Tuesday, 6 August 2013

Nguyễn Tường Vân muốn làm người tốt hơn

Khoa Nam :: 

Trong hai tối thứ Năm   vừa qua, đài truyền hình SBS đã lấy không biết cơ man nào là nước mắt của người Việt Nam tại Úc. Đúng hơn qua hai lần chiếu cuốn phim tập Better Man về một người Việt Nam do một người Việt Nam biên kịch và đạo diễn, SBS đã làm khán giả người Việt Nam thấy những dằn vặt trong lòng của chàng thanh niên Việt Nam bị tử hình cách đây tám năm.



Diễn viên trong phim Better Man
(Hình Theage.com.au)

Tháng 12 năm 2002, Nguyễn Tường Vân, 22 tuổi, đã bị bắt quả tang chuyển ma tuý ngang qua phi trường Singapore. Tội này rành rành và không một người Việt Nam nào muốn thấy con cái, bà con hay láng giềng mình sa vào tội ác này. Tuy nhiên, khi các gia đình người Việt Nam ngồi gần bên nhau rươm rướm nước mắt theo dõi phim “Nguyễn Tường Vân” -- như người mình nói vậy -- thì nhận ra những thước phim này không chỉ nói về một chàng trẻ tuổi dại dột đơn độc. Phim “Nguyễn Tường Vân” cho thấy chằng chịt những mối dây nối kết người trong gia đình với nhau. Việc làm của con đã luỵ đến mẹ. Việc làm của anh đã luỵ đến em. Việc làm của Vân đã còn luỵ đến cả bạn bè thân quen Rabbit, Kelly Ng, Rachel, vân vân.

Remy Hii Nguyễn Tường Vân 

Trước hết, cuốn phim nói đến chuyện của gia đình bà Kim, mẹ của Nguyễn Tường Vân. Bà Kim quả có lý khi lên tiếng yêu cầu đài truyền hình SBS đừng chiếu lại cảnh đau lòng. Phim này khơi lại vết thương lòng cho bà. Nếu phim có thể khiến cho khán giả cảm tình hơn với Nguyễn Tường Vân vì chàng đã thành “Better Man, người tốt hơn” thì có thể lại làm cho người em song sinh của Vân thêm nặng trĩu cõi lòng hơn vì chàng lại bị coi là.... xấu hơn.

Phim này được dàn dựng làm bốn phần. Nhưng SBS dồn lại và trình chiếu làm hai lần. Lần trước cho thấy đường nào đã dẫn chàng trai 22 tuổi rớt vào quyết định dại dột. Phần một bắt đầu hơn chậm chạp nhưng lôi cuốn nhờ diễn xuất của Remy Hii.

Remy Hii là tài tử đang lên của Úc, sinh tại Queensland, là con của người cha Mã Lai gốc Trung Hoa và mẹ người Úc. Remy Hii học diễn xuất tại trường National Institute of Dramatic Art, Queensland. Hay tin đạo diễn Đỗ Khoa tìm người đóng vai Nguyễn Tường Vân, Remy Hii đã đọc hết kịch bản và dùng phòng khách trong nhà của mình để quay thử hai cảnh trong phim. Remy Hii được đạo diễn Đỗ Khoa chọn.

Nguyễn Tường Vân là vai chính đầu tiên Remy Hii thủ diễn bên cạnh ba tài tử gạo cội David Wenham, Bryan Brown và Claudia Karvan của Úc. Khán giả truyền hình Úc sẽ còn gặp lại Nguyễn Tường Vân Remy Hii trong những phim tập như Neighbours...

Hai phần của Better Man 

Về phần biên kịch và dàn dựng, Đỗ Khoa không được thuận lợi như các đạo diễn khác: lý do là ai mà chả biết kết cuộc của phim này. Khán giả có tiếp tục bật đài SBS lên không phải để theo dõi cốt truyện mà để cùng dằn vặt với Tường Vân, băn khoăn với nhóm luật sư, quay cuồng cứu con với bà Kim... Thế là khi dàn dựng Bette Man, Đỗ Khoa không nặng về cốt truyện mà nhắm vào những mối liên hệ chung quanh của truyện và đào sâu nội tâm của vai chính. Đạo diễn và cũng là công dân trẻ người Úc xuất sắc trong năm 2005 đã thành công khi chuyển đạt vào lòng khán giả những xao xuyến, dằn vặt và liều lĩnh của chàng tuổi trẻ nghĩ mình có trách nhiệm với mẹ và em. Mấy phút khi Nguyễn Tường Vân bị chận bắt, khám xét và chàng tự đập đầu vào tường đã làm nghẹt thở.

Đêm trình chiếu trước của SBS cuốn hút khán giả với những xen ma giáo trong giới giang hồ. Phần trước của Better Man không thua gì phim tập Underbelly của Úc. Phần sau vẫn là chuyện của chàng thanh niên muốn trở thành người tốt hơn nhưng giàn trải lên màn ảnh nỗ lực cứu chàng khỏi thòng lọng tử hình: toán luật sư Úc làm việc không công, mấy cô bạn của Vân và trên hết là vùng vẫy của bà mẹ trước ngày con bị xử. Bà đã làm hết mọi chuyện để cứu con, kể cả quỳ gối dưới chân thủ tướng Úc!

