Sunday, 28 July 2013

Chữ và nghĩa!


đoàn xuân thu. ::

Ông Charlie Chaplin  (1889-1977) mà người mình thường gọi là Vua Hề Sạc Lô chuyên diễu, phim câm. Có thể là thuở ban đầu phim ảnh còn thô sơ, chỉ có hình ảnh mà chưa có tiếng nói nên phim phải câm, chỉ có lồng nhạc theo phim mà thôi?


Dù không có lời thoại nhưng những tác phẩm đó thật là tuyệt! Nó làm người ta cười và nó làm người ta khóc! Cái cười có ý nghĩa thâm thúy, giáo dục chứ không phải là cái cười cợt rẻ tiền, vô vị, vô duyên. Diễn viên không phải õng ẹo giả gái, chanh chua, mồm loa mép giải, tung hứng một cách lãng xẹt vô chừng vô độ mà không chứa đựng một thông điệp gì hay ho ráo trọi?

Làm hề ăn khách thì còn dễ nhưng mà làm hề để đời phải ngả nón cuối đầu, xưng tụng như nghệ sĩ: Charlie Chaplin, thì người viết e rằng phải vài thế kỷ mới có được một ông.
Ông Charlie Chaplin cũng có nói một câu rất thú vị rằng:
“Words are cheap. The biggest thing you can say is 'elephant' ”.
“Tiếng nói, chữ là chuyện nhỏ. Vì cái lớn nhứt bạn có thể dùng chữ để diển đạt là ‘con voi!”

Như vậy ông Sạc Lô chỉ xưng tụng điệu bộ, cữ chỉ, hành động! Còn ngôn ngữ ông coi chẳng ra ‘cà ram’ nào cả nên ông khoái đóng phim câm chăng? Và những phim câm tuyệt tác đó chẳng cần đến một lời nói gì hết ráo mà sao ai cũng hiểu hết? Vậy mới hay!


Vua Hề Sạc Lô (hình www.doctormacro.com)

Người viết thì không cực đoan như ổng! Phàm viết văn, tất phải sử dụng tới chữ. Và theo lời tuyên bố của anh bạn văn: “Chữ nghĩa quan trọng lắm chớ! Nếu nghe theo ông Sạc Lô, thì làm sao mình lại có được một nền văn chương trên thế giới đồ sộ đến mức kinh hồn, đọc cả đời chưa ‘mẻ’ đi một góc?!”

Và khi dùng chữ để làm văn, anh cũng tỉ mỉ soạn riêng cho mình một quyển từ điển. Những chữ gì chưa rõ mà nói theo kiểu của ông Vương Hồng Sển là còn ‘tồn nghi’ thì anh dọng thêm cái dấu hỏi bự ‘tổ bố’ đằng sau, để lúc có thời giờ rảnh, ảnh sẽ tìm hiểu mà sửa đổi hay bổ sung thêm. Cách làm nầy thiệt hay! Ngày một chút! như kiến tha lâu đầy tổ. Nên vốn từ vựng của anh nhà văn nầy một ngày một giàu có thêm.Thiệt là nghề chơi cũng lắm công phu!

Mấy hôm trước,  anh bạn nhà văn ghé tệ xá chơi. Sau buổi trà dư tửu hậu, anh nhắc lại chuyện hồi xửa hồi xưa. Khoảng những năm cuối thập kỷ 70, trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, sau Tết Mậu Thân, có chương trình Phát Thanh Thương Mại. Chương Trình Phát Thanh Thương Mại nầy thường chơi mấy bản nhạc do Hoàng Oanh và Trung Chỉnh hát như “Trộm Nhìn Nhau” xem dung nhan đó bây giờ ra sao? chẳng hạn… rồi kèm thêm mấy cái quảng cáo!

