Ben Trần ::
K hông biết các bạn có cảm thấy bực bội không khi nhìn thấy các bức tường hay những công trình đẹp đẽ tự nhiên bị xịt sơn hay bị vẽ bậy. Khi tôi thấy những vết vẽ bậy đâu đó làm tôi liên tưởng đến những người quậy phá hay phản kháng xuất hiện đâu đây.
Tôi thường nói đùa với các con tôi những người vẽ bậy là những người ngứa tay! Vẽ bậy cho đã ngứa. Hay là họ muốn phản kháng điều gì đó? Có lẽ lứa tuổi thích vẽ bậy nhất là ở độ tuổi 13 đến 20. Ở tuổi nầy họ nghĩ vẽ bậy để phản kháng, hay chọc ghẹo ai đó là dễ nhất mà không bị bắt…
Ở Việt nam cũng có tình trạng vẽ bậy nhưng không phổ biến như ở Úc hay các nước Âu Mỹ. Ở đây mua lon nước sơn xịt quá rẻ, quá tiện lợi cho việc phá phách. Những ngày còn học trung học, thỉnh thoảng vô nhà vệ sinh tôi cũng bắt gặp các học trò ngứa tay mà vẽ bậy. Các cậu nầy viết, vẽ đủ thứ từ việc chê trách thầy nầy, cô kia… đến việc chửi ông giám thị, vì ông giám thị là gắt nhất… Có hôm vô trong nhà cầu tôi gặp ngay một câu “vẽ bậy” để chửi các tay “vẽ bậy” nghe rất đã tai:
“Ơn cha nghĩa mẹ công thầy,Vẽ trong cầu tiêu không bị bắt! Vẽ nơi khác bị bắt bị phạt sao? Đó là tính phá phách của tuổi trẻ mà!
Học cho biết chữ viết đầy cầu tiêu!”
Tiếng Anh họ thường dùng chữ graffiti để chỉ vẽ bậy. Graffiti nguồn gốc từ tiếng Ý nghĩa là khắc vẽ, một hành động có tính nghệ thuật. Cho nên có người cho đó là nghệ thuật; nhưng các bạn trẻ thể hiện nghệ thuật không đúng chỗ mà biến nó thành vẽ bậy hay phá phách! Bạn thấy nơi bị vẽ bậy nhiều nhất là các trạm hay trên toa xe lửa… Chánh phủ tốn rất nhiều tiền để tẩy rửa các hình ảnh vẽ bậy nầy. Vùng tôi ở, hội đồng thành phố dành ra một bức tường gần nơi chơi thể thao của giới trẻ cho họ mặc tình sơn vẽ theo ý thích. Làm như vậy các tay phá phách thích tụ về đây và không vẽ bậy nơi khác.
Hình chụp No War của AAP /The Australian |
Vào tháng 3/2003, khi chính phủ Úc chuẩn bị gởi quân đi tham chiến ở Iraq, có nhiều người chống lại việc nầy.Trong số nấy có hai ông dám bày tỏ ý kiến một cách táo bạo. Hai ông nầy leo lên tận trên nóc tòa nhà Opera House, dùng sơn đỏ vẽ lên hai chữ NO WAR to tướng. Dĩ nhiên hai ông phản chiến nầy bị bắt đưa ra tòa. Bạn biết công việc tẩy rửa 5 mẫu tự nầy tốn bao nhiêu tiền không? Gần ba trăm ngàn đô la tiền công quỹ!
|
***
Đầu tháng rồi smartphone có đưa tin: bạn có thể lấy về chương trình VandalTrak (miễn phí), khi đi đâu gặp những hình ảnh vẽ bậy bạn dùng smartphone chụp lại. VandalTrak sẽ gởi về nơi databases của họ. Cảnh sát sẽ dùng những databases nầy và tổng hợp lại để kết tội những kẻ vẽ bậy. Ở Gosford cảnh sát bắt được một cậu và nhờ vào VandalTrak mà cảnh sát có thêm bằng chứng cậu đã thực hiện 35 lần vẽ bậy ở những nơi khác.Ở Quakers Hill (miền Tây Sydney) các thám tử bắt được một cậu 17 tuổi đang vẽ bậy, họ đối chiếu các hình ảnh thu được từ VandalTrak và có thêm bằng chứng cậu ta đã làm 8 lần ở những nơi khác. Cảnh sát ca ngợi VandalTrak app và những người dùng nó. Nhờ chương trình nầy mà cảnh sát tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc. Vùng Quakers Hill không thôi, việc vẽ bậy giảm 49%, tiết kiệm cho công quỹ khoảng 7 triệu đô la một năm.
Ở Singapore việc vẽ bậy rất hiếm vì ai vẽ bậy mà bị bắt là lãnh đòn phạt bằng roi mây. Mà ăn roi nơi công cộng mới nhục nhã chứ! Mấy năm trước có một thanh niên Mỹ phạm tội vẽ bậy ở nước nầy. Tòa tuyên phạt 10 roi mây. Dư luận Mỹ lên tiếng chống đối. Tổng thống Clinton cũng lên tiếng xin tha. Nhưng ở Singapore: luật là luật, không tha thứ. Nể nang ông tổng thống Mỹ, ông tòa chỉ giảm xuống còn 5 roi. Cậu trai lãnh 5 roi xong, trở về Mỹ được giới truyền thông lưu ý. Được radio và tivi mời phỏng vấn. Cậu cũng hơi hí hửng vì được một số tiền mà không có vẻ gì là mắc cỡ…
Theo các bạn, ở Úc đây, ta có nên dùng roi mây phạt các tay vẽ bậy hay không? Chứ phạt tiền hay án treo thì xem ra nhẹ quá, làm sao ngăn được các tay nầy?
Ben Trần
Anh Ben ơi, Không biết nơi anh ở thế nào chứ ở Melbourne có những bức tường mà Hội đồng Thành Phố cho phép các họa sĩ nghiệp dư yêu nghề vẽ từ đầu tường đến cuối tường ( với điều kiện phải vẽ đẹp và bức vẽ bản thảo HDTP duyệt qua), họ vẽ những bức tranh thật đẹp lên tường , tôi thấy như vậy cũng có phần thú vị vì không để bức tường rêu phong ẩm thấp loang lổ nắng mưa làm mất vẻ thẩm mỹ của thành phố, và lại là nơi cho những họa sĩ yêu nghề có đất dụng võ.
ReplyDeleteNhư vậy là ở Melbourne có nhiều họa sĩ và thi sĩ nghiệp dư hơn ở Sydney. Chẳng hạn thi sĩ nghiệp dư Kim Nguyễn kia kìa...đúng không ??
ReplyDeleteAnh Ben ơi, thi sĩ nghiệp dư thì không dám , chỉ là viết hay không bằng hay viết mà thôi.
ReplyDelete