Thursday, 18 July 2013

Bạn tôi ăn chay trong tháng Ramadan


Khoa Nam :: 


Bắt đầu từ thứ Ba 9.7  tuần trước, cô bạn gái làm chung sở của Khoa Nam không còn đi uống cà phê, ăn quà vặt và cũng không thấy ăn trưa nữa. Từ hôm đó cho đến hết ngày 8.8.13, thỉnh thoảng Khoa Nam mang theo vài ba trái chà là tặng bạn. Cô ta mỉm cười nhận quà và gói lại để dành cho đến khi mặt trời lặn mới ăn.

Trong tháng này, mỗi ngày gặp người bạn đội khăn ấy Khoa Nam chào "Ramadan Mubarak!"




Tháng Ramadan trong lịch Hồi giáo

Ramadan là tên của tháng thứ chín trong lịch Hồi giáo. Lịch Hồi giáo khởi đi từ năm đấng tiên tri Muhammad bỏ thành phố Mecca dọn nhà về thành phố Medina. Chữ Ả Rập gọi chuyến đi này là Hijra nên năm trong lịch Hồi giáo thường thêm một chữ H ở đằng sau. Năm 2013 theo công lịch là năm 1434 H.

Năm Hijra lại bắt đầu vào khoảng tháng 11 dương lịch nên thứ Ba 9.7.13 vừa qua là ngày 1 tháng Ramadan (tháng thứ chín) trong lịch Hijra. Tháng Ramadan năm nay sẽ kết thúc vào thứ Năm 8.8. Hôm ấy là ngày vui Eid al-Fitr, tức lễ Phá Chay. Người ta ăn diện đẹp, thăm viếng, tặng quà và tiệc tùng tưng bừng như thể ngày tết.

Ăn chay theo luật Hồi giáo

Từ mồng 1 Ramadan cho đến ngày 30 Ramadan -- tức thứ Ba 9.7.2013 --- hơn một tỷ tín hữu Hồi giáo khắp thế giới -- trong đó có hơn nửa triệu tín hữu tại Úc -- ăn chay từ lúc mặt trời mọc cho đến sau khi mặt trời lặn. Đó là lệnh truyền được ghi trong kinh Quram.

Vì giữ lệnh truyền này, nên suốt tháng Ramadan nhịp sống trong thế giới Hồi giáo trầm lắng. Phố xá vắng vẻ. Hàng quán đóng cửa từ sáng đến chiều tối. Ở Saudi Arabia và Iran không ai ăn uống hay hút thuốc ở nơi công cộng. Nhưng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập thì luật chay nới rộng và một số hàng quán vẫn mở cửa. Tại Úc, người Hồi giáo vẫn đi làm bình thường nhưng đồng nghiệp rất biết điều nên không mời cà phê cà pháo như thường khi.

Tuy nhiên, kinh Quram có miễn trừ luật nhịn ăn và nhịn uống cho người phải di chuyển xa và đau ốm. Ngày nay, người Hồi giáo tại Úc cũng được miễn an chay nếu là phụ nữ mang thai, trẻ em và bậc cao niên.

Cuộc sống về đêm

Ngày xưa chưa có vệ tinh quan sát khi nào mặt trời mọc khi nào mặt trời lặn nên mỗi xứ đạo Hồi giáo chỉ định một đạo sư (qadi) để quan sát trời đất rồi báo cho mọi người biết. Tại Ả Rập Saudi vẫn còn một bộ trong chính phủ chuyên theo dõi giờ giấc mặt trời mọc và mặt trời lặn để thông báo cho toàn dân.

Theo tính toán của đạo sư Hồi giáo Úc, trong ngày đầu tiên của tháng Ramadan năm nay, tín đồ Hồi giáo tại Melbourne sẽ ăn điểm tâm trước 5:21 sáng. Sau đó 10 phút sẽ bắt đầu lần cầu nguyện thứ nhất trong ngày. Trong khi đó, tín đồ Hồi giáo tại Sydney phải ngưng bữa điểm tâm trước 5:21 sáng và chỉ được ăn tối từ 5: 01 chiều. Giữa hai bữa ăn này, tín đồ Hồi giáo không ăn, không uống thứ gì cả.

Khi mặt trời lặn, người ta lập tức uống chút nước, ăn vài trái chà là hay chất ngọt để lấy sức nấu nướng bữa ăn tối cho gia đình hay đến nhà thờ cầu nguyện và ăn bữa tối huynh đệ với xứ đạo.

Nếu không đến nhà thờ, các gia đình Hồi giáo thường mời bạn bè (và người nghèo) cùng ăn bữa tối (gọi là Ifta). Hội Đồng Hồi giáo Úc cho biết người không theo đạo Hồi có thể được nhiều gia đình Hồi giáo mời ăn tối với họ. Lý do là người Hồi giáo giữ chay tịnh suốt ngày nhưng kết thúc bằng cuộc vui đầm ấm.