Dù là quảng cáo thương mại nhưng câu chữ hành văn thiệt là đàng hoàng, rõ ràng và tề chỉnh như: “An toàn trên xa lộ, thanh lịch trong thành phố! Suzuki!” để quảng cáo cho xe gắn máy làm tại Nhựt Bổn!
Người viết nghe anh nói bèn nhớ tới đoạn quảng cáo thuốc ho Acodin. Có người đẹp, ngâm sĩ, ngâm thơ của thi sĩ Tản Đà: “Trận gió thu phong rụng lá vàng. Lá rơi hàng xóm lá bay sang. Vàng bay mấy lá năm già nửa. Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng. Ho! Ho! Ho! Acodin!”

Anh bạn văn nói: Khổ thơ nầy của ông Tản Đà hay nhứt là ba chữ ‘năm già nửa’. Chữ ‘già’ thiệt là đắt à nha! ‘Già’ là đã qua…có nghĩa là hết hai mùa xuân hạ tới mùa thu là hết nửa năm rồi! Tuy nhiên ‘trận gió thu phong’, thì gió thu là đủ, còn thêm chữ phong làm gì, dư. Lại một lần nữa người viết phải đồng ý…kiến với anh.

Anh cũng ‘phê’  là có tác giả lại không cẩn trọng lắm khi dùng thành ngữ! Thay vì “cục đất chọi chim’ thì lại xài ‘mảnh đất chọi chim’?

Anh nói: Bà con nông dân mình ở Miền Tây, tay lấm, chân bùn, bán lưng cho đất, bán mặt cho trời, vất vả, gian nan. Thất mùa đã chết rồi mà được mùa cũng chết luôn vì mấy công ty thu mua gạo xuất khẩu của nhà nước hè nhau chèn, ép giá. Nghèo, thiếu ăn, dù làm ra lúa gạo thì xí quách đâu? Sức khỏe đâu? Sao mạnh bằng Hercules mà vác nổi cả một ‘mảnh đất’ để chọi chim’ đây hở trời? ‘Cục’ đất còn may ra? Do đó trật có một chữ…‘sai một li, đi một dặm’ nghe!

Rồi tới luôn bác tài, anh cắt nghĩa cho người viết nghe sự khác biệt của hai động từ ‘Cầm lòng và Dằn lòng’. Thí dụ thấy đàn ông ăn hiếp đàn bà nên anh tức quá, nộ khí xung thiên, muốn ra tay can thiệp, làm anh hùng cứu mỹ nhân thì phải nói: “Dù cái thằng đầu trâu mặt ngựa đó có dữ dằn, mặt mày bặm trợn cách mấy đi chăng nữa, tui cũng không thể dằn lòng được nữa! Dù chết nhát, không dám…nhẩy vô can thiệp thì ít nhứt tui cũng đã kêu lính bắt nó…?!”

Còn ‘Cầm lòng” là khi ta thấy một chuyện gì thương cảm; phải ra tay hành hiệp! Chẳng hạn như về Việt Nam du hí, đi uống bia ôm, nghe em than não ruột: “Má ốm, ba đau, nhà ngập nước!” Bèn móc hết tiền túi ra, ‘boa’ cho mấy em ráo trọi rồi về nhà có bị bà xã ‘dợt’ thì rán chịu. Hành động đó phải gọi là ‘cầm lòng không đậu!”

Anh bạn văn nhấn nhấn: Chú thấy tiếng Việt của mình huyền diệu hông? Dằn lòng và Cầm lòng khác nhau lắm đó nha! Chỉ có chữ ‘lòng’… mà lòng thòng vậy đó!

Rồi người viết  thấy anh đang cao hứng làm diễn giả, diễn giải tùm lum, bèn đẩy đưa cho anh tới bến luôn nên hỏi: Nếu đọc sách vỡ, báo chí hay xem, nghe đài truyền hình, ra dô mà gặp chữ nào mà không rõ, mờ mờ ảo ảo thì tui phải làm sao?

