dxt.
Gởi Bạn Văn Hoàng Chu!
"Makes the Whole World Kin",
có người dịch là Đồng Bệnh Tương Thân, là truyện ngắn của O. Henry in năm 1911 ở New York.
“Makes the Whole World Kin Number 13” (http://www.releasedonkey.com/)hình của Paul Calderon |
Truyện rằng: Một tên đầu trộm đuôi cướp, còn trẻ, bỏ túi một khẩu súng lục, leo qua cửa sổ vào nhà định ăn trộm. Trong lúc lục lọi tìm những vật quý giá, hắn thấy đèn trong phòng ngủ còn sáng và thấy ông chủ nhà đang ngủ. Hắn đánh thức ông dậy, bắt dơ tay lên. Ông già chỉ dơ được một tay thôi vì ông bị bệnh thấp khớp. Trùng hợp thay, tên cướp này cũng bị bệnh y như vậy. Tên ăn cướp và nạn nhân, hai người rủ rỉ rù rì, ‘tâm sự loài chim biển’ về bệnh trạng và cách chạy chữa rồi trở thành bạn thiết. Rủ nhau ra pub nhậu. Ra khỏi nhà ông già quên mang tiền theo thì tên cướp nói: “Đừng lo, để tui trả!” He he!
Do đó bạn ơi! Cuộc đời đôi khi mang lại cho chúng ta những điều bất ngờ còn quý hơn là cả tiền bạc, châu báu. Đó là tình bạn!
Hai người trước là kẻ cướp và người bị cướp. Một trẻ, một già. Vậy mà cùng bị bệnh thấp khớp đã làm họ trở thành bạn nhậu!
Còn chúng ta, cùng khoái đọc, khoái viết, khoái văn thì trước sau gì rồi cũng sẽ có những tình bạn văn quá đã, quý giá hơn châu báu nữa bạn ơi!
Chẳng hạn, mới đây, bài 'Hành Trình một tiếng ru em!' đi trên Trẻ Magazine, Texas Hoa Kỳ, có độc giả hỏi về nghĩa chữ'Ve'? Người viết rất hân hạnh vì bài mình được đọc, nên sung sướng trả lời rằng : “Bắp non mà nướng lửa lò. Đố ai 've' đặng con đò Thủ Thiêm!”
Viết là học! Vui là độc giả đọc rồi có thảo luận một vài cái chưa rõ. Để mình có cơ hội mà 'ngâm' cứu thêm. He he!
Đó là chuyện bên Mỹ. Còn bên Úc nầy, người viết vừa mới nhận được cái bài viết của anh bạn trẻ măng, mới 5 bó, Hoàng Chu, dưới đây! Xin kính trình quý độc giả thân mến, kèm theo những lời ‘cà khịa’ của người viết trong cái tình thắm thiết văn nghệ ‘gừng cay, muối mặn’ như sau:
Theo dõi cái blog Việt Luận này từ hồi còn trứng nước, thỉnh thoảng cũng góp vui, lời qua tiếng lại với bà con cho rậm đám. Từ các cây viết tài tử buổi đầu ngày càng vững tay cho đến sau này có sự tham gia của vài cây bút như Đoàn Xuân Thu (dxt) chẳng hạn. Và lâu nay đọc mấy bài viết của ổng mà nhớ tới nhiều chuyện xưa.
Từ bài 'Tần Quỳnh khóc bạn' làm mình nhớ tới truyện 'Thuyết Đường', quyển truyện Tàu dầy cộm đầu tiên mình đọc trọn, và mở đầu cho 'Tàn Đường', 'La Thông Tảo Bắc', 'Tiết Nhơn Quý Chinh Đông', ‘Tiết Đinh San Chinh Tây', ‘Tam Quốc Chí’, v.v... sau này.
Hồi đó đang học lớp Năm, còn ở với ông bà ngoại, đang tuổi ham chơi mà trưa nào cũng bị bắt phải nằm ngủ cả tiếng đồng hồ; không buồn ngủ cũng phải nằm xuống, dù nhắm mắt... để đó. Trưa nào cũng vậy, nằm mà không ngủ được, ngọ nguậy ngồi dậy là có cây roi mây chờ sẵn. May quá vớ được quyển Thuyết Đường dầy cộm, trước chẳng để vào mắt, nay đem đọc tạm; lúc đầu định đọc cho dễ ngủ, nào ngờ càng đọc càng bị hấp dẫn, ngày qua ngày cho đến hết quyển sách hồi nào không hay.
