Monday, 6 May 2013

Hành trình một tiếng ru em!

Thì ra câu hát ru này:
“Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành!
Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành xa em!”

từ Mỹ Tho,
lội bộ qua Phà Mỹ Thuận
rồi Bắc Cần Thơ ‘di tản’ xuống tới Cái Răng,
Ba Láng,
Vàm Xáng,
Xà No,
thì nó đổi khá nhiều nha!

 Vì Cần Thơ không có thiết lộ như Sài Gòn, Mỹ Tho mà chỉ có Kinh Xáng Xà No chẳng hạn,
nên từ chiếc xe lửa Mỹ nó chuyển qua chiếc xáng

dxt. :: 
Ca dao là một từ Hán-Việt. Ca là bài hát có chương khúc, giai điệu; dao là bài hát ngắn, không có giai điệu, chương khúc.
Tác giả thường là không được biết đến. Có thể là bà con, cô bác, xóm giềng làm ra, rồi truyền từ đời này qua đời khác. Nhà thơ đầu tiên, làm ra câu ca dao đó, câu ru em đó, mới thực chính là ‘Nghệ Sĩ Nhân dân’ mà không cần phải làm đơn từ xin xỏ ‘thằng nào, con nào’ để mình được phong tặng danh hiệu gì ráo trọi!
Nhưng không phải tất cả các bài ca dao nào cũng được trúng tuyển, chọn để hát ru em đâu! Lời thơ, ca dao dành ru em, là phải mượt mà, dễ hiểu, dễ nhớ và nhứt là nội dung phải diễn tả ngổn ngang một trời tâm sự! Nghèo khổ nên tình duyên trắc trở hay phụ phàng duyên kiếp ba sinh gì gì đó. Càng buồn thì con nít, nằm trên võng nghe ầu ơ…ầu ơ… mới buồn theo… mà buồn… ngủ!
Ru con
(Hình http://www.cinet.gov.vn/)