Anh nói thì tra tự điển. Chớ đừng vỗ ngực ta đây, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của tui nên tui biết hết ráo là lầm to nhe. Nên nhớ: Những gì mình biết chỉ là ‘hạt cát’. Còn những gì mình không biết là một ‘đống cát’!

Nhưng cẩn thận, đừng cả tin, coi chừng bị dụ! Khi tra từ điển phải lựa cuốn nào được soạn một cách đàng hoàng nghiêm chỉnh một chút như cuốn Việt Nam Từ Điển của Lê văn Đức do Lê Ngọc Trụ hiệu đính, nhà Khai Trí phát hành là xài được! Chớ đừng ‘khờ’ như tui mà vác cái quyển từ điển ‘mắc ôn’ nầy về, vừa mất tiền, vừa mất công vừa mang thêm cục tức.
Anh nói: Mấy năm trước, anh có nhờ thằng bạn bắn cu li hồi nhỏ, còn kẹt lại trong nước, mua giùm cuốn từ điển về chữ nghĩa quê mình. Tội nghiệp ‘thằng nhỏ’ khệ nệ đi mua cuốn Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ của ông Tiến Sĩ Huỳnh Công Tín do Nhà Chính Trị Quốc Gia xuất bản rồi gởi qua tui.

Chú ơi! Thiệt là tiếc tiền và tiếc công của thằng bạn hiền hết sức!
Sao vậy? Coi nè. Coi chữ Bảo an đi. ‘Giả’ dám cắt nghĩa như vầy chớ:
Bảo an: dt một sắc lính của quân đội Sài Gòn cũ trước năm 1975, chuyên mặc đồ đen, thường là bọn an ninh, bọn chỉ điểm, “Mấy thằng lính bảo an này, phải coi chừng, chớ bọn nó ác lắm đó.”
Lính Bảo An sau nầy gọi là Địa Phương Quân, cũng như Dân Vệ sau gọi là Nghĩa Quân. Lính là mặc đồ lính chớ. Phải không? Tui nghi cha tiến sĩ nầy ‘bé cái lầm’ không phân biệt được giữa lính bảo an và cán bộ bình định xây dựng nông thôn thời Việt Nam Cộng Hòa mà dám cả gan cắt nghĩa ẩu, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia?

Nhưng cái tệ hại nhứt của soạn giả tiến sĩ nầy là ông không tuân thủ những tiêu chuẩn căn bản khi soạn từ điển gì ráo trọi. Vì làm từ điển là làm một công trình khoa học nhân văn thì phải chính xác, phải ngắn gọn, phải hết sức trung thực và hoàn toàn trung lập!

Từ điển là sách để tra cứu! Chớ nó không phải là bích chương, khẩu hiệu tuyên truyền cho phe ta, mà chửi bới phe địch cho sướng cái mỏ thì e rằng ông tiến sĩ nầy chưa già mà đã lẫn rồi chăng?



Hình bìa cuốn sách  về Sơn Nam
(hình phapluattp.vn)
Khi bàn về  cách soạn từ điển, nhà văn Sơn Nam có viết: Ông được đọc Đại  Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ và một quyển là của Vương Hồng Sển. Ông cũng ao ước: “Từ lâu rồi, tôi muốn bắt chước làm một quyển như thế...”

Ông muốn… nhưng chưa làm được vì thấy: “…Việc làm gian nan của các cụ lão thành phần lớn là do ‘có chí lớn’, ghi chép cẩn thận trong sổ tay!”