Từ nhân vật Tần Quỳnh tức Tần Thúc Bảo, quân sư Từ Mậu Công cho đến anh chàng ba búa Trình Giảo Kim, anh chúa đảng cướp ngồi không chia của Đơn Hùng Tín. Những nhân vật trong truyện là những điển hình về các mẫu người: trung, ngay, gian, nịnh - khác hẳn trong các truyện cổ tích trước kia - đã dẫn mình vào một thế giới rộng lớn hơn để sau này đến với Kim Dung, Cổ Long.
Rồi đến bài 'Bến Thành! Súp Lê vội thổi!' ông dxt lại nhắc đến 'Tuấn, chàng trai nước Việt' cùa Nguyễn Vỹ, một quyển truyện dài khác, 2 tập dầy cộm, đã cho mình những kiến thức vỡ lòng về thời Pháp thuộc. Từ cậu Ký Thanh với câu tiếng Tây rau muống dài lòng ngòng , đến những nhà hoạt động chính trị Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, đến cả các tay tổ Cộng sản Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Đặng Thái Mai.
Thủa đó mới lên trung học, ở với ba má trên Ngã Bảy; lúc đó kinh tế gia đình cũng khá, má lại phát hiện ra chợ sách cũ Sài Gòn trên đường Nguyễn Trung Trực, gần trường Kỹ Thuật Cao Thắng. Mình đã đi với má lên đó mua sách; gọi là chợ sách cũ nhưng đa số các sách bán ở đó còn mới toanh, không biết do nhà in in dư tuồn ra hay in lậu mà giá thì rẻ hơn trong nhà sách rất nhiều.
Má mua một loạt các truyện của các nhà văn Tiền Chiến như 'Xóm Cầu Mới' của Nhất Linh, 'Tiêu Sơn Tráng Sĩ' của Khái Hưng,... đặc biệt má rất thích các truyện của nhà văn Lê Văn Trương. Ngoài ra còn có các bộ truyện Tàu, và bộ 'Tuấn chàng trai nước Việt' mà trước đó mình có đọc một vài đoạn trong bán nguyệt san Phổ Thông. Chả là cũng trong thời gian 'ngủ trưa' thời tiểu học đã kể ở trên, sau khi 'ngốn' xong bộ 'Thuyết Đường' mình quay sang 'ăn tạp', đọc đến cả các nguyệt san của các cậu từ Bách Khoa, Thời Nay cho đến Phổ Thông, dĩ nhiên là không đọc hết mà chỉ các bài viết ngắn hoặc các truyện mà mình thấy thích. Đến bây giờ vẫn còn nhớ vài đoạn trong 'Mình ơi' (một mục tạp ghi tương tự như 'Thư gửi bạn ta' của Bùi Bảo Trúc bây giờ) của Diệu Huyền (một bút hiệu khác của Nguyễn Vỹ) chẳng hạn như bài viết về trận đấu giữa hai đội bóng tròn nữ ở Cái Vồn, Long Xuyên với đoạn thơ dưới đây:
“Mấy cô thôn nữ Long Xuyên. Cô nào cũng đẹp như tiên hở đùi. Đen thui đen thủi đen thùi. Hăm hai thiếu nữ trông mùi quá ta. Hăm hai cầu tướng chu choa. Giành nhau một quả banh da giữa trời!”
Bạn văn ôi!
Nhà văn Lê Văn Trương chứ không phải Lê Nguyên Trương! Ông mà đổi tên ổng là phải nấu chè đó nhe! He he!
Còn Cái Vồn, tức Bình Minh, bên kia Bắc Cần Thơ, thuộc Vĩnh Long chứ không phải Long Xuyên. Đất, căn cứ địa, của Trần văn Soái tức Năm Lửa, Hòa Hảo. Tui cho rằng hai đội đàn bà đá banh nầy: một của Cái Vồn, Vĩnh Long và một của Long Xuyên. Còn quả banh da giữa trời là của tui? He he!
Trong những quyển sách má mua ở chợ sách cũ cũng có các tác phẩm của Bình Nguyên Lộc như 'Quán bên đường', 'Đò dọc'. Ông dxt cũng nhắc đến một đoạn nói về công tử Quờn trong bài 'Chữ của thánh thần!'. Đoạn này mình còn nhớ đọc lần đầu tiên trong quyển sách Giảng văn lớp Đệ Thất của tác giả Đỗ Văn Tú, sau đó được đọc toàn bộ trong quyển 'Đò dọc'. Tuy chỉ là một nhân vật phụ, rất phụ trong quyển truyện mà sao mình vẫn nhớ đến bây giờ?