Tại các nước Hồi giáo, trong tháng Ramadan dân chúng sống về đêm: phố xá yên tĩnh suốt ngày nhưng bừng lên rực rỡ khi mặt trời lặn. Nhiều nhà hàng Turkish Pide tại Úc đã quảng cáo giảm giá cho thực khác ăn tối trong tháng Ramadan. Khi thủ tướng Úc Kevin Rudd (Kevin Rudd 2.0) công du nước Hồi giáo Indonesia, tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã ngỏ ý mua thêm 25 ngàn con bò để cung ứng kịp thức ăn cho tháng Ramadan.

Như vậy tháng Ramadan không phải chỉ là tháng hy sinh hãm mình mà còn là tháng vui chơi.

Ramadan Mubarak!

Úc là xứ sở của di dân. Nhiều đợt di dân từ châu Âu, châu Á mang văn hóa, truyền thống và tôn giáo Thiên Chúa cũng như Phật giáo đến đây. Hiện nay, đợt di dân mới từ Trung Đông và Bắc Phi góp thêm sắc thái Hồi giáo vào đất nước phước đức này. Hiện nay, Hồi giáo được coi là tôn giáo lớn mạnh nhanh nhất như Phật giáo đã lớn mạnh nhanh nhất trong thập niên 1980-90.

Trong tháng này, chúng ta gởi lời chúc "Ramadan Kareem. Happy Ramadan" hay "Ramadan Mubarak! Blessed Ramadan!" đến láng giềng và đồng nghiệp Hồi giáo đang sống chung quanh chúng ta.

Khoa Nam

7 comments :

  1. 10 Bình Phước19 July 2013 at 06:17

    A ha! Bây giờ mới biết tại sao người Hồi Giáo thường có tên là Murabak (chắc là tương đương với tên Phúc của mình?).
    Tổng thống Ai Cập trước là Hosni MURABAK. Còn tổng thống Mỹ bây giờ là Barack Hussein Obama. Barack là chữ viết ngắn của MURABAK. Còn Hussein là gì thì tôi chưa biết... Nhưng có ông tổng thống Iraq tên là Saddam Hussein!
    Chả vì vậy mà bên Mỹ cứ nghi ông tổng thống này là người Hồi Giáo.

    ReplyDelete
  2. Cám ơn Khoa Nam về bài viết này. Mới đọc buổi sáng thì chiều có anh bạn người Ai Cập gọi đến nói chuyện, liền xổ ngay "Ramadan Kareem" và "Ramadan Mubarak" thế là nhận được tràng cười ha hả không ngớt.

    ReplyDelete
  3. Đúng vậy, sáng nay tôi đã thử nói "Ramadan Mubarak" với ông bán thịt Halah trong xóm Lakemba tôi ở. Úi chà ông vui chưa từng thấy. Tôi nghĩ giống như người mình thấy thích khi "thằng" Tây trọ trẹ nói "Chuc mung nam moi".

    ReplyDelete
  4. Thịt Halah là thịt gì vậy?
    Tôi thấy tiệm thực phẩm Lebanese hay treo bảng bán thịt này. Chỉ dòm vô tiệm đã thấy ghê ghê rồi nên không dám bước vô.

    ReplyDelete
  5. vì nhân đạo nên ở Úc khi giết một con vật thì họ chích điện cho chết, nhưng người Hồi Giáo thì họ không ăn những loại thịt còn máu của con vật nên họ giết bằng cách cắt cổ lấy treo ngược con vật cho chảy hết máu trong cơ thể con vật ra, và họ cho rằng ăn như thế thịt mới sạch vì không còn máu của súc vật, khi giết thì con vật phải còn sống không được bất tỉnh, và trong khi giết con vật thì họ phải đọc kinh của thánh Allah và con vật mà họ giết phải được nuôi tự nhiên nghĩa là không được nuôi bằng thịt của loài vật khác, họ gọi loại thịt đó là Halah

    ReplyDelete
  6. Chị Kim ơi hình như giết con vật để ăn thịt phải giết trước khi mặt trời mọc và phải quay về hướng đông phải không chị?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Huyền ơi, điều này chị không sure lắm, nhưng có điều nếu được tận mắt chứng kiến cảnh họ giết một con vật mới thấy thật là hãi hùng và tàn ác, sau khi xem một đoan video về cách làm thịt theo kiểu Halah thì không dám ăn thịt nữa. Những con dê con sau khi cắt cổ vẫn còn sống kêu lên những tiếng kêu thảm thiết, và những con khác thì sợ hãi tìm cách trốn chạy, một niềm tin tôn giáo kỳ lạ, chị không hiểu nỗi, kinh khủng thật

      Delete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.