã ngoài 70 tuổi sống an nhàn với đàn cháu cố, cháu nội thân yêu. Và cô thường lấy chuyện đời cô làm bài học luân lý dạy con cháu về luật nhân quả.

HÀ-HOÀNG-VĨNH-LẠC

2 comments :

  1. Ôi! Hà Hoàng Vĩnh Lạc ơi!
    Lời văn thủng thẳng như văn trong cổ tích, trong Nam Hải Dị Nhân, trong Truyện Cổ Nước Nam. Ý lại điềm tĩnh mặc dầu kể chuyện thật bi đát.
    Quả là bi đát cho phận má đào Việt Nam. Cứ tưởng chuyện này phải xảy ra trong thế kỷ 18 hay 19 hay thời Trung Cổ. Vậy mà ngày nay vẫn còn chuyện này sao?
    Thương cho má đào....
    Og3t ::

    ReplyDelete
  2. Phụ nữ Việt Nam thật giỏi chịu đựng, đa số trong đầu vẫn thờ phục chồng và gia đình chồng, mọi tủi nhục đắng cay đều nuốt nước mắt nhẫn nhịn một mình, thương thay cho thân phận phụ nữ ngày xưa, bây giờ thì lớp trẻ lớn lên thấm nhuần ít nhiều tư tưởng tây phương nên có nhiều nghị lực hơn , tuy nhiên vẫn còn cảnh chồng chúa vợ tôi ở một số vùng nông thôn và ở những người phụ nữ kém may mắn ít được đến trường,đó cũng là " di sản " của 4000 năm đô hộ giặc Tàu

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.