Trong bài 'Ba Tôi! Người Đánh Máy Mướn!' dxt nhắc về các tiệm Ronéo và đoạn đường Lý Thái Tổ - Phan Đình Phùng. Đoạn đường này mình cũng rất rành. Khi ở ngôi nhà trên Ngã Bảy mình học thêm Toán Lý Hóa ở một trường dạy kèm nằm trên lầu của một tiệm Ronéo như vậy. Hàng ngày từ nhà ở đường Pétrus Ký len lỏi qua khu nhà của các đồng bào tạm cư do hỏa hoạn sau Tết Mậu Thân và Việt kiều chạy nạn 'cáp duồn' từ Campuchia về, ra đường Lý Thái Tổ, băng qua đường đi về phía ngã ba Phan Đình Phùng để đến lớp. Cũng con đường này cuối tuần ba má hay chở các con, từ Pétrus Ký quẹo vào Lý Thái Tổ, rồi sang Phan Đình Phùng, quẹo vào đường Nguyễn Thiện Thuật để ăn hủ tíu bò viên. Thỉnh thoảng mình còn được ưu tiên thêm một chén bò viên không: chỉ có bò viên và hành lá thái nhỏ thơm phưng phức.
Bạn văn ôi!
Ông nhắc tới bò vò viên, làm tui lại nhớ quá chừng những chiếc xe bò vò viên gần rạp Đại Đồng, gần ngã tư Phan Thanh Giản và Cao Thắng. Tui thì 'hẩu xực' bò vò viên có ngò gai xắt nhỏ chớ không có bỏ hành như của ông đâu! Mà bò vò viên là của người Tiều, trong khi hủ tíu, mì thì lại do người Quảng nấu! Do đó hủ tíu bò vò viên là Tiều Quảng giao duyên? He he!
Cũng trong bài viết này mình mới biết: Hóa ra ông dxt là đồng môn của mình. Ổng là đàn anh học trước mình cả mười năm ở trường Pétrus Ký. Hồi đó nhà dọn lên Ngã Bảy nên ở nhà muốn mình thi vào trường này vì trường nổi tiếng mà gần, đi bộ chỉ khoảng hai mươi phút. Than ôi! Lực bất tòng tâm! Mình thi rớt, chỉ đủ điểm vào lớp bán công, học buổi tối. Còn nhớ trường có 15 lớp mỗi bậc, chia đều cho 5 lớp mỗi buổi, mình vào lớp 6/13. Học bán công cũng cùng chương trình, cùng các thầy cô như lớp ngày chỉ có vài khác biệt nhỏ. Thứ nhất là cái phù hiệu, học sinh lớp ngày mang phù hiệu có chữ Pétrus Trương Vĩnh Ký màu đỏ, còn học sinh lớp tối phù hiệu cũng y vậy nhưng chữ màu xanh. Ngoài ra mỗi ba tháng cả lớp xếp hàng đi lên văn phòng đóng học phí. Học buổi tối với ước mong có ngày nào đó do học giỏi sẽ được chuyển lên lớp ngày (chỉ nghe nói thôi chứ chưa thấy trường hợp nào). Đến cuối năm lớp 8 thì Việt Cộng vào, giải tán lớp tối, học sinh được chuyển sang các trường tư thục nay đã biến thành trường công. Trường Pétrus Ký mất tên, tượng ông Trương Vĩnh Ký trong sân trường và ngoài công trường đối diện nhà thờ Đức Bà cũng bị hạ bỏ, còn nhớ có một bài báo trên tờ Sàigòn Giải Phóng ca tụng việc đó và gọi ông là "tên học phiệt". Ôi! Thật là một cuộc đổi đời!
Đọc mỗi bài viết của dxt lại làm mình nhớ đến những chuyện xưa, vậy mà muốn bỏ vài câu bình luận lại không biết viết gì, chắc vì có nhiều điều muốn viết quá chăng!?
Nay thôi thì gom góp lại làm một bài gọi là tạ lòng người viết đã nhắc nhớ nhiều đến thời thơ ấu.