Chuyện của những gia đình 

Kịch bản Better Man của Đỗ Khoa rất sắc bén khi tả hoạt động của thế giới buôn ma tuý; mà lại lạnh lùng với cảnh sát, quan toà và cai ngục; nhưng gây xúc động với những giọt nước mắt của người mẹ.

Thật vậy, dàn dựng của Đỗ Khoa lấy khá nhiều nước mắt của khán giả nhưng không quá cường điệu đến bù lu lù loa như phim tập Đại Hàn hay Việt Nam. Xem phim này chúng ta phải hiểu điện ảnh dùng thêm nhiều kỹ thuật để chuyển cảm xúc vào lòng khán giả. Đây là phim chứ không phải là thực. Luật sư Lex Lasry từng biện hộ cho tử tội Nguyễn Tường Vân -- nay ngồi ghế thẩn phán tại toà chung thẩm tiểu bang Victoria -- nhận xét: phim này“không có gì chính xác vì muốn lấy nước mắt của khán giả, dramatically inaccurate”.

Không chính xác như các diễn tiến nhắm cứu cậu bé mặt búng ra sữa khỏi thòng lọng tử hình, ít ra phim Better Man rất thành công diễn tả các ràng buộc của những người trong gia đình với nhau.

Gia đình này trước hết là gia đình của bà Kim mà còn là gia đình của luật sư Julian McMahon (do tài tử David Wenham đóng). Luật sư Julian McMahon cùng với trạng sư Lex Lasry dành ra ba năm làm việc miễn phí để cứu tử tội Nguyễn Tường Vân. Phía sau cặp kiếng đạo mạo của luật sư Julian McMahon, ta còn thấy luống cuống của người chồng Julian McMahon khi bị vợ dũa vì lo cho người dưng hơn con gái. Phía sau công việc bề bộn của luật sư mỗi tuần phải bay sang Singapore thăm thân chủ, ta thấy thấp thoáng bàn tay chăm sóc chờ chồng về khuya và môi hôn tình tứ của người vợ (do minh tinh Claudia Karvan thủ diễn)...

Sau cùng, Better Man còn là chuyện của gia đình Đỗ Khoa! Thủ vai mẹ của Nguyễn Tường Vân không ai khác hơn là mẹ của nhà đạo diễn.

Ràng buộc 

Việc làm dại dột của một chàng tuổi trẻ không tiền án đã thành biến cố công khai (nếu không muốn nói là biến cố lịch sử) nên nhắc đi nhắc lại chuyện này – dầu khơi lại vết thương lòng cho nhiều người -- có thể giúp chúng ta nghĩ đến nhiều vấn đề liên hệ. Thí dụ người Úc bàn về án tử hình hay hợp pháp hoá ma tuý; còn người Việt nghĩ lại các ràng buộc giữa người trong gia đình với nhau. Hiển nhiên cha mẹ con cái và anh chị em trong nhà có mối dây liên hệ ruột thịt rất mật thiết. Hơn mối dây này, người trong gia đình Việt Nam còn gắn liền với nhau qua ảnh hưởng của văn hóa, tập tục hay tôn giáo.

Tên của cuốn phim này là Better Man. Bên cạnh cái tên này còn có thêm phụ đề “When family ties become a sentence...”. Chắc là người làm phim muốn hỏi: có khi nào ràng buộc trong gia đình lại là bản án cho người ta không.

Khoa Nam

3 comments :

  1. Corinda Huỳnh7 August 2013 at 06:20

    Phim quá cảm động. Mẹ em khóc mướt.

    ReplyDelete
  2. Tôi xem xong cũng khóc, khóc thương cho những đứa trẻ thiếu suy nghĩ nông nổi, thương cho những gia đình đổ vỡ , cha mẹ ly tán , không đủ sức để bảo bọc cho con cái,thương cho đứa bé vừa nhìn thấy cuộc đời đã phải ra đi chỉ vì sự lầm lỗi của mình, Văn chỉ còn biết xin lỗi những người ở lại, thật quá đau lòng, không biết sau khi xem xong cuốn phim này , bậc làm cha mẹ có nghĩ đến trách nhiệm của mình hay không ? Án tử hình thật quá tàn nhẫn, như vị luật sư đã nói, " nó chỉ là một đứa trẻ con, ai mà không có lỗi , hãy mở cho nó một con đường, hãy cho nó một cơ hội". Sao mà quá tàn nhẫn, kẻ đáng phải tử hình chính là những kẻ tàng trữ ma túy, thật là tội nghiệp vô cùng. Câu chuyện đã khép lại, nhưng trong lòng mọi người vẫn còn những điều trăn trở nghĩ suy.

    ReplyDelete
  3. Thông thường khi người ta bị bắt thường tìm cách chạy tội. Nếu thiệt tình Nguyển Tường Vân vì gia đình mà buôn ma túy thì củng không chạy nổi. Cứu cánh không biện minh cho phương tiện. Hoàn cảnh của gia đình có thề làm giảm án nhưng không biện minh cho tội lỗi.
    Thành ra ràng buộc gia đình không bao giờ thành bản án cho bất cứ ai.

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.