Friday, 28 June 2013

Thủ tướng xử lý thường vụ


Sau ba năm hai ngày   làm thủ tướng nước Úc, nữ thủ tướng Julia Gillard đã phải ngậm ngùi ra đi trước khi được cơ hội vận động tổng tuyển cử lần thứ nhì dự trù được tổ chức vào ngày 14.9 sắp tới.

Nhớ lại cách đây ba năm, phó thủ tướng Julia Gillard hất chân thủ tướng Kevin Rudd. Ông Kevin Rudd không còn làm thủ lãnh đảng Lao động cầm quyền nữa nên cũng mất luôn ghế thủ tướng. Lý do là Úc theo thể chế dân chủ nghị viện. Đảng hay Liên Đảng chiếm đa số tại hạ viện thì thủ lãnh được toàn quyền chỉ định thành lập nội các. 

Vào năm 2010 – khi dân biểu Julia Gillard thành thủ lãnh đảng Lao động thì đương nhiên ngồi vào ghế thủ tướng vì lúc đó Lao động chiếm đa số tại hạ viện.

Thủ tướng Julia Gillard từ chức.
(hình TheWeek.com) 


Trở thành nữ thủ tướng đầu tiên, bà Julia Gillard không dọn nhà vào dinh The Lodge cho đến khi – theo lời bà nói - “được dân bầu”. Hai tháng sau, vào ngày 21.8.10, bà Julia Gillard tổ chức tổng tuyển cử. Bất ngờ, kết quả không ngả ngũ. Với một hạ viện có 150 ghế: Lao động được 72 ghế và Liên đảng Tự Do – Quốc Gia được 74 ghế. Dư lại bốn ghế do Xanh và độc lập ngồi. Nhóm dân biểu thiểu số này ngả về đảng nào thì đảng đó cầm quyền. Bà Julia Gillard đã chiếm được ủng hộ của ba dân biểu độc lập và một dân biểu Xanh rồi trở thành thủ tướng.

Là nữ thủ tướng đầu tiên trong chính phủ thiểu số, bà Julia Gillard đã đạt được nhiều thành tựu như xây dựng hệ thống Internet cực nhanh, lập ra sắc thuế Carbon, không cho in bao thuốc lá màu mè, thực thi cải cách giáo dục theo tường trình Gonski, lập chương trình chăm sóc người tàn tật, lập ủy ban điều tra lạm dụng tình dục trong các tổ chức tôn giáo và bác ái, vân vân. Tuy nhiên, vì là chính phủ thiểu số nên bà Julia Gillard luôn luôn bị cánh đối lập tìm kẻ hở mà đòi tổ chức tổng tuyển cử sớm. Trong ba năm qua, thủ lãnh đối lập Tony Abbott đã thành công khi tấn công sắc thuế carbon. Đối lập không chỉ phân tích lợi hại của sắc thuế này mà chỉ cho rằng thủ tướng Julia Gillard không còn đáng tin vì đã hứa không đánh thuế này. Lập đi lập lại khẩu hiệu hàng ngàn lần, ông Tony Abbott đã thuyết phục được công luận. Thế là chính phủ ngày càng tụt điểm trong các cuộc thăm dò cử tri. Hiện nay chính phủ Gillard không còn được đến 30% cử tri ủng hộ.

Bên cạnh đó, chính phủ này khốn đốn vì nhiều xì-can-đan. Khi dân biểu Craig Thonpson (LĐ) bị tố gian lận công quỹ hồi làm việc cho nghiệp đoàn, bà Julia Gillard sợ bị mất một phiếu tại hạ viện nên vời ngay một dân biểu từ cánh Liên Đảng lên ghế chủ tịch hạ viện: ông Peter Slippers. Cánh đối lập căm tức và phá bỉnh bằng cách khui ra chuyện lem nhen tiền bạc và tình ái của tân chủ tịch hạ viện. Cuối cùng ông này phải từ chức và lui về ghế độc lập. Lem nhem này làm hoen ố chính phủ không ít.

Một mặt đối phó với một thủ lãnh đối lập tiêu cực chưa từng thấy - (ông Tony Abbott tiêu cực đến độ bị gọi là Dr. No) – mặt khác bà Julia Gillard không xoa dịu được vết thương trong nội bộ đảng Lao Động. Sau khi hất cẳng soái chủ, bà Julia Gillard trao ghế ngoại trưởng cho cựu thủ tướng Kevin Rudd. Nhưng cựu thủ tướng Kevin Rudd không tha thứ nhát dao đâm sau lưng mình trong đêm 23.6.2010. Tháng Hai, 2012 từ Washington ông Kevin Rudd tuyên bố từ chức ngoại trưởng và tranh quyền thủ lãnh đảng. Nghị sỹ và dân biểu trong đảng lại bỏ phiếu. Kết quả bà Julia Gillard thắng thế với tỷ lệ 71 trên 31. Ông Kevin Rudd ngậm đắng nuốt cay hứa “hoàn toàn cộng tác”. Nhưng phe của ông Kevin Rudd chưa chịu yên. Tháng Ba năm nay, cựu thủ lãnh Simon Crean vỗ vai thủ tướng Gillard đòi bầu lại thủ lãnh đảng với hy vọng ông Kevin Rudd trở lại. Nhưng chính ông Kevin Rudd lắc đầu. Thêm một lần nữa, bà Julia Gillard khẳng định ghế thủ lãnh đảng. Nhưng quá tam ba bận - cuối cùng – vào tối thứ Năm 26.6.2013 khi đội tuyển banh bầu dục Queensland thắng đội tuyển NSW trong trận State of Origin (24-6) thì dân biểu đơn vị Lilley, QLD cũng thắng dân biểu đơn vị Lalor, VIC 57-45 phiếu và trở lại làm thủ lãnh đảng Lao động.

Ngay trong đêm 26.6.13, bà Julia Gillard đã đến dinh toàn quyền đệ đơn từ chức và đề nghị nữ toàn quyền Quentin Bryce chỉ định tân thủ lãnh đảng Lao động làm thủ tướng. Theo giáo sư luật hoc George Williams, thuộc đại học NSW, chưa chắc tân thủ lãnh Lao Động được chỉ định làm thủ tướng vì tân thủ lãnh đảng Lao động chưa chắc vẫn được các dân biểu độc lập và Xanh ủng hộ. Nếu nhóm dân biểu này ngả về Liên đảng, ông Tony Abbott phải được chỉ định lập nội các. Rủi mấy ông này ấm ớ thì nước Úc sẽ lâm vào khủng hoảng chính trị như thủa thủ tướng Gough Whitlam bị cách chức.

May mắn, thủ lãnh đối lập không tính chuyện bắt quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm tân thủ tướng vì làm thế càng tăng thêm uy tín cho ông Kevin Rudd. Thế là Úc đã có thủ tướng ngay vào sáng thứ Năm 27.6.13. Dầu sao, thủ tướng Kevin Rudd cũng chỉ là "xử lý thường vụ" vì ngày tổng tuyển cử không còn bao xa.

Việt Luận  ::

1 comment :

  1. Yêu Nước Việt29 June 2013 at 06:48

    Ba bài về đảo chánh tại Úc cho tôi thấy sinh hoạt chính trị Úc khác với VN nhiều lắm. Xin cám ơn cả ba bạn giúp tôi học hỏi.

    ReplyDelete

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.