Tượng P. Ký tại Sài-gòn năm xưa (hình http://petrusky.chez.com/) | Bạn văn ôi! Petrus Ký chứ không phải là Pétrus Ký. Không có dấu sắc trên chữ e. Tên thánh của ông Trương Vĩnh Ký! Bạn văn có để ý cái tượng đồng bán thân của Ông Trương Vĩnh Ký, mặc áo dài khăn đống, đeo một dãy huân chương bên ngực trái và trên gò má phải có vết lỏm không? Vết nầy, nghe thuật lại, là do đạn bắn gây ra. Vì trưa ngày 27 tháng 4 năm 1955, trường Petrus Ký là chiến trường giữa lính Bình Xuyên Bảy Viễn và Quân đội Quốc gia của ông Ngô Đình Diệm (lúc đó Lại văn Sang, phe Bảy Viễn, đang nắm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia. Tổng Nha nằm phía bên kia đường Cộng Hòa đối diện trường Petrus Ký. Cái tiếu lâm là hồi trước đó Bảy Viễn là ăn cướp! Ha ha!) Bạn văn Hoàng Chu ơi! Xin cám ơn nhiều…nhiều! Trường cũ, người xưa… bùi ngùi! Mình xa quê, xa Sài Gòn đã lâu mà nhắc tới vẫn thấy bồi hồi quá xá hé? đoàn xuân thu. melbourne. |
Anh DXT ơi ! phải công nhận già như anh mới gọi là " sống lâu lên lão làng " , bên xứ sở này người già như anh và bọn em chẳng biết làm gì hơn là viết vài đoạn văn , đọc vài câu chuyện để thấy đời còn có chút gì để nhớ,em thì thích đọc thích lang thang đó đây trên mạng để đọc và thấy cái gì hay hay thì gởi cho bạn bè cùng nhau đọc, lúc đó tự dưng thấy vui vui vì nghĩ là có bạn bè cùng nhau châu đầu đọc truyện , y như hồi còn đi học mà bọn em vớ được quyển sách nào hay là chui vào thư viện châu đầu đọc vậy. Trí nhớ của em lúc này phải nói là đã bị thời gian bào mòn ít nhiều , cũng như HC vậy chỉ là lõm bõm, nhớ được như HC cũng là hay lắm lắm rồi, những điều HC và anh nói trong hai bài viết em đều đã từng đọc qua ,nghe qua , trải qua vậy mà chẳng nhớ gì hết, thật phải nên cám ơn anh và HC thêm một lần nữa mới được, càng già thì lại càng muốn bơi ngược giòng để tìm về quá khứ có đúng không anh ?mà đã gọi là quá khứ thì như một thước phim cũ đã đứt nhiều đoạn, ráp nối lại để mà cùng nhau xem, hay ở chỗ những đoạn phim bị đứt may mắn vẫn có người còn giữ được, thế là ráp nối lại chúng ta thế hệ cũ đã có những cuốn phim trắng đen của ngày xưa hoàn hảo hơn , tốt đẹp hơn . Kim Nguyễn xin cám ơn tất cả những bạn văn đã trân trọng và giữ gìn những thước phim tuyệt đẹp của một thời đã qua giờ đem ra chiếu lại cho mọi người cùng xem cùng thương tiếc
ReplyDeleteThật thú vị khi nghe hai ông cựu học sinh trò chuyện về các dấu sắc tên trên trường của mình: Petrus Trương Vĩnh Ký hay Pétrus Trương Vĩnh Ký?
ReplyDeleteHy vọng cũng nhận được trí nhớ của cựu học sinh Sương Nguyệt Ánh (Anh) về cái dấu sắc. Nhiều người cũng có thể từng ở trên đường Sương Nguyệt Anh (Ánh): xin cho biết ý kiến nhà mình ở Sương Nguyệt Anh hay Sương Nguyệt Ánh?
Tới luôn bác tài... Ai là người Hà Nội ngàn năm văn vật xin cho biết ở Hà Nội có phố Quan Thánh hay phố Quán Thánh? Có thành Tạ Hiện hay thành Tạ Hiền?
Và người từng học sử nước nhà thì nên nói vua Quang Trung đánh quân Thanh tại Hà Hồi hay tại Hạ Hồi?
Quá đã! Quá đã!