Rồi khi nhà văn Sơn Nam được ông tiến sĩ nầy ‘dời gót ngọc’ đến xin mấy lời giới thiệu cho quyển từ điển của mình thì nhà văn nể tình, bèn chia sẻ chút kinh nghiệm một chữ trong câu hát: “Ru em em théc cho muồi. Mẹ đi chợ Truồi mua bánh em ăn”. Nhà văn Sơn Nam nói: “Một bà ở Huế kế bên nhà giải thích: “Théc là khóc, đứa bé théc là khóc lớn tiếng”. Ở Sài Gòn và ở rừng U Minh, đã quen với hai tiếng “khóc théc”?t

Bà Huế hàng xóm của nhà văn Sơn Nam nói trật lất rồi vì anh bạn văn có lần cũng thắc mắc y ‘hịt’ như vậy; nên đem chữ théc ra, đi hỏi một người em xứ Huế, đất Thần Kinh chánh tông như ca sĩ Ngọc Hạ vậy, thì được cắt nghĩa là: “Ở Huế, không gọi là con ngủ, mà nói là théc. Théc cho muồi là ngủ say sưa, con hãy ngủ một giấc thật dài để mẹ rảnh tay ra chợ mua sắm các thứ nhật dụng, như vôi, trầu, cau và thuốc lá Cẩm Lệ!”

Chính vì: ‘Em nói gà, mà bà nói vịt’nên Nhà Văn Sơn Nam đã than thở: “Chữ nghĩa quả thật là gánh nặng dành cho thế hệ trẻ!”

Chắc chủ ý ông Sơn Nam muốn khuyên mấy chú nhỏ sau nầy nên cẩn trọng đừng có liều mạng mà làm ẩu à nha?

Nhưng tiếc thay mấy chú nhỏ nầy hăng tiết vịt quá, coi trời bằng vung nên chẳng chịu nghe lời khuyên chí lý của bực hiền giả?!

Theo anh bạn văn,   phải nói ngay rằng: Dù mấy ông tác giả nầy dù có học hàm Giáo Sư, học vị Tiến Sĩ gì đi chăng nữa thì một mình ông cái chắc là chưa đủ sức, chưa đủ khả năng một mình làm từ điển…mà múa gậy vườn hoang như thế?

Tây nó có hàng trăm ông Giáo Sư Tiến Sĩ đủ các thứ chuyên ngành rồi mới dám hợp nhau lại mà làm từ điển; như từ điển tiếng Anh của Oxford chẳng hạn. Vậy mà khi phát hành rồi, đôi khi cũng phải thu hồi mà chỉnh sửa sai sót do những người tra cứu phát hiện ra. Làm ăn kỹ càng như vậy còn chết; huống hồ gì mấy ‘chú’ cu ky một mình mà dám ‘hát’ sơn đông mãi võ? Do đó mới trật tùm lum, trật tà la, trật nát bét…trật nát ngấu như tương tàu!

Tra cứu từ điển của mấy chú, mấy đứa nhỏ học trò, sanh viên thơ ngây tin mấy chú thì có mà bán lúa giống!

Vậy mà khi nghe mấy chú nổ quá, dám một mình làm từ điển: Đây là công trình biên soạn dưới sự ‘chỉ đạo hay chỉ đại’ của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ, người viết cũng hơi ‘khớp, khớp con ngựa ô”, thì úi trời đất ơi! soạn cái từ điển dành cho tra cứu mà cũng sợ ‘thành ủy’ rầy nữa sao mà bẻ cong sự thực như trong từ ‘bảo an’ đã trích phía trên?

Thiệt: Tui sợ mấy ‘cha’ trong nước làm từ điển ‘lôm côm’ như vầy quá xá hà! Vậy mà cũng khoe là đoạt được hai cái giải…thưởng gì rồi đó nhe!

đoàn xuân thu.
Melbourne

1 comment :

  1. Tuấn Nguyễn30 July 2013 at 13:55

    Nghe Og3t chỉ tui vô thử Google và dịch bậy thì thấy nhiều đoạn gần giống với chữ Việt trên đài...
    Như vậy, khi nào bà con người Việt nghe đài Việt mà không hiểu tiếng Việt thì xin mời "gu-gồ" ngược trở lại Anh văn. Chắc là được nguyên bản. Hà hà.

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.