Cách đây hai, ba chục năm về trước, người viết có anh bạn thơ sống không nổi ở cái ‘thiên đường’ tưởng tượng, bèn giã từ ‘em’ mà ra biển. Thằng bán dầu khốn nạn, lấy tiền dầu bỏ túi rồi điềm chỉ, báo công an chặn bắt khi anh bạn thơ vừa mới từ ‘taxi’ đổ ra con ‘cá lớn’. Cả bọn bị tụi công an Trà Vinh, bắt đi tù vượt biên cải tạo. Hai năm sau, ra tù, một ngày trở về quê cũ muốn tìm lại người xưa mà mới dừng chưn trước cổng nhà em, bất ngờ kinh ngạc đến kinh hoàng khi nghe tiếng em kẽo kẹt võng, ru con! Con của thằng khác chớ không phải con của mình, thì ca dao đúng là ‘dao’ thiệt, nó cắt mình đứt từng đoạn ruột mấy ông ơi!
Lại đoạn trường nhớ ‘Ngày xưa em nói: em thương có anh thôi! Không ai ngoài anh nữa’. Lại còn thề tán mạng nữa chớ! Em mà phụ anh là ‘bà bắt em đi!’. Ha ha!
“Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành!
Tàu Tây kia liệt máy em mới đành xa anh!”
Dù em nói vậy mà không phải vậy nhưng đàn ông, con trai Mỹ Tho dễ thương vô cùng! Bị em đá, đau hơn ‘bò’ đá, cũng lẳng lặng, im khe mà chịu trận. Còn nếu có buồn quá thì cũng hỏng đủ ngu để đâm đầu xuống sông mà tự vận hay vác dao ra mà xử đẹp em như bọn trẻ trong nước làm vì thất tình như bây giờ. Cũng đâm đầu vậy nhưng đâm đầu vô ‘em’ khác! He he!
Cưới vợ, em khác, rồi cũng xong, cũng sanh con đẻ cái đùm đùm. Cày ná thở nuôi vợ, nuôi con; còn cái tình xưa nghĩa cũ, cái vết đau lâm râm ấy… lâu mấy cũng thành thẹo chớ! Mà nếu có nhớ đến người xưa phụ bạc thì trưa hè ru con trên võng cho con vợ giặt đồ chẳng hạn, buồn buồn, chơi một tiếng hát ru, chọc quê người cũ, là hàng xóm khít vách, trách em nỡ lòng nào phụ bạc, bỏ anh, không thăm nuôi gì ráo, lúc anh sa cơ thất thế, tù rạc mà lại đi ưng thằng khác hả? Và nhân tiện vừa trách em ‘tham đó bỏ đăng’; vừa ca tụng cái thủy chung như nhứt của mình thì cách hay nhứt là ru con bằng câu ca dao này; chỉ có việc thay vị trí chữ em qua anh là muồi rệu rồi?
“Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành!
Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành xa em!”
***
Câu ru em này hay nên bay xuống tới tận Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Cà Mau… Nhưng khi tới những vùng đất không có xe lửa thì nó thay đổi. Nghĩa cũng vậy nhưng thay vì: “Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành!” lại thành: “Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành! Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành xa em!”
Người viết không biết chiếc xáng nó có cái vành hay không để mà bung vành như xe lửa Mỹ (Tho)?
Tình cờ thì được biết cũng có một nhà văn đàn anh cũng khoái tỉ tê câu ru em này như người viết vậy. Đó nhà văn gốc Tiều Châu, Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa (1941-2007) của xứ Xà Tón, Tri Tôn, Châu Đốc.
Xin chép một đoạn văn của ông:
“Cách đây 9 năm, lúc tôi làm trong hãng cưa gỗ làm bàn tủ ở Wildbad, máy bị hư bất ngờ, tiếng ken két ngưng làm người quen với tiếng động thấy chơi vơi. Tôi đứng thẩn thờ mệt nhừ trước những miếng gỗ nặng khiêng gẫy lưng, trong đầu trống rỗng, đón nhận câu hát ru em dội về, xa vắng man mác, dù lúc đó gần hai giờ sáng của ca làm đêm, cuối năm tuyết đổ, lạnh rát mặt. Câu ru em vỏn vẹn bốn chữ buồn xa vắng "Tàu Tây kia liệt máy..." kéo dài than thở, dặn dò, khuyên nhủ.
Nhưng khi đi làm công, chợt thấm thía, nhờ máy cưa gãy cốt im lìm như ‘Tàu Tây kia liệt máy’, tôi tìm được duyên tri kỷ với câu ru em này. Đầu óc ám ảnh, tại sao "Tàu Tây kia liệt máy?" Câu trước, câu sau tìm không ra, hỏi ai cũng không nhớ. Câu hát ru em làm nao lòng người mà thất truyền thì uổng phí và thiệt thòi biết chừng nào!
Tôi cất giữ mấy chữ đó trong tận đáy lòng, giống như giữ một phần tấm bản đồ tìm kho tàng, chờ tìm những mảnh còn lại để ráp cho đủ.
Câu ru em đã tìm tôi, cũng như tôi đi tìm nó, gặp duyên may bất ngờ. Tháng 6 rồi, tình cờ bạn tôi nhắc, thêm mấy câu ráp thành trọn vẹn:
‘Khi nào xáng nọ bung vành
Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành xa em!’
Người đó là anh Phan Lương Quới, hôm gặp anh, dù chưa quen, tôi quên phép xã giao, hỏi quê quán anh Quới (anh gốc Cần Thơ) rồi hỏi phăng ra bốn câu trên. Anh xua tay và đọc lại nguyên văn anh còn nhớ:
“Khi nào chiếc xáng nọ bung vành!
Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành phụ em!”

Ông Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa đã may mắn tìm lại được ‘người xưa” rồi đó!

Chắc là cái xáng (hình do tác giả gởi)

Nhưng mà xáng là cái gì chớ? Người viết thiệt không biết chiếc xáng hình thù tròn méo ra sao? Có thấy đâu mà biết? Nó có vành không để mà bung. Chứ chiếc xe lửa thì ắt có và phải có vành bằng sắt để chạy trên đường rầy mà nó chắc ơi là chắc, cách chi mà bung được; cũng như tình anh mãi mãi yêu em, nó cứng khư, cứng khừ như vậy.
Thì theo nhà văn Nguyễn văn Ba, cũng đất Cần Thơ, trong bài “Ca Dao, Dân Ca Kinh Xáng, Cửu Long” cắt nghĩa:
“Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu 20, một hệ thống kinh rạch đã hình thành khắp nơi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng phương tiện cơ giới gọi là xáng. Thời đó kỹ thuật móc đất còn thô sơ, chưa có xáng thổi, chỉ có xáng cạp.
Xáng cạp gồm hai miếng sắt rất nặng hình cong như hai cái muỗng, đưa lên cao, mở rộng ra, hay đổi vị trí, buông xuống, khép lại... Bởi cần cẩu và dây cáp, động tác cạp đất của xáng tương tự cầm cái muỗng múc nên được gọi nôm na là xáng múc. Do đó xáng là phương tiện cơ giới dùng để đào kinh thay sức người vì năng suất cao hơn hẳn.
Có hai loại kinh xáng ở đồng bằng sông Cửu. Thứ nhứt là kinh xuôi, thường dài, rộng, giúp nước lưu thông giữa đồng ruộng và sông lớn như sông Hậu hoặc vịnh Thái Lan. Thứ hai là kinh ngang, thường hẹp, ngắn, như cây cầu nối những kinh xuôi lại với nhau. Hệ thống kinh xuôi và kinh ngang dày đặc như lưới nhện thuộc các tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ), Chương Thiện, Bạc Liêu...
Nước ngọt sông Cửu Long theo kinh xáng vô ruộng; nước phèn, nước tù theo kinh xáng ra biển. Những khu vực trước kia là đồng chua đầy năng, lác, đế, sậy, là rừng tràm hoang vu... trở thành đồng lúa phì nhiêu, vườn cây ăn trái xanh tốt, năng suất lúa gia tăng gấp hai, ba lần!”