Og3t
Tuy tôi sinh ra tại Hà Nội nhưng lại hoàn toàn khôn g biết chút gì về Hà Nội, có điện thoại hỏi mẹ tôi thì được bà cho biết Đền Quan Thánh chính thực là đền Quán Thánh , vì trong đền không thờ ngài đại tướng quân Quan Vũ ( Quan Thánh)Theo phong tục của VN thì Chùa thờ Phật, Đền thờ Thần, Quán thờ Thánh.khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long ( 1010), đền được xây vào đời Hậu Lê. Không biết mẹ tôi có nhớ lầm không ? hy vọng là thời gian không bào mòn trí nhớ của cụ
ReplyDeleteHi cô Kim,
DeleteCám ơn cô chỉ vì một cái dấu sắc mà mất công điện thoại hỏi mẹ (nhưng cũng vì cái dấu này mà cô thêm dịp chuyện trò với mẹ, phải vậy không?) Trí nhớ của mẹ chưa bị bào mòn đâu. Các cụ ngày trước chưa có computer,iPhone nên nhớ dai dữ lắm.
Ông già không phải là dân ngàn năm văn vật nên nhờ tác giả "Dế mèm phiêu lưu ký" kiêm dân Hà Nội chánh gốc cắt nghĩa: cái phố bị gọi là Quan Thánh đúng ra phải là Quán Thánh (Mẹ cô trúng chăm phần chăm! Hoorah! Và cho Og3t gởi lời mừng nghen). Ở đây có quán Trấn Vũ thờ ông thánh. Tượng ông thánh này bằng đồng đen ngự trong quán.
Xin chờ dân Sàigòn chánh hiệu cho biết Sương Nguyệt Anh hay Sương Nguyệt Ánh.
Og3t
Có điều này cũng hơi thắc mắc muốn hỏi anh DXT, ngày xưa theo trí nhớ của tôi thì khi học ở Trưng Vương thỉnh thoảng có qua Pétrus Ký bán báo thì tôi nhớ là có dấu sắc trên chữ e, tìm kiếm ở Google thì cũng thấy có dấu sắc, vậy thì ai đúng ai sai ?
ReplyDeleteHình như người Huế cũng dùng chữ "ve" để chỉ điều các cậu "cua đào"? Mệ tôi có nói : "Hắn mê ve gái nên biếng học".
ReplyDeleteÁi da!
ReplyDeleteCái dấu sắc này coi bộ dám gây ra bão táp trong chén trà à nghe. Tôi học bài Hồng Lĩnh chỉ khi tìm kiếm bằng Google.
1. Tìm “Petrus Ký” thì được about 49,900 results
2. Tìm “Pétrus Ký” thì được about 35,800 results.
Đọc kết quả thì thấy Pétrus Ký và Petrus Ký lẫn lộn.
Bên phe “Pétrus Ký” có Wikipedia, trường tiểu học Pétrus Ký (http://www.pek.edu.vn/); trường trung tiểu học Pétrus Ký Bình Dương; Diễn đàn Pétrus Ký (http://diendanpetrusky.com/); nhiều video clip trên YouTube viết là Pétrus Ký...
Bên phe “Petrus Ký” có trang web của nhóm cựu học sinh petrusky.org, http://www.pkynamcali.org,
Ngược lại khi cựu học sinh trường này hội ngộ tại Nam Cali thì lại viết “Pétrus Kỳ Hội Ngộ... (http://www.saigongate.com/)
Thiệt là không biết đâu mà lần.
Xin hai anh Đoàn Xuân Thu và Hoàng Chu cho biết thêm về cái dấu sắc này.
T. Nguyễn
Cả hai anh đều học chung một trường, mà một anh có dấu một anh không dấu, vậy thì trên internet cũng có hai phe, thôi thì ai thích phe nào theo phe nấy, Kim tui thích cái dấu sắc nên theo phe HC cho phải đạo
ReplyDeleteCám ơn anh dxt đã ưu ái, mới tập tễnh mà thôi, nghe kêu bằng 'bạn văn' hãi quá!
ReplyDeleteVề nhà văn Lê Văn Trương, đúng là tôi đã nhớ lộn tên, tự tin quá nên không kiểm tra lại.
Vụ Cái Vồn chắc đúng như anh dxt đã nói. Tôi nhớ bài này Nguyễn Vỹ viết khi có trận banh thứ hai của các cô sau trận đầu 1,2 năm gì đó vì đoạn sau có câu: Cái Vồn độ nọ chưa hay/Long Xuyên ra trận độ này mới ghê.
Còn cái tên Pétrus Ký chắc tôi không sai, phải có dấu sắc vì không ai đọc "Pơ" mà đều đọc "Pê", có thể một số văn bản không đánh dấu nên thành "Pe" chăng (như "dao nào cũng là dao")? Chẳng nhớ nổi trên phù hiệu có dấu sắc hay không nhưng chắc chăn từ khi biết đến chữ này thì đều nghe là "Pê".