Thì ra câu hát ru này: “Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành! Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành xa em!” từ Mỹ Tho, lội bộ qua Phà Mỹ Thuận rồi Bắc Cần Thơ ‘di tản’ xuống tới Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No, thì nó đổi khá nhiều nha!
Vì Cần Thơ không có thiết lộ như Sài Gòn, Mỹ Tho mà chỉ có Kinh Xáng Xà No chẳng hạn, nên từ chiếc xe lửa Mỹ nó chuyển qua chiếc xáng.
Nhưng dù xe lửa Mỹ hay xáng nọ gì thôi cũng được đi nhưng “Khi nào xáng nọ bung vành!” thì không hay bằng chữ “Chừng nào xáng nọ bung vành!”
‘Chừng nào’ trong tận cùng của chữ, nghĩa đã là không, là chẳng bao giờ xảy ra được hết á! Con gái Mỹ Tho mà mình theo ‘ve’; mà em trả lời rằng: ‘Chừng nào á!’ nghĩa là hết đường tương chao rồi đó ông bạn hiền ơi? Gài số de đi là vừa!
Do đó chỉ hai câu: “Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành! Và “Khi nào chiếc xáng nọ bung vành!” cũng đủ làm cho chúng ta suy nghĩ đến cái thâm diệu vô cùng về cách dùng chữ của ông bà mình. Người viết càng nghĩ, càng ‘kinh’ tiếng Việt của mình và kính trọng lòng chung thủy của con trai Mỹ Tho biết chừng nào?! Trong đó có mình! He he!

Vậy mà có một ‘trự’ cũng xưng hùng xưng bá… là văn sĩ Bắc Hà 75, vô Sài Gòn kiếm ăn, muốn viết về chợ Bến Thành đã ‘càm ràm’ như thế này:
“Bây giờ, chúng ta sẽ đi tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của chợ. Để làm được điều này, ta sẽ phải nghiên cứu sử sách Sài Gòn. Tuy nhiên, ta sẽ gặp một số bất lợi. Thứ nhất, lịch sử của Sài Gòn xưa gắn liền với sự xâm lược, chiếm đóng của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ vì thế có nhiều địa danh, tên đường Sài Gòn liên quan đến các nước này. Thứ hai, các nhà sử học miền Nam có một lối viết sử dụng phương ngữ khá nhiều mà nếu bạn là người vùng khác thì bạn sẽ rất khó hiểu. Thứ ba, một số nhà nghiên cứu về vùng đất này lại thích viết theo lối “bác học” nên càng khó cho chúng ta khi muốn tìm hiểu về vùng đất Sài Gòn. Đây là những bất lợi chính mà bạn cần quan tâm khi muốn khám phá vùng đất này qua sử sách.” (sic!).
Tiếng địa phương trong văn chương Nam Kỳ Lục Tỉnh như của Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển, Sơn Nam… viết, nếu mình không hiểu thì tìm hiểu, thì học chớ! Làm biếng nhớt thây mà còn cằn nhằn cái gì hả ‘thằng ông nội con nít’?
Viết bá láp như vậy mà cũng lên mặt ‘làm tàng, làm phách’ ý quên ‘làm kiêu làm hãnh, chảnh!’ (xài chữ kiêu hãnh cho ‘chả’ hiểu)… Sợ mình sử dụng phương ngữ Nam Bộ ‘làm phách, làm tàng’ thì khứa lại rầy… la lối… bậy!
Ha ha!
đoàn xuân thu
melbourne.

0 comments :

Post a Comment

Xin bạn đọc nhấp mouse vào khung trống và cho ý kiến.