Nhắc lại lời anh dxt "Trường cũ, người xưa… bùi ngùi!"
Haha, OG còn nhớ trò chơi Who want to be a Millionaire không ? Trong suốt quá trình cuộc thi , mình được quyền điện thoại cho người thân hỏi một lân, một lần hỏi người xem và một lần trả lời 50/50. Chữ Pétrus Ký đã xử dụng hỏi bạn đọc, hỏi điện thoại, và cô T.Nguyễn cho hai nguồn tài liệu tham khảo , vậy thì có won million không OG ???
ReplyDeleteThưa quý bạn văn!
ReplyDeleteXin chép một đoạn trong bài:Ôn lại lịch sử trường Petrus Ký (trước 75)
Nguyễn Thanh Liêm
"Niên khóa đầu tiên khai giảng hồi tháng 9 năm 1927 với bốn lớp học sinh chuyển từ Chasseloup Laubat sang. Lúc này trường mang tên Collège de Cochinchine. Vị hiệu trưởng đầu tiên là ông Banchelin. Năm sau, 1928, Thống Đốc Nam Kỳ là Blanchard de la Brosse lấy tên nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký đặt tên cho trường, biến trường này thành lycée (trường Đệ Nhị Cấp) và cho đặt tượng đồng bán thân Petrus Ký vào giữa sân trường. Lễ khánh thành tượng đồng Petrus Ký và trường Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký được đặt dưới sự chủ tọa của Tống Đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse."
"...Tôi là hiệu trưởng đời thứ 13 của trường mặc dầu trước tôi chỉ có 11 ông hiệu trưởng (vì ông Valencot làm hiệu trưởng tới hai lần cũng như giáo sư Trần Ngọc Thái sau này). Từ 1927 cho đến năm 1975 trường có tất cả 17 vị hiệu trưởng. Trong số 17 ông hiệu trưởng này, có 5 người Pháp (Banchelin, Valencot, Andre Neveu, Le Jeannic, và Taillade) và 12 người Việt Nam (Lê Văn Kim, Phạm Văn Còn, Nguyễn Văn Kính, Nguyễn Văn Thơ, Nguyễn Văn Trương, Phạm Văn Lược, Nguyễn Thanh Liêm, Trần Ngọc Thái, Trần Văn Thử, Trần Văn Nhơn, Bùi Vĩnh Lập, và Nguyễn Minh Đức)...".
Thầy Nguyễn Thanh Liêm hiện ở Cali USA, còn thầy Bùi Vĩnh Lập hiện ở Sydney Australia.
Hai thầy lần lượt là Hiệu Trưởng trường, nên tui theo. Hỏng lẽ Hiệu Trưởng mà không rành tên trường sao?
Còn tại sao Petrus Ký, Pétrus Ký hay ngay cả Petrus Key, tui cũng đọc khá nhiều ý kiến khác nhau. Xin quý bạn văn cho thêm chút thời giờ, tui sẽ viết một bài không biết trúng hay trật nhưng xin bảo đảm không giống ai. Xin xem hồi sau sẽ rõ...
dxthu.
Các anh ạ, theo Kim tui sưu tầm ( nguồn Wikipedia) tìm hiểu, cộng theo trí nhớ lõm bõm, và hỏi bạn bè thì ông Pétrus Trương Vĩnh Ký sinh năm 1837-1898 ông rất uyên bác và là nhà bác học duy nhất tại VN biết 27 ngôn ngữ , sinh ra và lớn lên làm việc dưới thời Pháp thuộc nên tên ông không thể thiếu dấu sắc , sau này các trường học , văn thơ, bài viết đã Việt hóa ít nhiều nên dấu sắc biến mất, như vậy thì chúng ta có thể kết luận là có dấu sắc cũng đúng mà không có dấu cũng chẳng sai, nhưng nguyên thủy tên ông là có dấu, xin các bạn vào nguồn Wikipedia đọc thân thế và sự nghiệp của ông , rất hay
ReplyDeleteXin góp ý nhỏ
ReplyDeletePeter là tên Thánh - tiếng Anh
Petrus - tiếng la tinh
Pétrus - tiếng Pháp
Bậc thầy Trương Vĩnh Ký có quốc tịch Pháp, nên viết là Pétrus Ký